Triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2006
Triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2006
Thứ tư, 08/02/2006 | 16:10 GMT+7
Vượt mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài năm 2005
Chỉ tính riêng trong 11 tháng đầu năm 2005, tổng vốn đăng ký mới và tăng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam đã đạt con số 5,29 tỷ USD, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước, vượt 17,7% so với mục tiêu đề ra cho cả năm (4,5 tỷ USD); dự kiến cả năm 2005 sẽ thu hút khoảng 5,8 tỷ USD vốn cấp mới và tăng vốn, cao hơn đáng kể so với mục tiêu đề ra cho cả năm, vốn thực hiện khoảng 3,1 tỷ USD.
Trong 11 tháng đầu năm nay đã có 702 dự án mới được cấp Giấy phép đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,6 tỷ USD, tăng 11,4% về số dự án và 81,8% về vốn đăng ký cấp mới so với cùng kỳ năm 2004. Đồng thời, trong 11 tháng đầu năm đã có 439 lượt dự án tăng vốn mở rộng đầu tư, với số vốn đăng ký tăng thêm khoảng 1,68 tỷ USD, tăng 6,8% về số dự án mở rộng và bằng 94% về vốn tăng thêm so với cùng kỳ năm 2004.
Cùng với việc gia tăng nguồn vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN tiếp tục khởi sắc. Trong 11 tháng đầu năm 2005, doanh thu của khu vực ĐTNN đạt 20,2 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ. Xuất khẩu (không kể dầu thô) đạt 9,9 tỷ USD, tăng 26,1% so với cùng kỳ.
Nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN tăng 24% so với cùng kỳ chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị của các doanh nghiệp mới thành lập và nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Ngoài ra, nộp ngân sách và số lao động mới được tuyển dụng của khu vực ĐTNN tiếp tục tăng đáng kể so với cùng kỳ 2004.
Sự khởi sắc của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian qua bắt nguồn từ những nguyên nhân chính sau đây:
Một là, nước ta kiên trì thực hiện đường lối đổi mới, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tạo hình ảnh tích cực đối với các nhà đầu tư. Nền kinh tế luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế, nhất là về khả năng mở rộng dung lượng thị trường trong nước.
Hai là, môi trường đầu tư nước ta từng bước được cải thiện. Hệ thống luật pháp chính sách về ĐTNN đã được hoàn chỉnh hơn tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, rõ ràng và thông thoáng hơn cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đặc biệt, tình hình chính trị - xã hội ổn định, an ninh được đảm bảo đã làm cho nước ta được cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là địa bàn đầu tư an toàn.
Ba là, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã tích cực, chủ động hơn. Trong thời gian qua, chúng ta đã đẩy nhanh lộ trình áp dụng cơ chế một giá, hỗ trợ nhà đầu tư giảm chi phí sản xuất, tiếp tục thực hiện việc cải cách hành chính, quan tâm hơn tới việc tháo gỡ kịp thời các khó khăn của nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án.
Bốn là, hoạt động xúc tiến đầu tư đã được triển khai tích cực nhằm vào các địa bàn trọng điểm và các dự án quan trọng. Công tác vận động xúc tiến đầu tư được tiến hành ở nhiều ngành, nhiều cấp, ở cả trong nước và nước ngoài dưới nhiều hình thức đa dạng như tổ chức các cuộc hội thảo vận động đầu tư. Đặc biệt, nhiều chuyến thăm, làm việc cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã được tiến hành ở nhiều quốc gia, gắn với việc quảng bá hình ảnh Việt Nam và vận động đầu tư - xúc tiến thương mại.
Một điểm đáng lưu ý là năm 2005, cơ chế đối thoại giữa Chính phủ với các nhà đầu tư đã được cộng đồng các nhà đầu tư đánh giá tích cực. Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam được định kỳ tổ chức mỗi năm 2 lần bên thềm Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ, nơi các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước có thể trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo các bộ, ngành về các khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tổ chức nhiều hội nghị về ĐTNN với sự tham gia của các bộ, ngành và địa phương để tìm các giải pháp nhằm thúc đẩy ĐTNN và thực hiện các cam kết của Chính phủ.
Những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ đã được các nhà ĐTNN đánh giá cao tại các diễn đàn chính thức tổ chức trong thời gian gần đây, nhất là tại Diễn đàn Hợp tác đầu tư và triển lãm ĐTNN diễn ra tại Hà Nội từ ngày 2 - 6 tháng 11/2005. Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn của các nước đang có ý định đầu tư vào Việt Nam nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực quan trọng như điện tử, tin học, điện dân dụng, hoá chất, thiết bị y tế, thiết bị văn phòng, sản phẩm gia dụng, khoáng sản, kết cấu hạ tầng,...
Năm 2006, hoạt động ĐTNN tại Việt Nam sẽ được đặt trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Tiến trình đàm phán gia nhập WTO đang được đẩy nhanh để Việt Nam có thể gia nhập WTO vào thời gian sớm nhất; việc thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ trong những năm tới sẽ từng bước mở cửa rộng hơn cho các nhà đầu tư theo lộ trình cam kết; đồng thời, Hiệp định Tự do hóa và xúc tiến đầu tư với Nhật Bản và hàng loạt các Hiệp định song và đa phương khác đang và sẽ được thực hiện sẽ tác động trực tiếp tới hoạt động ĐTNN tại Việt Nam. Dòng vốn ĐTNN trên thế giới đang có xu hướng tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, cùng với việc thực hiện lộ trình mở cửa thị trường trong lĩnh vực này, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc thu hút ĐTNN vào lĩnh vực còn nhiều tiềm năng này. Mặt khác, cạnh tranh thu hút ĐTNN trong khu vực và giữa các nước đang phát triển ngày càng trở nên gay gắt, đặt Việt Nam trước những nhu cầu bức thiết phải nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của môi trường đầu tư để tận dụng được cơ hội và thời cơ mới.
Trong năm tới, hệ thống luật pháp chính sách về ĐTNN cũng sẽ được hoàn chỉnh, đổi mới một cách cơ bản với việc ban hành và thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp áp dụng chung cho các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế và các văn bản hướng dẫn.
Trên cơ sở đánh giá tác động của tiến trình hội nhập và căn cứ tiềm năng của đất nước cũng như những nhân tố mới có tác động đến dòng vốn ĐTNN, có thể dự báo rằng, nếu môi trường đầu tư nước ta tiếp tục được cải thiện, dòng vốn ĐTNN vào Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi, vốn cấp mới trong năm 2006 có thể đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng 3,4% so với năm 2005, vốn của các dự án mới khoảng 5,4 tỷ USD; trong đó công nghiệp 57%, nông - lâm - ngư nghiệp 8% và dịch vụ 35%.
Triển vọng và giải pháp năm 2006 tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả hơn nữa nguồn vốn ĐTNN
- Cần tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp chung sau khi các Luật này được Quốc hội thông qua, trong đó chú trọng thực hiện tốt việc đảm bảo cho các doanh nghiệp hiện hữu chuyển sang hoạt động theo các Luật mới một cách thuận lợi.
- Tổ chức rà soát các cam kết trong các Hiệp định song và đa phương đã ký kết và phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đặc biệt về các cơ sở pháp lý để thực hiện các cam kết về mở cửa thị trường.
- Cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa ở các cơ quan cấp phép đầu tư, tăng cường phân cấp đi đôi với tăng cường cơ chế quản lý. Tiếp tục giám sát, kiểm tra chấn chỉnh việc ban hành các chính sách ưu đãi nhằm đảm bảo sự thống nhất về chính sách đầu tư trên phạm vi cả nước.
- Tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, cảng biển, dịch vụ viễn thông, cung cấp điện nước... nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong quá trình tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
- Coi trọng và tăng cường hơn nữa công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp có vốn ĐTNN nói riêng.
- Chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, xây dựng các đầu mối xúc tiến, đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, tổ chức hệ thống ăng ten (đại diện) tại nước ngoài và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, tăng cường công tác thông tin.
- Duy trì cơ chế đối thoại giữa lãnh đạo Chính phủ và các Bộ, Ngành với các nhà đầu tư nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các dự án đang hoạt động, đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ.
- Trong hoạt động ĐTNN, công tác cán bộ đặc biệt quan trọng vì cán bộ vừa tham gia hoạch định chính sách, vừa là người vận dụng luật pháp, chính sách để xử lý tác nghiệp hàng ngày liên quan đến mọi hoạt động ĐTNN. Cán bộ quản lý Việt Nam trong các liên doanh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam, của người lao động; đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động theo đúng pháp luật. Do đó, phải đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức Nhà nước các cấp, đội ngũ cán bộ Việt Nam trong các doanh nghiệp ĐTNN; trước mắt tập trung vào một số vấn đề như: phối hợp với các địa phương định kỳ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng xúc tiến đầu tư, quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ làm công tác ĐTNN ở địa phương; phối hợp với một số trường đại học trong công tác đào tạo sinh viên, lực lượng bổ sung hiệu quả cho đội ngũ cán bộ làm công tác ĐTNN trong cả nước; phối hợp với chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể trong việc giám sát các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Lao động, tăng cường giáo dục người lao động trong nhận thức về Luật Lao động để tự bảo vệ cũng như tạo điều kiện làm việc, sinh hoạt tốt hơn cho người lao động làm việc trong khu vực kinh tế có vốn FDI (nâng mức lương tối thiểu khi cần thiết, hỗ trợ các dịch vụ phục vụ người lao động như bệnh viện, giáo dục, khu vui chơi - giải trí...).
Cuối cùng, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình hành động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp các nước để thúc đẩy và hỗ trợ các nhà đầu tư hình thành và triển khai các dự án mới./.
HÀ PHƯƠNG