Tạo đột phá, đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm Du lịch, dịch vụ lớn của cả nước
Tiếp tục phát huy những lợi thế đó, mặc dù trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid- 19, nhưng với sự nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Khánh Hòa luôn duy trì được sự phát triển ổn định của nền kinh tế. Giai đoạn 2016 - 2019, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,7%/năm, đặc biệt khu vực dịch vụ phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân 6,8%; trong đó, ngành Du lịch phát triển theo định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, doanh thu du lịch giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 5%/năm, cuối năm 2019 đã thu hút trên 7 triệu lượt khách du lịch (trong đó có 3,6 triệu lượt khách quốc tế). Quy mô ngành dịch vụ của Khánh Hòa xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, xếp thứ 4/14 tỉnh, thành phố thuộc vùng khu vực miền Trung và xếp thứ 2/8 tỉnh, thành phố khu vực duyên hải Nam Trung Bộ (sau thành phố Đà Nẵng). Tỉnh Khánh Hòa có 1.113 cơ sở lưu trú du lịch, với trên 50.000 phòng, trong đó có 125 cơ sở lưu trú quy mô 4 - 5 sao, tạo việc làm cho trên 120 nghìn lao động trực tiếp trong du lịch. Giá trị các ngành kinh tế biển và ven biển của Khánh Hòa chiếm khoảng 80% tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ - du lịch và công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng khu vực nông - lâm - thủy sản.
Bước sang giai đoạn 2020 - 2025, với tiền đề là những thành quả đạt được của nhiều nhiệm kỳ qua, kết hợp với những điều kiện tự nhiên, các lợi thế đặc thù đã và đang phát huy hiệu quả như: nằm trên trục giao thông Bắc Nam, có cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, gần tuyến hàng hải quốc tế và có nhiều vịnh, đảo đẹp…, Khánh Hòa quyết tâm khắc phục những hạn chế, tồn tại để thực hiện chủ trương nhất quán là củng cố, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, anninh trên cơ sở phát huy mọi nguồn lực và tiềm năng của tỉnh. Trong đó, mục tiêu cụ thể đã được xác định: “Đến năm 2025, Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước”. Để đạt được mục tiêu này, Khánh Hòa sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm từ 8 - 8,5%; ngành Du lịch tập trung phục hồi nhanh chóng các hoạt động sau dịch Covid-19, sớm khôi phục tốc độ tăng trưởng, góp phần đưa ngành dịch vụ đạt tỷ trọng 52,6% trong cơ cấu kinh tế; thu hút được 11 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế; tập trung đẩy nhanh đầu tư để có 70 nghìn phòng kinh doanh lưu trú du lịch và tạo việc làm cho trên 160 nghìn lao động trực tiếp trong du lịch.

Để đạt được mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, Khánh Hòa xác định sẽ tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là, thực hiện có hiệu quả 4 chương trình kinh tế - xã hội, phát triển 3 vùng động lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển Khu kinh tế Vân phong để tạo động lực phát triển mới cho tỉnh và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tiến hành quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết về sử dụng vùng biển, bờ biển, tài nguyên biển để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển; đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển nhằm phát huy các lợi thế, tiềm năng của tỉnh và bảo vệ chủ quyền biển đảo, tập trung vào các ngành: dịch vụ du lịch biển, đảo chất lượng cao; công nghiệp, cảng biển, vận tải biển - hàng không; kinh tế đảo; nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng các khu công nghiệp gắn với phát triển các khu đô thị ven biển; phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy mạnh đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển; phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển; quản lý toàn diện kinh tế biển, đảo; tuyên truyền phát triển bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển; tăng cường cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển.
Ba là, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch, bình đẳng để thu hút đầu tư xã hội. Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu đạt tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm 2021 - 2025 trên 360 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ huy động tính trên GRDP hàng năm đạt từ 55 - 60%/năm.
Bốn là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động với tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7,7%. Phát triển thị trường lao động ổn định, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, phục vụ phát triển kinh tế biển và các nhóm ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp - chế biến, nông nghiệp công nghệ cao.
Năm là, đối với hoạt động du lịch, tập trung cơ cấu lại nhằm đảm bảo 3 mục tiêu phát triển: du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chú trọng tính bền vững gắn với tăng trưởng xanh và tổ chức khai thác kinh doanh du lịch có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp. Tiếp tục lấy du lịch nghỉ dưỡng biển - đảo làm mũi nhọn kết hợp du lịch bổ trợ như vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan và trải nghiệm văn hóa. Phát triển không gian hoạt động du lịch gắn với 3 vùng động lực phát triển của tỉnh, trong đó thành phố Nha Trang trở thành trung tâm du lịch của cả nước, có sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới; vịnh Cam Ranh và vịnh Vân Phong (đặc biệt là khu vực Bắc Vân Phong) trở thành trung tâm kinh tế biển được đầu tư phát triển hiện đại về du lịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học công nghệ, nhằm tạo bước đột phá về phương thức quản lý, điều hành, nâng cao năng suất lao động. Du lịch phát huy vai trò là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, nhất là phát triển chuỗi giá trị các ngành như: giao thông vận tải, xây dựng, thương mại, nông nghiệp... nhằm liên kết, sử dụng cho phát triển dịch vụ du lịch.
Phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần quyết tâm, tính năng động và sáng tạo, trong 5 năm tới, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa sẽ phát huy tốt lợi thế, khắc phục khó khăn, tập trung xây dựng tỉnh Khánh Hòa ngày càng giàu đẹp, trở thành trung tâm kinh tế - du lịch, khoa học và công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và của cả nước.
Nguyễn Khắc Định
Ủy viên BCH Trung ương Đảng
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Khánh Hòa
Nguồn: Tạp chí Du lịch T1+2/2021