Nhật Bản là một trong số ít quốc gia kỳ lạ nhất trên thế giới, với khoảng 4000 hòn đảo, trong đó có 4 đảo lớn là Hokkaido, Honshu, Shikoku và Kyushu. Nhật Bản hầu như chẳng có tài nguyên gì ngoài bão tố... (trung bình 25 trận bão/năm) và động đất. Chưa hết, trong hơn 2000 năm của lịch sử cổ đại và trung đại, tính từ vương quốc Nippon (xứ mặt trời mọc - thế kỷ 3 trước công nguyên) đến cuộc cách mạng Meiji (Minh Trị Duy Tân - 1868), dân tộc này chỉ có 4 loại thực phẩm chủ yếu: gạo, rong biển, cá và đậu nành.
Nỗi khốn khó đè nặng trên đôi vai người dân Nhật Bản hết năm này sang năm khác. Sự ra đời một quốc gia thống nhất ở Nhật Bản cũng đã mở đầu cho tình trạng thống trị độc nhất vô nhị trên thế giới, quyền lực của Thiên Hoàng được duy trì song song với quyền lực của các tướng quân. Suốt hơn 1200 năm (645 - 1868), không có một quốc gia nào trên thế giới có tình trạng quyền lực kéo dài đến thế. Sự kỳ lạ của dân tộc Nhật còn được biết đến bởi tinh thần Hara - Kiri (tự mổ bụng) khi lòng tự trọng bị tổn thương. Câu mở đầu của quốc ca Nhật Bản cũng thật đặc biệt: "Kính thưa Thiên Hoàng - những hòn cuội nhỏ sẽ trở thành tảng đá lớn phủ đầy rêu...”. Lời thơ thật ai oán. Để đến được cái khoảnh khắc phủ đầy rêu, những hòn cuội nhỏ phải thấm đẫm nghị lực, phải chịu đựng phi thường, phải từng trải ghê gớm mới có thể tích tụ thành hòn đá lớn. Sau hàng ngàn năm, hòn đá ấy vẫn chưa phải là thực, vẫn là sự sắp xếp của quá khứ. Câu hỏi: "Cái lớn lao của cuộc đời nằm ở đâu?" cứ lởn vởn quanh ta khi nghĩ về tâm hồn, lý trí người Nhật Bản...
Nhìn trên bản đồ, địa hình tự nhiên của Nhật Bản, với những vết cắt gãy của bốn hòn đảo lớn trông rất giống với một bonsai của tạo hóa. Mặc dù bonsai không hẳn có nguồn cội từ Nhật Bản, nhưng dường như chỉ ở Nhật Bản, bonsai mới thực sự có hơi thở và linh hồn riêng. Nếu nhìn qua một góc bonsai đặt trong bình sứ hoặc bình đất chật hẹp, ta không khỏi rùng mình liên tưởng tới một triết lý nghiệt ngã của cuộc đời: để tạo nên cái đẹp, cái tuyệt vời, phải chăng cần đày ải một ai đó, một cái gì đó đến chỗ tột cùng. Theo thời gian, những vất vả của cuộc đời đã dạy ta rằng dường như bonsai cũng là một mảnh đời, một cuộc sống nữa của con người. Người Nhật Bản nghĩ thế và đã nhiều lần, nhiều người Nhật Bản nói thế. Phải chăng, một bông hoa đẹp đến ngất ngây bởi khoảnh khắc mà nó dâng hiến vẻ đẹp ấy cho cuộc đời thật ngắn ngủi? Phải chăng bên ngoài thân dáng xù xì với hàng ngàn vết cắt, vết cứa của bonsai là sức sống mãnh liệt, là sự chịu đựng bền bỉ, khát vọng sống và ý chí phi thường của sự câm lặng? Con người không cho bonsai có nhiều lá. Con người không cho bonsai sống đúng nghĩa với tên gọi của nó mà chỉ cho nó tồn tại với ít ỏi nước, ít ỏi không gian, ít ỏi sự chăm sóc, nhưng nhiều, rất nhiều những nhìn ngắm, suy tưởng, luận bàn, cắt xé...
Một điều kỳ lạ nữa là dù bé nhỏ và ít ỏi cành lá đến mấy, bonsai vẫn thể hiện sự kiờu hónh chất chứa bùng nổ, giống như núi lửa chực tuôn trào. Sự khô gầy của bonsai vẫn có thể che chở được hết thảy những nỗi niềm. Màu xanh hơi vàng vọt của sỏi đá, của thân lá vẫn rực rỡ kiêu hãnh, giống như con người Nhật Bản. Trước bonsai, con người khó có thể cười một cách vô tình. Ngắm bonsai, không một ai nỡ hời hợt. Hiểu bonsai, đó là câu hỏi bất tử của thời gian.
Trong đời thường, bonsai như là một nhân vật thứ ba của những cuộc hẹn hò giữa hai người mới quen biết. Họ nhìn vào đó để tránh phải nhìn vào mắt nhau. Lúc còn lại một mình, bonsai là sự vơi dịu nỗi đau, sự an ủi tuyệt vời trong im lặng đối với con người. Có những lúc, trong cuộc đời ta không còn chỗ để bám víu, thì bonsai là một bến đợi ảo thực, một niết bàn đầy kiêu hãnh. Có nỗi khổ nào, có sự chịu đựng nào và có cả sự dịu dàng nào so sánh được với bonsai? Không ít hơn 1000 năm, Nhật Bản đã lấy bonsai làm trung tâm để tạo dựng và hoàn chỉnh cả một nền văn hóa. Để thưởng thức cái mơ hồ "sương khói" của tinh thần bonsai, người Nhật Bản cầu kỳ sáng tạo nên trà đạo. Để khái quát sự tinh quái của bonsai, người Nhật Bản dựng tượng hai con cáo trước đền thờ thần đạo. Và dường như, để so sánh với sự chịu đựng bền bỉ của bonsai, người Nhật Bản đã làm ra thể thơ Haiku chỉ có 17 âm tiết - thể thơ được chế định một cách nghiệt ngã nhưng cũng thật tuyệt vời.
Ngày ngày
trên lá sen
Giọt sương rơi xuống
Nát tan hình hài.
Bài thơ ngắn nhưng chứa đủ sự dữ dội của một bi kịch. Đó là một ánh chớp dài bằng cả sự vĩnh cửu. Bài thơ của Buso đã gào thét và âm thanh ấy mạnh mẽ hơn cả sự cổ xưa của nó (thế kỷ 11).
Có sự liên cảm nào đó giữa vết cắt để tạo ra bonsai với Hari - kiri; giữa sự vất vả của người Nhật Bản với môi trường cằn cỗi mà bonsai sinh sống; giữa nỗi thống khổ của con người với vẻ bình thản ngạo nghễ của bonsai? Và sau hết, ai cũng ngắm, ai cũng biết bonsai, nhưng đã ai có thể hiểu rõ về bonsai?...
Phải chăng, cây tre và cây mai với dáng vẻ gầy guộc, gan góc như thách thức với thời gian là tinh tuý của phẩm cách con người Việt Nam? Còn bonsai, với cốt cách lạ thường và ý tưởng phi thường đã góp phần làm nên tinh thần võ sĩ đạo của linh hồn Nhật Bản.
HÀ VĂN THỊNH