(Tạp chí Du lịch) - Dưới triều Nguyễn, do nhu cầu phổ biến rộng rãi các chuẩn mực của xã hội các điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo, để lưu truyền công danh sự nghiệp của các vua chúa, các sự kiện lịch sử..., triều đình đã cho khắc nhiều bộ sách sử và các tác phẩm văn chương để ban cấp cho các nơi. Trong quá trình hoạt động đó đã sản sinh ra một loại hình tài liệu đặc biệt, đó là mộc bản. Đây là những tài liệu gốc độc bản.
Mộc bản là những bản gỗ khắc chữ Hán Nôm được dùng để in ra các sách được sử dụng phổ biến dưới triều Nguyễn. Hiện 34.555 tấm mộc bản đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4 - trực thuộc Cục Văn thư, 935 quyển có nội dung rất phong phú và được chia làm chín chủ đề: lịch sử, địa lý, quân sự, pháp chế, văn thơ, tôn giáo - tư tưởng - triết học, ngôn ngữ - văn tự, chính trị - xã hội, văn hóa - giáo dục.
Đây là khối tài liệu đặc biệt quý hiếm, do giá trị về mặt nội dung, đặc tính về phương pháp chế tác và những quy định rất nghiêm ngặt của triều đình phong kiến về việc ấn hành và san khắc. Những tài liệu này được coi là quốc bảo, chỉ những người có trách nhiệm và thẩm quyền làm việc tại Quốc sử quán mới được tiếp xúc với chúng.
Để chế tác tài liệu mộc bản, Quốc sử quán đã phải tuyển nhiều thợ chạm khắc giỏi từ các địa phương trong cả nước. Kỹ thuật khắc hoàn toàn là thủ công. Mỗi chữ Hán - Nôm trên mộc bản được khắc rất tinh xảo, sắc nét. Mỗi tấm mộc bản không chỉ là một trang tài liệu quý giá mà còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Với những giá trị to lớn, năm 2009 Mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO vinh danh là Di sản Tư liệu thế giới.
Thu Thảo