 |
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn |
Dù ở đề tài nào Trịnh Công Sơn cũng như vắt kiệt tình yêu, niềm đam mê và cháy cạn mình để thổi bùng lên ngọn lửa yêu thương, đồng cảm. Nhạc sĩ Văn Cao thật tinh tế khi nhận ra rằng người nhạc sĩ họ Trịnh đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc mẹ hiền. Mặc dù ông là một trong số ít người viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra (Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát) nhưng tuyệt đối nhạc Trịnh không phải là thứ âm nhạc dễ dãi. Có cảm giác như Trịnh Công Sơn không phải đang viết nhạc mà đang chiêm nghiệm, đang trải rộng lòng mình trước con người, trước cuộc đời. Vì thế chăng mà nhạc Trịnh vừa gần gũi, dễ hiểu nhưng cũng vừa thâm trầm xa vắng như một thứ triết học uyên bác, thâm sâu.
Bước vào thế giới nhạc Trịnh, bất cứ ai cũng có thể bắt gặp ở đó, dù là chút ít, tình yêu, thân phận, niềm đau, nỗi nhớ... của chính mình. Chính vì thế, nhạc Trịnh đã như một sợi dây bền chặt nối con người với con người không phân biệt giới hạn, khoảng cách. Cũng có khi, nhạc Trịnh Công Sơn như một bà mối "mát tay" tác hợp duyên lành cho biết bao lứa đôi hạnh phúc. Người ta yêu nhạc Trịnh và đồng cảm, tri âm theo lời mời gọi đầy quyến rũ của người nhạc sỹ: "Hãy yêu nhau đi...". Không chỉ thế, Trịnh Công Sơn còn thiết tha vỗ về: "Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng"; thế nên, người ta tìm đến với Trịnh và âm nhạc của ông như tìm một chốn an bình. Chính Trịnh Công Sơn và những ca khúc của mình đã giăng lên sợi dây mỏng mảnh nhưng bền chặt liên kết mọi người với nhau, và hơn thế còn có thể níu con người ở bên kia bờ lầm lạc về với bến bờ lương thiện. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha trong dòng hồi ức về những kỷ niệm gắn bó với Trịnh đã nhớ lại lần ông nhặt được trong đống sách vứt bừa bãi tại Quân đoàn 2 Ngụy ở Pleiku tháng 3/1975 một cuốn Ca khúc da vàng do Trịnh Công Sơn tự chép, tự ấn hành. Cuốn sách của một người lính ngụy nào đó chỉ có chữ ký mà không ghi tên với những lời tâm sự viết vào ngày 23/2/1969: “Mẹ Việt ơi! Hãy ngưng cảnh máu đổ thịt rơi. Để chúng con cùng chung một nhà”. Khát vọng cháy bỏng đó của người lính bên kia chiến tuyến đã nói lên nhiều điều về sức cảm hóa của âm nhạc Trịnh Công Sơn. Chính khả năng kỳ diệu đó đã đưa Trịnh Công Sơn tới gần với tất cả mọi người và cũng xích mọi người tới gần ông. Điều đó lý giải vì sao có rất nhiều người ở bên kia chiến tuyến vẫn nghe, vẫn say mê nhạc Trịnh bởi nói như nhà văn Nguyễn Quang Sáng: “Chân - thiện - mỹ trong ca khúc của Trịnh Công Sơn đã vượt qua lòng hận thù”.
Nhạc Trịnh không chỉ có sức quyến rũ với công chúng yêu nhạc trong nước mà còn cuốn hút rất nhiều người nước ngoài. Một cô sinh viên xứ sở hoa anh đào học tại Đại học Juissieu đã tìm đến Việt nam, nghiên cứu, tìm hiểu Ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Và tại Pari, tên Trịnh Công Sơn đã vang lên trong buổi bảo vệ luận văn của cô gái, qua sự phân tích nội dung và minh họa nhiều bài hát bằng giọng hát, bằng tiếng đàn lục huyền cầm của chính cô. Một thanh niên người Đức đã từng khiến chúng ta phải ngạc nhiên trước sự am hiểu sâu sắc và sự đam mê của anh đối với nhạc Trịnh. Nói tiếng Việt còn chưa sõi nhưng anh đã ôm đàn và hát nhạc Trịnh từ ca khúc này sang ca khúc khác mà không biết chán. Thực sự, âm nhạc Trịnh Công Sơn đã vượt ra ngoài biên giới, chan hòa trong sự vô hạn của tâm hồn bởi những gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim, đó là một chân lý vô cùng giản dị.
Giờ đây, người nghệ sĩ tài hoa, người hát rong của thế kỷ 20 như nhiều người thường gọi, đã yên nghỉ tại nghĩa trang Gò Dưa. Từng đi qua nhiều vùng đất, để rồi, trong bài hát của ông, mỗi địa danh du lịch đều trở nên đầy sức quyến rũ khiến không ít người có ý muốn được tìm đến chiêm ngưỡng những nơi mà ở đó, Trịnh đã viết ra những ca khúc đi cùng năm tháng. Người hát rong đã ngừng cất lên linh cảm về những giấc mơ đời hư ảo. Nhưng sẽ còn mãi với thời gian những giai điệu mượt mà, sâu lắng, nồng nàn.
TRANG LÊ