Hơn 10 giờ trưa, chúng tôi quyết định tìm một chỗ tá túc, gửi hành lý rồi tiếp tục cuộc hành trình của mình. Hành lý mang theo không nhiều nhưng so với cuộc lội bộ dưới lửa trời này có vẻ cứ nặng dần lên theo cấp số nhân. Có lẽ niềm vui đầu tiên và lớn nhất của chúng tôi trên đảo Lý Sơn này là lòng hiếu khách, sự chân tình, cởi mở và hào phóng của những người dân trên đảo. Không mất nhiều thời gian, chúng tôi đã được một gia đình cho ở nhờ không lấy tiền và còn có nhã ý mời cơm luôn. Cảm ơn tấm lòng thơm thảo của gia đình, chúng tôi gửi hành lý rồi tiếp tục đi sâu hơn vào đảo.
Giờ này, đa phần đàn ông con trai trên đảo đều đã theo thuyền ra khơi đánh cá. Quanh năm, họ vật lộn với sóng gió, miệt mài với cuộc mưu sinh đầy vất vả và hiểm nguy. Chỉ còn lại những người phụ nữ lo công việc nhà, lo trồng trọt trên rẫy với những đám dưa, đậu xanh và hành. Mùa này không phải là mùa tỏi. Trong trí tưởng tượng của chúng tôi khi còn ở đất liền thì trên đảo Lý Sơn là những đám tỏi trải dài, bát ngát, nối nhau chạy trên những bãi cát trắng. Thương hiệu tỏi Lý Sơn làm cho chúng tôi và không ít người nếu không tìm hiểu kỹ sẽ ngộ nhận rằng hòn đảo này chỉ trồng được duy nhất một cây trồng chủ yếu là tỏi. Nhưng không, mùa nào thức ấy, đất không phụ người, giữa cái nắng hè, cái gió khô và nồng vị muối biển, những đám hành, dưa và đậu xanh vẫn vươn lên, mang theo niềm hy vọng không nhỏ cho người dân đảo.
Khoảng 12 giờ trưa, chúng tôi ghé vào chợ thuộc thôn Đông, xã An Hải để kiếm chút gì ăn tạm. Chợ ít người bán cũng hiếm người mua vào lúc này. May là vẫn còn một quán bún ở phía sau. Chị chủ quán niềm nở chào chúng tôi, cởi mở nói chuyện. Ăn xong, chị còn mời chúng tôi một quả dưa hấu khá lớn miễn phí. Phải công nhận rằng dưa trồng trên đảo Lý Sơn ngon và ngọt hơn trồng trên đất liền. Thịt dưa chắc, ngọt một vị đậm đà và thấm thía. Cũng chính vì cái ngọt hiếm có ấy, sau khi nghỉ ngơi, chúng tôi quyết định đi vòng vòng trên những bãi dưa thuộc xã An Hải. Giữa trưa nắng, không có một bóng cây nào đủ che bóng mát, nhìn những bãi dưa, những trái dưa đang vào vụ thu hoạch, chợt nghĩ đến chuyện Mai An Tiêm trên đảo hoang. Bỗng dưng thấy vui khi nghĩ đến việc mình sẽ ở lại đây với những đám dưa này, xây dựng một cuộc sống mới, bỏ qua những bộn bề, bon chen trên đất liền kia...
Từ những đám dưa hấu, ghé vào một ngôi nhà ven đường, chúng tôi lại được mời ăn dưa. Cơn khát nãy giờ dưới nắng khiến chúng tôi không thể từ chối lời mời hào phóng, chân tình và hấp dẫn ấy được. Ở đây, lại nghe nói đến Lý Sơn mà không xem được chùa Hang, chùa Đục thì coi như chưa đến. Trí tò mò trỗi dậy, chúng tôi quyết định thuê một chiếc xe ôm đi vòng quanh xem các cảnh đẹp. Chùa Hang (xã An Vĩnh) là điểm đầu tiên trên đường chu du bằng xe ôm. Ngôi chùa nằm trong một cái hang núi không xa lắm nhưng đủ làm cho khách du lịch đến đây cảm nhận được một điều gì đấy linh thiêng đến lạ. Có những bậc thang dài khoảng 200m dẫn xuống chùa. Trước hang chùa là một khoảng sân khá rộng, có tượng phật bà Quan Thế Âm Bồ Tát quay mặt nhìn ra biển. Chúng tôi từ từ bước vào hang chùa, nơi chính điện thờ cúng. Giữa hang, khói hương nghi ngút, hàng chục người lầm rầm khấn vái. Trên đầu họ, những nhũ đá lâu lâu lại nhỏ nước xuống…
Thời gian không cho phép chúng tôi lang bạt thêm nữa. Trước khi về chỗ trọ, người xe ôm dừng lại nơi tượng đài Đội hoàng sa kiêm quản Bắc Hải. Trước tượng đài oai nghiêm sừng sững như ý chí của dân tộc Việt Nam mấy ngàn năm không bao giờ chịu khuất phục, lòng chợt thấy tin tưởng hơn. Bóng dáng tiền nhân như hiện về lẩn khuất đâu đây. Từng mảnh đất, từng cây cỏ như âm vang một linh khí vững bền, kiên trung gìn giữ an nguy xã tắc. Ngày xưa, những người lính ấy đã không tiếc máu xương để bảo vệ một phần đất thiêng liêng của tổ quốc. Nay và mãi mãi về sau, những người dân đảo Lý Sơn nói riêng và toàn dân tộc Việt Nam nói chung cũng sẽ ra sức, quyết chí kết đoàn để giữ từng tấc đất, tấc biển đảo mà cha ông bao đời đã đổ máu xương dựng xây và giành lại được.
Trời dần tối, trên những bãi biển, chúng tôi bắt gặp những gia đình ngư dân đang vá lưới, đang phơi những mẻ cá cơm bắt lên từ biển. Khuôn mặt họ sạm đen vì nắng biển, lúc nào cũng rạng lên một niềm vui, một sức mạnh chân chất như sẵn sàng vượt mọi phong ba bão tố để phát triển cuộc sống. Những đứa trẻ hoặc nô đùa đuổi nhau chạy quanh nhà, hoặc dắt nhau đi trên bãi biển triều đang xuống. Có lẽ thú vị nhất với tôi là hình ảnh những đứa trẻ cùng trèo lên một chiếc thuyền nhỏ vừa về bãi. Ngày mai, các em sẽ là những chủ nhân của vùng đảo, vùng biển này. Và cuối chiều, những con tàu đi ra biển cứ nối đuôi nhau về. Những người đàn ông từ biển trở về mang theo sản vật của biển.
Đêm trên đảo Lý Sơn, chúng tôi nằm trên hiên nhà người chủ cho ngủ lại miễn phí, lòng trằn trọc không yên. Phần vì lạ chỗ, phần lại lan man với những suy nghĩ riêng trong lòng. Điện không có, cái nóng lại càng làm giấc ngủ khó đến hơn. Mệt nhưng cũng trở dậy, ngồi bắt chuyện với những người đàn ông vừa đi biển về, đang ngồi bên mâm rượu. Những câu chuyện vui buồn của họ về cái nghiệp mưu sinh trên biển càng lúc càng thu hút. Ngoài kia, sóng biển vẫn vỗ vào bờ từng đợt từng đợt như những bài ca không dứt...
Thành Giang - Thanh Trâm