Tham dự lễ bàn giao có Giám đốc Dự án EU -ESRT Vũ Quốc Trí, trưởng nhóm chuyên gia quốc tế dự án Mary McKeon, vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Tổng cục Du lịch (TCDL) Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Đạo Dũng, đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (TCDL). Về phía các địa phương có Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hóa Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Nghệ An Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh Lê Trần Sáng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Bình Nguyễn Văn Kỳ, cùng đại diện các đơn vị thuộc Sở VHTTDL địa phương, Hiệp hội du lịch các địa phương…
Được triển khai tại 4 tỉnh Bắc miền Trung từ năm 2013, Dự án EU – ESRT đã hỗ trợ phát triển du lịch có trách nhiệm một cách bền vững tập trung vào 5 vấn đề chính, bao gồm: hình thành và đưa vào hoạt động tổ chức quản lý điểm đến đa thành phần; phát triển đối thoại công tư, tăng cường vai trò của Hiệp hội Du lịch các tỉnh; phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm; quảng bá điểm đến vùng; phát triển nguồn nhân lực.
Đại diện Tổng cục Du lịch (TCDL), Vụ trưởng Vụ TCCB Lê Tuấn Anh đánh giá cao nỗ lực của các địa phương đạt những kết quả đáng khích lệ trên nhiều mặt trong hoạt động du lịch thời gian qua, sự hỗ trợ của dự án EU-ESRT về quản lý điểm đến vùng, đào tạo nhân lực... cùng với tâm huyết của những người làm du lịch địa phương, các doanh nghiệp du lịch… sẽ tạo sức bật mới cho du lịch của vùng.
Giám đốc Dự án EU-ESRT Vũ Quốc Trí đã bàn giao 14 bộ tài liệu kỹ thuật để 4 địa phương Bắc miền Trung có thể áp dụng trong công tác quản lý phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm, có thể coi đây là “bí kíp” trong hoạt động du lịch.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, cán bộ Ban Hợp tác và Phát triển của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, đánh giá khu vực bốn tỉnh Bắc miền Trung đã thành công trong việc thu hút khách du lịch nội địa cùng một số dự án đầu tư du lịch lớn. Cách tiếp cận hợp tác mang tính khu vực sẽ khuyến khích khách du lịch kéo dài thời gian lưu trú và quay trở lại.
Bà Hằng cho rằng, để làm được việc này, điểm đến phải có một cơ chế hợp tác thực sự và chặt chẽ giữa các doanh nghiệp du lịch và khu vực nhà nước. Với sự hỗ trợ của Dự án EU-ESRT, cơ chế hợp tác này đã được cải thiện và tạo ra được những kết quả và những sự tiến bộ đáng kể cho khu vực. Bà Hằng cũng hy vọng các tỉnh sẽ tiếp tục duy trì bền vững các kết quả của Dự án sau khi Dự án kết thúc vào tháng 11/2016.
Phó Giám đốc Sở VHTTDL Nghệ An Nguyễn Mạnh Cường đánh giá cao hỗ trợ của Dự án EU-ESRT, sự quan tâm hỗ trợ của TCDL, mô hình tổ chức quản lý điểm đến của 4 địa phương đã được triển khai, khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch có trách nhiệm đặc trưng trên cơ sở phân nhóm và kết nối sản phẩm trong vùng, phát triển đối thoại công tư, quảng bá xúc tiến, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng quy tắc ứng xử… những hoạt động trên hết sức thiết thực, thông qua hỗ trợ của dự án đã làm chuyển biến nhận thức, tư duy, cách làm du lịch của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong vùng.
Theo đánh giá chung, khu vực 4 tỉnh Bắc miền Trung đã thành công trong việc thu hút khách nội địa và đầu tư trong du lịch; sự liên kết hợp tác khu vực sẽ tạo các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn hơn để thu hút du khách, kéo dài thời gian lưu trú và quay trở lại. Để làm được điều này, cần cơ chế hợp tác thực sự và chặt chẽ giữa các địa phương, giữa các doanh nghiệp du lịch để sau khi dự án kết thúc vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả.
Việt Hùng