Địa đạo Tam giác sắt Tây Nam Bến Cát nằm trên vùng đất 3 xã: An Điền, An Tây, Phú An thuộc khu vực phía Tây Nam huyện Bến Cát. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trước đây, vùng đất 3 xã Tây Nam Bến Cát sớm nổi danh với chiến khu An Thành. Thuở đó, An Thành từng là nơi dừng chân của các cơ quan đầu não kháng chiến khu bộ miền Đông, xứ ủy Nam Bộ, đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định… vì thế người dân địa phương sớm được giác ngộ cách mạng và đương đầu với biết bao thử thách ác liệt trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1948, hệ thống địa đạo đầu tiên xuất hiện từ vùng đất này. Sau những thất bại liên tiếp, kẻ thù đành bất lực, chúng phải gọi vùng này là vùng “Tam giác sắt” (Địa đạo Tây Nam Bến Cát). Với phương tiện thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ky xúc đất bằng tre, quân và dân 3 xã Tây Nam đã tạo nên công trình đồ sộ với hàng trăm con đường hầm ngang dọc trong lòng đất, nối liền các xã với nhau như một “làng ngầm” kỳ diệu. Các gia đình ở khu vực vành đai, nhà nào cũng đào hầm, hào nối liền vào địa đạo, tạo thế liên hoàn để vừa bám trụ sản xuất vừa đánh giặc giữ làng.
Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh nằm ở địa điểm thuộc ấp 1 xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng. Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia ngày 11/5/2010. Nơi đây phản ánh sự lãnh đạo, chỉ huy đúng đắn, trực tiếp và sáng tạo của Trung ương Cục, Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh chiến dịch. Di tích mặc dầu là một cơ quan tạm thời (trong khoảng thời gian từ 26/4 - 30/4/1975), nhưng đã thể hiện được vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt trong chiến lược chiến tranh của thời đại mới, mà trực tiếp là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Di tích nằm trong khu vực rừng cây, có rất nhiều suối nhỏ và ngắn đổ vào con suối lớn Căm Xe như suối Các Liễu, suối Ong Lô, suối Biên Lộc, suối Bà Già, suối Bà Thành…
Nhà tù Phú Lợi tọa lạc trên đường Một Tháng Mười Hai, phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một, đã được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử quốc gia ngày 10/7/1980. Nhà tù Phú Lợi là một trong những nhà tù lớn của Mỹ - Diệm ở miền Nam được dựng lên năm 1957 để giam cầm, tra tấn các chiến sĩ cách mạng, những người yêu nước lúc bấy giờ, và tồn tại suốt 8 năm (1957 - 1964). Nhưng với tinh thần kiên cường bất khuất, các tù nhân Phú Lợi đã đoàn kết anh dũng đấu tranh thắng lợi. Tại đây, chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập, lãnh đạo tù nhân, từng bước đấu tranh với kẻ thù. Với giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa chính trị quan trọng đó, năm 1995, di tích đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chủ trương đầu tư công trình biên soạn lược sử và trùng tu, tôn tạo vào đúng dịp kỷ niệm 37 năm ngày đoàn kết, bất khuất đấu tranh chống vụ đầu độc tù nhân Phú Lợi. Một bức tượng bằng đồng cao 3,5m của cố tác giả điêu khắc Diệp Minh Châu đã thể hiện sự đau thương trong ngày xảy ra vụ đầu độc, tái diễn lại lịch sử năm xưa…
Chùa Hội Khánh là một công trình kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật lớn nhất tỉnh, được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 7/1/1993. Chùa được xây dựng từ năm 1741, đến năm 1861 chùa đã bị giặc Pháp thiêu hủy. Năm 1868, chùa được xây dựng lại ở vị trí hiện nay với diện tích xây dựng 1.211m2. Năm 2008, Phật đài quy mô lớn, cao 22m được xây dựng ở khu đất phía trước chùa. Nét nổi bật của ngôi cổ tự này là giá trị phong phú về mặt lịch sử văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, đặc biệt phần lớn những di tích, cổ vật hàng mấy trăm năm được bảo tồn lưu giữ cho đến nay. Hội Khánh còn được xem là ngôi chùa tiêu biểu cho đặc điểm chung của các ngôi chùa cổ Bình Dương
Núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng là di tích danh thắng đẹp hàng đầu của tỉnh Bình Dương, đã được công nhận Di tích danh thắng cấp tỉnh ngày 17/8/ 2007. Quần thể Núi Cậu với tổng diện tích hơn 1.600ha, gồm 21 ngọn núi. Ngọn cao nhất là núi Cửa Ông (295m) và thấp nhất là Núi Chúa (63m). Về hướng Nam - Tây Nam dưới chân núi, có một thác nước ào ào tuôn chảy chen qua các tảng đá rồi đổ xuống một trũng nước hình tròn có độ sâu khoảng 3m, có đường kính độ mươi mét, được gọi là hồ Than Thở. Trên đỉnh núi có một ngôi miếu thờ “Cậu Bảy” và nhiều tảng đá tạo thành những hình tượng vô cùng hấp dẫn. Dưới chân núi có ngôi chùa Thái Sơn do hòa thượng Thích Đạt Phẩm xây dựng vào năm 1988. Núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng là một địa điểm nổi tiếng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến…
Bình Dương hiện có 56 di tích được xếp hạng (44 di tích cấp tỉnh và 12 di tích cấp quốc gia) là điều kiện thuận lợi để khai thác, phát triển du lịch về nguồn. Ngoài ra, đến với Bình Dương, du khách còn được tham quan các danh lam, thắng cảnh, khu du lịch sinh thái, tham gia các lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm thu hút sự tham gia của hàng ngàn lượt khách thập phương…
PV