Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì vẫn còn rủi ro tồn tại, đặc biệt nổi lên là các rủi ro trong ngành Hàng không gần đây gây thiệt hại về kinh tế, sự an toàn sức khỏe và tính mạng con người. Những rủi ro này làm chậm lại quá trình phát triển du lịch cả nước và thường để lại hậu quả nặng nề cho ngành Du lịch. Để ứng phó với những rủi ro này cần có những công cụ để dự báo và quản lý những rủi ro đó. Ở các nước tiên tiến có ngành công nghiệp du lịch phát triển, các công cụ dự báo rủi ro thường được sử dụng để giúp chính phủ đưa ra đối sách hợp lý nhằm ứng phó với các rủi ro không mong muốn. Gần đây, một trong những phương pháp được xem là hiệu quả trong dự báo rủi ro trong ngành Du lịch là kỹ thuật Delphi.
Delphi là kỹ thuật nghiên cứu nhằm đưa ra những tham số mong muốn thông qua bảng hỏi của các chuyên gia và được tương tác theo nhiều vòng. Như vậy, Delphi có nguồn gốc từ phương pháp dự đoán đối xứng và dự báo tương tác dựa trên bảng trả lời câu hỏi của các chuyên gia. Trong phiên bản chuẩn, các chuyên gia tạo thành nhóm và trả lời bảng câu hỏi trong hai hoặc nhiều vòng hơn. Sau mỗi vòng, người hỗ trợ cung cấp một bản tóm tắt bất kỳ các dự đoán của các chuyên gia từ vòng trước cũng như lý do tại sao họ đưa ra để hỗ trợ cho lựa chọn của mình. Vì vậy, các chuyên gia được khuyến khích xem lại câu hỏi và cân nhắc phản hồi của thành viên khác trong bảng trả lời của mình. Người ta tin rằng thông qua quy trình này, vùng câu trả lời sẽ giảm xuống và nhóm chuyên gia sẽ tiệm cận đến câu hỏi đúng. Cuối cùng, quy trình kết thúc sau khi một tham số được định nghĩa trước dừng lại (ví dụ như số vòng, tính ổn định của kết quả, đạt được đồng thuận) và điểm trung bình ở vòng cuối cùng xác định kết quả.
Bốn tính năng quan trọng của kỹ thuật Delphi là: câu hỏi có cấu trúc; lặp đi lặp lại; kiểm soát thông tin phản hồi; và giấu tên của người trả lời. Kỹ thuật này đã được chọn là một kỹ thuật khảo sát mô tả để đưa ra dự đoán cụ thể hoặc để khám phá mối quan hệ và tương tác giữa các biến. Kỹ thuật hệ thống này có tiền lệ trong các ứng dụng phong phú đa ngành trong đó có ngành Du lịch. Trong phương pháp Delphi, tri thức được thu thập qua các bảng câu hỏi và tri thức của các chuyên gia trong nhóm không bao giờ có điểm chung. Do đó, quá trình thảo luận nhóm và kết quả cuối cùng của nó không bao giờ “đi theo người dẫn đầu” và thường gây trở ngại cho chất lượng của ý kiến chung trong quá trình thảo luận trực tiếp. Phương pháp Delphi dựa trên triết lý “Điều tra biện chứng”, nghĩa là quá trình thảo luận nhóm đi từ chính đề (đưa ra một ý kiến). Hay nói cách khác, phương pháp Delphi dùng các mâu thuẫn nảy sinh giữa các ý kiến trái ngược trong quá trình thảo luận nhóm, tập trung quanh vấn đề cụ thể để tìm ra giải pháp mới.
Đối với nghiên cứu dự báo rủi ro trong lĩnh vực du lịch, phương pháp Delphi được biết đến lần đầu tiên trong dự án mang tên Pizam năm 1994. Câu hỏi nghiên cứu chính của đề tài nghiên cứu này là những rủi ro cảm nhận từ thiên tai và con người sẽ có ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp du lịch ở ven biển nhiệt đới trong giai đoạn 2001 - 2025 và 2001 - 2050 như thế nào? Các vấn đề khoa học được nghiên cứu, đúc kết theo hướng này, được tạo thành từ các thành phần sau: i) Phát triển du lịch trong tương lai ở khu vực ven biển nhiệt đới sẽ cần phải đối mặt với rủi ro thảm họa với quy mô chưa từng có trong lịch sử ngành công nghiệp du lịch; ii) Nhiều thảm họa tự nhiên ảnh hưởng đến các điểm du lịch ở vùng ven biển nhiệt đới xuất hiện ngẫu nhiên trong thực tế; iii) Dự báo hiện tại của phát triển du lịch chủ yếu dựa vào xu hướng lịch sử và suy luận toán học hoặc phân tích mô hình kinh tế trước đó. Kết quả của cuộc khảo sát chuyên gia đã mang lại kết quả đáng kể trong việc xác định các loại rủi ro chính (bao gồm sự kết hợp của các mối nguy hiểm, dễ bị tổn thương) là gì; dự báo giá trị và đáng tin cậy có thể được thực hiện cho hai giai đoạn (2001-2025 và đến năm 2050) là gì; ngành Du lịch có thể đáp ứng những gì cho việc quản lý rủi ro du lịch?... Từ những thành công trên của dự án, phương pháp Delphi được nhiều nước áp dụng và trở thành một trong những phương pháp không thể thiếu trong việc dự đoán rủi ro của ngành Du lịch.
Việc ứng dụng phương pháp Delphi trong công tác dự báo rủi ro trong ngành Du lịch được thực hiện theo nhiều vòng, nhưng thường theo các bước sau đây:
(1) Xác định mục tiêu là các rủi ro cần dự báo.
(2) Lựa chọn nhóm chuyên gia có sự am hiểu sâu về các khía cạnh của rủi ro được nhắm tới dự báo.
(3) Thiết lập bảng câu hỏi trưng cầu ý kiến về các biến dự báo và gửi đến từng thành viên trong nhóm chuyên gia (không yêu cầu khai báo tên).
(4) Các kết quả phản hồi từ mỗi chuyên gia được thu thập, lập bảng và tổng hợp thành một báo cáo tóm tắt vòng 1.
(5) Báo cáo tóm tắt kết quả vòng 1 sẽ được gửi trở lại các chuyên gia để lấy ý kiến nhận xét (lưu ý, tóm tắt này nên nhấn mạnh những ý kiến trái ngược, cực đoan, đặc biệt (khác với đa số).
(6) Những chuyên gia có thể sẽ hiệu chỉnh lại các ước lượng lần trước của họ sau khi có xem xét thông tin nhận được từ những thành viên (không biết tên) khác.
(7) Lặp lại bước (3) đến bước (5) cho đến khi không còn sự thay đổi đáng kể nào. Lúc này kết quả nhận được mang tính ổn định cao nhất và mang tính thống nhất cao. Đây có thể được xem là kết quả của quá trình nghiên cứu và có độ tin cậy cao phục vụ trong mục đích dự báo.
Quy trình kỹ thuật Delphi ứng dụng nghiên cứu dự báo rủi ro trong ngành du lịch
Ngày nay, khi công nghệ thông tin phát triển và hỗ trợ rất nhiều trong lĩnh vực dự báo rủi ro trong lĩnh vực du lịch, kỹ thuật Delphi được số hóa và trở thành công cụ hữu ích cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp du lịch. Có thể tìm thấy những phần mềm hỗ trợ kỹ thuật này như Dephi Principles Forecast, Institute for Futures Studies and Knowledge Management…
Với cách tiếp cận khoa học và cho kết quả có độ chính xác cao, phương pháp Delphi dần trở thành một trong những phương pháp dự báo rủi ro phổ biến hiện nay. Thụy Sỹ, Australia, Pháp… cũng đã và đang sử dụng phương pháp này trong xây dựng cơ chế dự báo cho ngành Du lịch. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) cũng đang sử dụng phương pháp này nhằm đưa ra những đánh giá tổng quan trong những xu hướng tác động từ những rủi ro từ môi trường vĩ mô và những thảm họa thiên nhiên và con người mang lại trong du lịch. Ở Việt Nam, phương pháp Delphi được biết đến trong lĩnh vực dự báo rủi ro về tài chính và bảo hiểm. Tuy nhiên, trong lĩnh vực du lịch, hiện chưa có cơ quan chuyên trách về việc thống kê số liệu và đưa ra nhận định dự báo về những rủi ro trong hoạt động ngành. Vì vậy, phương pháp này chưa được áp dụng vào công tác dự báo trên thực tế.
Ths. Doãn Văn Tuân
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)