Trưng bày chuyên đề là dịp để khách tham quan chiêm ngưỡng hơn 60 hiện vật niên đại từ văn hóa Đông Sơn (khoảng thế kỷ 7 trước Công nguyên đến thế kỉ 1, 2 sau Công nguyên) và giai đoạn đầu thế kỉ 20, trong đó là nhiều hiện vật lần đầu được giới thiệu tới công chúng.
Hình tượng rồng có vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa, chính trị và tinh thần của người Việt Nam. Đây là biểu tượng thiêng liêng, gắn với huyền tích “con Rồng, cháu Tiên” của dân tộc Việt Nam. Rồng cũng là biểu trưng của mưa, tín hiệu tốt lành của nền sản xuất nông nghiệp của cư dân Việt. Tuy nhiên, bước sang thời kỳ phong kiến độc lập, rồng tượng trưng cho quyền uy tối thượng của các bậc vua trị vì, các đấng Thiên tử, gắn bó với đời sống hoàng tộc. Hình ảnh rồng từ đó được định hình một cách rõ nét, mỗi triều đại lại có cách thể hiện khác nhau, càng ngày càng hoàn thiện.
Trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, hình tượng rồng được thể hiện sinh động và đa dạng trên nhiều loại hình và chất liệu khác nhau, đặc biệt là trên nhiều cổ vật quý giá hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Trưng bày chuyên đề “Rồng trên cổ vật” là một cách tiếp cận mới về bản sắc văn hóa của dân tộc, giúp du khách hiểu rõ hơn về hình tượng rồng trong tiến trình lịch sử Việt Nam, đồng thời nâng cao nhận thức của công chúng đối với các di sản văn hóa của dân tộc.
Bảo Ngân