Khảo sát thực tế trong những ngày đầu tháng 2/2021 tại nhiều điểm đến là các di tích, danh thắng, các bảo tàng ở Thủ đô cho thấy ở những nơi này đã thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trong việc triển khai các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Do dịch bệnh nên lượng khách đi tham quan cũng như tham gia các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí tại các điểm đến đều giảm đáng kể.
Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, ông Lê Xuân Kiêu cho biết: Sau khi dịch bùng phát trở lại, Trung tâm đã đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh. Từ cổng vào trong di tích có những khuyến cáo về phòng, chống dịch. Dung dịch sát khuẩn tay được bố trí đặt tại các điểm bán vé, cửa ra vào và ở các vị trí thuận lợi để du khách dễ thấy, dễ sử dụng. Trung tâm cũng bố trí lực lượng nhắc nhở du khách sát khuẩn, đeo khẩu trang, nếu du khách chưa có khẩu trang được tặng miễn phí. Đồng thời, trung tâm yêu cầu cán bộ, nhân viên nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình.

Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng hướng dẫn thuyết minh, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long, Hà Nội cho hay: Đối với di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long công tác đảm bảo phòng, chống dịch được thực hiện ngay từ bàn đón tiếp. Khi khách đến tham quan được nhân viên nhắc nhở sát khuẩn, đeo khẩu trang, khai báo thông tin bản thân. Tại đây, trung tâm đã trang bị một máy đo thân nhiệt tự động và bình dung dịch sát khuẩn tự động. Sắp tới, trung tâm sẽ trang bị thêm một máy đo thân nhiệt tự động đặt tại khu Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.
Tại các điểm đến, di tích nổi tiếng như Nhà tù Hỏa Lò, đền Ngọc Sơn, Tứ trấn Thăng Long, từ các di tích trong khu vực phố cổ cho đến các bảo tàng đã chủ động, tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, luôn tăng cường các giải pháp để đảm bảo an toàn cho khách ở mức độ tối đa. Theo thượng tá Lê Vũ Huy - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: Để phòng dịch, Bảo tàng đã thực hiện phun khử khuẩn bằng dung dịch Cloramin B 2 lần/tuần, trang bị nước sát khuẩn, khẩu trang cho các phòng, ban, yêu cầu cán bộ, nhân viên đeo khẩu trang và ngồi giãn cách khi làm việc, hội họp. Đối với khách tham quan, khách đến làm việc phải đo thân nhiệt, ghi thông tin của khách, tuyên truyền, phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Doãn Toản - Trưởng Ban quản lý di tích - danh thắng Hà Nội cho biết: Khi dịch tái bùng phát, Ban quản lý đã tổ chức, triển khai phun thuốc diệt khuẩn toàn bộ không gian di tích quốc gia đặc biệt đền Ngọc Sơn và nhiều di tích khác thuộc đơn vị quản lý.
Thời điểm này, công tác phòng dịch được đặt ở mức cao nhất, tại các điểm đến đều có cảnh báo, nhắc nhở khách về công tác phòng, chống dịch COVID-19, khách không sát khuẩn tay, không đeo khẩu trang sẽ không được vào tham quan. Khi tham quan, khách phải đi theo hướng dẫn của cán bộ, nhân viên di tích, bảo đảm khoảng cách.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của du khách trong những ngày Tết cổ truyền cũng những ngày đầu Xuân khi đến Hà Nội, tại nhiều điểm đến ở Thủ đô bên cạnh việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn có các hoạt động trưng bày, triển lãm, khám phá nét đẹp ngày xuân phục vụ cho du khách. Tại Hoàng thành Thăng Long trừ các ngày 29, 30 và mùng một Tết, các điểm di tích vẫn phục vụ khách dâng hương miễn phí, từ mùng 2 Tết, khu di sản bắt đầu mở cửa phục vụ khách. Theo bà An Thu Trà - Phó Trưởng phòng trưng bày truyền thông công chúng - Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết: Chương trình Tết là một hoạt động thường niên của bảo tàng được duy trì trong nhiều năm và trở thành địa chỉ quen thuộc của công chúng mỗi dịp Tết đến xuân về. Năm nay trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, bảo tàng đã thay đổi cách tổ chức theo hướng an toàn và thực hiện nguyên tắc 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các hoạt động đã giảm bớt số lượng nghệ nhân, tình nguyện viên, cán bộ Bảo tàng, giãn cách khoảng cách các hoạt động, tăng cường hoạt động tự chơi, khuyến khích ông bà, cha mẹ hướng dẫn con cái. “Mặc dù nhiều hoạt động văn hóa tại khu vực phố cổ tạm dừng, nhưng trong dịp Tết cổ truyền du khách đến với phố cổ ngoài việc thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch COVID-19, du khách sẽ được khám phá nét văn hóa độc đáo của Thăng Long - Hà Nội qua trưng bày không gian Tết của gia đình Hà Nội truyền thống, xem trình diễn gói bánh chưng tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây; du khách được khám phá điểm đến du lịch Phú Yên qua triển lãm ảnh tại 28 hàng Buồm; xem triển lãm “Trâu trong đời sống người Việt” tại 50 Đào Duy Từ; phỏng dựng lễ cáo yết thành hoàng làng tại đình Kim Ngân; khám phá không gian văn hóa, viết thư pháp tại không gian tại phố bích họa Phùng Hưng…”, bà Trần Thị Thúy Lan - Phó Trưởng Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội chia sẻ.
Bài và ảnh: Tuấn Sơn