Dự báo về nhu cầu du lịch thường rất phức tạp vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, tính liên ngành cao, phụ thuộc đáng kể vào cơ chế, chính sách, hiệu quả hoạt động của những lĩnh vực liên quan, chúng thường chịu sự tác động của nhiều yếu tố, như sự biến động của nền kinh tế thế giới, giá xăng dầu, tỷ giá ngoại hối, giá điện, nước, cước viễn thông, cơ sở hạ tầng, giá phòng khách sạn, rủi ro về môi trường, thiên tai, dịch bệnh... Những chỉ số dự báo về nhu cầu du lịch như: lượng khách du lịch, chi tiêu du lịch, công suất sử dụng phòng khách sạn, thường được xem là những biến số, bởi chúng thay đổi theo thời gian và không gian. Những biến số này phụ thuộc nhiều vào các yếu tố liên quan khác và chúng có mối quan hệ nhất quán với nhau, để làm cơ sở thực hiện dự báo. Những chỉ số cần dự báo (tổng số khách, khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa, thời gian lưu trú qua đêm, khách tham quan trong ngày, số chương trình du lịch đã bán) được gọi là biến số phụ thuộc và những yếu tố được sử dụng để phục vụ cho công tác dự báo (thời gian, chỉ số kinh tế, chỉ số nhân khẩu học, chi phí đi lại, thuế du lịch, chỉ số thị trường) được gọi là biến số độc lập.
Thực tế, có nhiều cách thức thực hiện dự báo, từ hình thức đơn giản như tham khảo ý kiến chuyên gia tới nhiều phương pháp tính toán phức tạp khác nhau. Tuy nhiên, tùy thuộc vào loại chỉ số (biến số phụ thuộc) cần dự báo, mục đích, mốc thời gian yêu cầu và nhất là khả năng về nguồn lực sẵn có phục vụ cho việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ dự báo như kinh phí, công nghệ, kỹ năng, đội ngũ chuyên gia…, để mỗi cơ quan, tổ chức lựa chọn áp dụng phương pháp dự báo phù hợp. Sau đây là một số phương pháp có thể áp dụng cho công tác dự báo du lịch: phương pháp ngoại suy đơn giản, ngoại suy không đổi, ngoại suy bình quân giản đơn, ngoại suy hàm mũ, ngoại suy cao cấp; phương pháp hệ quả, phương pháp hồi tuyến, phương pháp delphi, phương pháp tổng hợp...
Qua kiểm chứng thực tiễn, trong các phương pháp trên, phép ngoại suy được áp dụng phổ biến nhất và thường cho kết quả dự báo chính xác hơn cả. Phương pháp này sẽ giúp các nhà quản lý sử dụng xu hướng nhu cầu du lịch diễn ra trong quá khứ (lượng khách, chi tiêu khách, công suất phòng khách sạn…,) làm cơ sở dự báo các chỉ số cần thiết trong tương lai gần. Tuy nhiên, khi nói tới vấn đề dự báo, luôn phải xác định rõ những chỉ số dự báo sẽ không bao giờ chính xác tuyệt đối như mong đợi, mà chúng thường sẽ dao động trong khung tỷ lệ cho phép. Và trên thực tế con số lệch thường ở mức 2% là chỉ số có thể chấp nhận được. Trong dự báo nhu cầu du lịch, yếu tố thời gian là biến số quan trọng nhất. Bên cạnh đó, thực tế cũng chứng minh, hầu hết các phương pháp dự báo theo phép ngoại suy định lượng, đều ứng dụng những chỉ số về xu hướng nhu cầu du lịch diễn ra trong quá khứ, và được gọi là chuỗi thời gian hoặc những dữ liệu theo chuỗi thời gian để thực hiện công tác dự báo. Ví dụ: Nếu nhu cầu du lịch tăng trưởng ổn định liên tục trong khoảng 3-4% trong vòng 10 năm, điều này có nghĩa rằng, nếu không có sự biến động bất thường, chỉ số này sẽ tiếp tục tăng tương tự trong năm tiếp theo.
Nhằm giúp cho các nhà quản lý du lịch hiểu rõ hơn và tiếp cận với kỹ năng về dự báo, trên cơ sở đó nghiên cứu áp dụng phù hợp với yêu cầu thực tế, dưới đây là hai phương pháp dự báo đơn giản và được ứng dụng nhiều nhất, trong đó lấy ví dụ chỉ số về nhu cầu lượng khách du lịch quốc tế dự kiến đón được làm đối tượng xác định cần dự báo.
Phương pháp ngoại suy không đổi: Phương pháp này thường được áp dụng trong bối cảnh tình hình tăng trưởng du lịch tương đối ổn định, ít bị tác động của yếu tố độc lập (tác động bên ngoài).
Các bước tiến hành dự báo:
Bước 1: Thu thập dữ liệu về lượng khách du lịch quốc tế đón được trong giai đoạn hiện hành và trong quá khứ.
Bước 2: Tính tỷ lệ % tăng giảm lượng khách qua các năm và tỷ lệ chênh lệch.
Bước 3: Sử dụng tỷ lệ % thay đổi so với giai đoạn hiện hành làm cơ sở dự báo cho giai đoạn cùng kỳ năm tới.
Công thức dự báo:
Phương trình a: Ft = At - 1
Phương trình b: Ft = At – 1 × (At – 1/At – 2)
Trong đó: F = Giá trị cần dự báo; A = giá trị thực tế đạt được; t = Mốc thời gian cần dự báo.
Ví dụ: Lượng khách quốc tế (tháng 7/2000 – 7/2004): tính theo đơn vị nghìn
7/2000: 80,737; 7/2001: 82,504; 7/2002: 82,490; 7/2003:80,048; 7/2004: 87,708
Trong đó: (At – 1) tương ứng lượng khách quốc tế đón được năm gần nhất tháng 7/2004 và (At – 2) tương ứng với lượng khách quốc tế đón được năm trước đó tháng 7/2003.Theo mô hình ngoại suy không đổi, dự báo lượng khách đón được tính đến tháng 7/2005 có thể tính theo hai cách sau:
Cách 1: Theo Phương trình a: Lượng khách quốc tế cần dự báo Ft= (At – 1) = 87,708.
Cách 2: Theo phương trình b: Lượng khách quốc tế cần dự báo Ft= (At – 1) × (At – 1/At – 2) = 87,708 × (87,708/80,048) = 96,101. Trong khi đó lượng khách đón được thực tế được thống kê chính thức 7/2005 là 93,392. Khi so sánh số dự báo và số lượng khách thực tế đón được, sai số là 2%. Như vậy, xét về mặt lý thuyết cũng như kinh nghiệm thực tế như đã trình bày trên, trong dự báo con số lệch 2% là con số tương đối chấp nhận được và kết quả dự báo là tương đối chính xác.
Phương pháp ngoại suy bình quân giản đơn: Phương pháp này được áp dụng khi muốn dự báo chắc chắn với chỉ số tương đối an toàn và bao hàm được cả yếu tố khập khiễng, yếu tố không mong đợi, sự thất thường của tăng trưởng (cả - và +).
Các bước tiến hành dự báo:
Bước 1: Thu thập dữ liệu về những nhu cầu du lịch cần dự báo đã đạt được trong giai đoạn hiện hành và trong quá khứ (Ví dụ: Lượng khách du lịch quốc tế đón được).
Bước 2: Tính bình quân tỷ lệ % tăng giảm qua các năm.
Bước 3: Sử dụng tỷ lệ % thay đổi so với giai đoạn hiện hành làm cơ sở dự báo cho chỉ số nhu cầu du lịch giai đoạn cùng kỳ năm tới.
Công thức dự báo:
Phương trình: Ft = (At-1 + At-2 + At-3)/n
Trong đó: F = Giá trị cần dự báo; A = Giá trị thực tế đạt được; t= Mốc thời gian cần dự báo; n = Khoảng chuỗi thời gian trong quá khứ.
Ví dụ: July 2000 80,737 (1); July 2001 82,504 (2); July 2002 82,490 (3); July 2003 80,048 (4); July 2004 87,708 (5)
Theo cách tính trên, dự báo con số tháng 7/2005 sẽ là (1+2+3+4+5)/5 = 82,697.
Như vậy, với phân tích trên, có thể thấy công tác dự báo là vô cùng cần thiết và trên thực tế có nhiều phương pháp để thực hiện. Tuy nhiên, tùy thuộc vào thực tế tình hình phát triển, nhu cầu về mục tiêu cần dự báo và khả năng về nguồn lực cho phép của mỗi tổ chức để có thể đưa ra quyết định lựa chọn và thực thi phương pháp riêng, phù hợp với điều kiện của mình. Dự báo cũng luôn là công việc khó, tính tương đối cao, nhưng không thể bỏ qua và thậm chí rất cần phải đảm bảo yếu tố khoa học. Nếu không, công tác dự báo sẽ khó đảm bảo hướng tới tiệm cận được mục tiêu đặt ra.
ThS. Phạm Quang Hưng
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)