Môi trường làng nghề với việc phát triển du lịch bền vững
Môi trường làng nghề với việc phát triển du lịch bền vững
Thứ sáu, 17/03/2006 | 15:10 GMT+7
Ngoài những thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, nền văn hóa đặc sắc... thì làng nghề truyền thống là một tiềm năng quan trọng để phát triển ngành kinh tế du lịch. Theo một số chuyên gia du lịch quốc tế nhận định: sự kết hợp giữa du lịch và nghề thủ công truyền thống tại Việt Nam hầu như không có tại các nước ASEAN khác. Đây chính là điều kiện thuận lợi để Du lịch Việt Nam tạo ra lợi thế cạnh tranh với các đối thủ trong cùng khu vực.
Những cái nôi của làng nghề Việt Nam có thể nói tới Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bến Tre... Vùng đồng bằng Bắc bộ có mật độ làng nghề truyền thống khá cao, chiếm 2/3 tổng số làng nghề cả nước với những nghề thủ công gắn liền tên đất như: lụa Vạn Phúc, đồ gỗ Đồng Kỵ, đồ đồng Đại Bái, tranh Đông Hồ, gốm Bát Tràng... Vào miền Trung có điêu khắc Mỹ Xuyên, tranh làng Sình, nón Phú Cam, đá Non Nước, gốm Thanh Hà... ở các tỉnh phía Nam có nhiều nghề thủ công như đá Bửu Long, gốm Tân Vạn, sơn mài Tương Bình Hiệp. Các tỉnh đồng bằng Nam bộ có các làng nghề cây cảnh ở Bến Tre, An Giang... Theo điều tra của Viện Asia SEED - Nhật Bản, hiện nay Việt Nam có khoảng 1.500 làng nghề thủ công với khoảng 40.500 cơ sở sản xuất thuộc 11 nhóm nghề chính như: sơn mài, gốm sứ, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá... với doanh thu hàng năm đạt 3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu năm 2005 đạt khoảng 0, 9 tỷ USD.
Du lịch phát triển đã góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội và khôi phục các làng nghề truyền thống. Đây là cơ hội tốt để các làng nghề truyền thống giới thiệu sản phẩm và tiếp cận thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, do bắt nguồn từ yếu tố lịch sử và mang tính chất địa phương nên các làng nghề đều phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, từ đó đã phát sinh những vấn đề về môi trường. Qua số liệu điều tra của Đề tài KC 08 – 09 “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách và biện pháp giải quyết vấn đề môi trường ở làng nghề Việt Nam” do Viện Công nghệ và Môi trường - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội thực hiện cho thấy: 100% mẫu nước thải ở các làng nghề được khảo sát có thông số vượt tiêu chuẩn cho phép. Nước mặt, nước ngầm đều có dấu hiệu ô nhiễm ở mức độ khác nhau. Môi trường không khí bị ô nhiễm có tính cục bộ tại nơi trực tiếp sản xuất, nhất là ô nhiễm bụi vượt tiêu chuẩn cho phép. Các bệnh tật như đau mắt, bệnh ngoài da, bệnh về đường hô hấp, đường ruột của người dân làng nghề cao hơn ở các làng thuần nông... Hầu hết các làng nghề ở nước ta không có hệ thống xử lý rác thải, nước thải, khí thải nên đã làm ảnh hưởng tới môi trường sống và sức khoẻ của người dân. Do các làng nghề tập trung hầu hết tại các lưu vực sông như sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Sài Gòn, sông Đồng Nai…, chất thải từ các làng nghề không qua xử lý là nguyên nhân khiến hầu như các lưu vực sông đã và đang gặp phải những vấn đề môi trường nghiêm trọng, làm suy giảm chất lượng nước nói riêng và chất lượng môi trường nói chung. Thực tế hiện nay cho thấy, các cơ sở sản xuất nhỏ xen lẫn khu dân cư hoặc tập trung thành cụm, không có ranh giới rõ rệt giữa khu sản xuất và khu sinh hoạt tại cơ sở; công nghệ lạc hậu, thủ công, thiết bị cũ chắp vá, thiếu đồng bộ. Sự phân tán và quy mô nhỏ lẻ đã hạn chế việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đặc biệt khó khăn trong việc quản lý chất thải (xử lý, thu gom) để giảm thiểu ô nhiễm. Môi trường tại hầu hết các làng nghề của nước ta là rất bức xúc nhưng công tác quản lý về vấn đề môi trường làng nghề lại đang gặp nhiều bất cập. Công tác quản lý môi trường tại địa phương chưa rõ ràng, lực lượng quản lý môi trường tại các cơ sở chưa đầy đủ, thiếu các cơ chế hỗ trợ . Đồng thời việc quản lý tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết về tác động của ô nhiễm môi trường cũng như các biện pháp phòng tránh chưa đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, những khó khăn để phát triển du lịch làng nghề chính là cơ sở hạ tầng như đường giao thông còn kém chất lượng, không có chỗ đỗ xe, chất lượng dịch vụ, môi trường tham quan và các loại hình dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Đặc biệt, môi trường cảnh quan ở làng nghề có tác động mạnh đến tâm lý của du khách. Điều đó dẫn tới du khách không thoải mái khi tham quan hoặc không muốn tiêu thụ sản phẩm làng nghề.
Để có thể khai thác phát triển du lịch làng nghề theo hướng bền vững, chính quyền các địa phương cần chọn lựa một số làng nghề tiêu biểu để có quy hoạch hoàn chỉnh, ưu tiên xây dựng đường giao thông, vệ sinh cống rãnh trong làng, kênh mương dẫn nước thải… Cần quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề, bố trí lại khu sản xuất, khu giới thiệu sản phẩm, tránh được ô nhiễm. Những công đoạn sản xuất tại làng nghề dễ gây ô nhiễm phải bố trí riêng và có phương án xử lý để không ảnh hưởng đến môi trường chung. Đây chính là kinh nghiệm của Hàn Quốc trong quá trình phát triển du lịch làng nghề được các chuyên gia du lịch Hàn Quốc giới thiệu trong Hội thảo “Phát triển du lịch làng nghề - giải pháp hữu hiệu để bảo tồn truyền thống và xóa đói giảm nghèo tại nông thôn”. Trong đó, công tác xây dựng cơ sở hạ tầng được coi là bước đầu tiên nhằm cải thiện môi trường nông thôn và tăng hiệu suất nông thôn. Để làm được điều đó thì phải công nghiệp hóa nông thôn và quản lý môi trường nông thôn. Các địa phương cần khuyến khích các hộ gia đình làng nghề tăng cường áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, công nghệ xử lý chất thải tại cơ sở sản xuất của làng nghề. Đối với các làng nghề có đón khách du lịch cần thiết lập các quy định về bảo vệ môi trường trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường và Luật Du lịch. Công tác giáo dục môi trường cần hướng tới đối tượng chính là người dân làng nghề, giúp họ nhận thức được môi trường cần được bảo vệ, trước hết là vì lợi ích của chính họ. Nội dung tuyên truyền tập trung vào những tác động của môi trường đối với sức khỏe, ảnh hưởng của sản xuất đến môi trường làng nghề và các hoạt động bảo vệ môi trường mà người dân có thể tham gia. Đối với các làng nghề nên lấy quản lý cấp xã là nòng cốt trong hệ thống quản lý môi trường; tiến hành thu gom rác thải, bố trí bãi rác hợp vệ sinh, xây dựng hệ thống thoát nước; trang bị dụng cụ bảo hộ an toàn lao động. Xây dựng các chính sách khuyến khích hỗ trợ tại các làng nghề như giảm thuế, phí đối với các cơ sở thực hiện tốt và có đầu tư cải thiện môi trường; hỗ trợ vốn cho các dự án cải thiện môi trường thông qua viêc lập quỹ bảo vệ môi trường. Quản lý môi trường thông qua hương ước làng xã cũng là một giải pháp cần quan tâm. Hương ước được cộng đồng lập ra dựa trên các quy ước truyền thống và có hướng dẫn của cơ quan quản lý môi trường. Cần xúc tiến quảng bá, giới thiệu các làng nghề, giáo dục ý thức cho cộng đồng dân cư có văn hóa giao tiếp và với khách du lịch…
LÊ HẢI