.jpg)
Theo sử sách, chùa Linh Mụ được xây dựng từ năm 1601, nằm cách thành phố Huế 5km về phía Tây, tọa lạc trên đồi Hà Khê, bên bờ sông Hương, thuộc xã Hương Long (thành phố Huế). Xung quanh chùa được bao bọc bởi tường xây bằng đá hai vòng trong và ngoài. Phía trước chùa là dòng Hương Giang êm đềm thơ mộng. Chùa Linh Mụ là ngôi chùa cổ kính với tiếng chuông chùa ngân nga vang vọng trên không gian sông nước Hương Giang. Dưới thời vua Tự Đức, để cầu mong có con nối dõi, nhà vua sợ chữ "Thiên" phạm đến Trời nên cho đổi từ "Thiên Mụ" thành "Linh Mụ" (hay "Bà mụ linh thiêng").
Trong không gian xinh đẹp, trầm tư, cổ kính, khuôn viên chùa Linh Mụ được chia thành hai khu vực. Trước cửa Nghi Môn gồm các công trình: bến thuyền xây bê-tông 24 bậc lên xuống, cổng tam quan bốn trụ biểu, sát đường cái, từ đây bước lên 15 bậc là đến đình Hương Nguyện, tháp Phước Duyên. Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Từ xa có thể nhìn thấy ngôi tháp Phước Duyên bảy tầng vươn cao trên đỉnh đồi Hà Khê bên sông Hương.
Theo sử sách ghi lại, tại chùa Linh Mụ, vào năm 1844, nhân dịp mừng lễ "bát thọ" bà nội (Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, vợ vua Gia Long), vua Thiệu Trị đã xây thêm tháp Phước Duyên hình bát giác, cao 21m, gồm 7 tầng, mỗi tầng thờ một vị Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng – tầng thứ bảy, thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Điều đặc biệt nữa là theo bia hiện còn ở chùa Linh Mụ thì chính nhà vua đã vẽ đồ án để kiến trúc tháp.
.jpg)
Tháp Phước Duyên có bảy tầng cao vời vợi, ở trong mỗi tầng có tượng phật Thích Ca ngồi trên tòa sen bằng đồng. Hai bên tháp có hai lầu tứ giác, lui vào phía trong có hai lầu hình lục giác, một lầu dựng bia và một lầu treo chuông lớn.
Khu vực phía trong Nghi Môn gồm các điện: Đại hùng, Địa tạng, Quan Âm, nhà trai, nhà khách, vườn hoa, lăng mộ Thượng tọa Thích Đôn Hậu… Về phía sau chùa là một khuôn viên rộng rãi, xinh đẹp với những thảm cỏ xanh non mượt mà, những tảng đá với biết bao hình thù kì vĩ, bên gốc cây cổ thụ có những giỏ lan rừng nở hoa phảng phất hương thơm… Đặc biệt, du khách còn thấy chiếc xe ô tô - di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước lúc tự thiêu năm 1963 để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Chùa Linh Mụ là một điểm nhấn trong nhiều đền đài, lăng, tẩm, chùa tháp… bên bờ sông Hương xứ Huế. Nơi đây vào mùa xuân, nhìn tòa tháp rêu phong, thông reo vi vu trong gió, tiếng chuông chùa ngân nga trong không gian yên tĩnh, mùi trầm nhang, mùi hương hoa thơm ngát… khiến du khách như lạc vào chốn thiên thai.
Tiên Sa