Huyện Lục Ngạn được xem là xứ sở của các loài câu ăn quả với bốn mùa hoa trái thơm hương, có người từng ví mảnh đất ấy như là "Hoa Quả Sơn" hay “Vương quốc vải thiều” của Việt Nam, bởi thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây bốn mùa đều cho hoa thơm trái ngọt. Trên địa bàn huyện có gần 27.000ha cây ăn quả các loại, trong đó vải thiều là cây chủ lực với 15.200ha. Theo dự tính của các nhà vườn, năm nay sản lượng vải thiều toàn huyện sẽ đạt gần 100 nghìn tấn, trong đó có khoảng 12,5 nghìn tấn vải chín sớm; thời gian thu hoạch từ 20/5 đến 30/7.
Nắm bắt tâm lý của nhiều du khách muốn trực tiếp trải nghiệm vùng cây ăn quả tại vùng đồi Lục Ngạn, địa phương đang xúc tiến hình thành tour, tuyến du lịch vườn đồi, qua đây vừa quảng bá tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, đồng thời cũng là hướng đi mới cho du lịch địa phương phát triển, góp phần tăng giá trị nông sản. Từ ý nghĩa đó, song hành với việc xúc tiến tiêu thụ sản phẩm vải thiều, một trong những vấn đề đang được huyện Lục Ngạn quan tâm là quảng bá, tạo điều kiện thu hút du khách tham quan, trải nghiệm thông qua những tuyến được kết nối chặt chẽ giữa các nhà vườn. Huyện đã quy hoạch một số điểm phát triển du lịch miệt vườn, bố trí các điểm đến đẹp, thuận lợi cho hành trình của du khách tại các xã Hồng Giang, Thanh Hải, Quý Sơn... Du khách đến với những vườn vải đang chín rộ, sẽ được chiêm ngưỡng những “bức tranh” tươi đẹp, hữu tình.
Ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Lục Ngạn được biết đến là “vựa” cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, trong đó vải thiều là cây chủ lực có thương hiệu và thế mạnh từ lâu. Không chỉ có vải thiều, địa phương còn có nhiều cây ăn quả nổi tiếng thơm ngon được trồng gối vụ và luân phiên thu hoạch suốt 4 mùa trong năm nên rất thích hợp tổ chức những tour sinh thái vườn đồi ngắm thiên nhiên tươi đẹp, kết nối với một số điểm du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh trong và ngoài huyện như: hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần, chùa Am Vãi, đền Từ Hả (Lục Ngạn), Tây Yên Tử, Khe Rỗ, Đồng Cao (Sơn Động)…
Đồng bào 8 dân tộc tại Lục Ngạn luôn cởi mở, thân thiện và hiếu khách. Du khách đến đây được tiếp đón nồng hậu và có thể thoải mái hái vải trong vườn để thưởng thức miễn phí mà không thu vé vào vườn. Cũng theo ông Lê Bá Thành, xác định vải thiều là cây ăn quả mang thế mạnh đặc trưng nên huyện Lục Ngạn đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chương trình sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung chuyên canh, nâng cao chất lượng vải thiều. UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân, vận động người dân chăm sóc cây vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Được biết, năm 2018 sản lượng vải thiều của Bắc Giang đạt 215.800 tấn, tổng giá trị ước đạt 5.755 tỷ đồng. Nếu biết tận dụng khai thác tiềm năng, thế mạnh đưa du lịch phát triển song hành, chắc chắn giá trị kinh tế từ vải thiều của người nông dân Lục Ngạn sẽ còn tăng hơn rất nhiều, đây là bài toán đang chờ chính quyền địa phương và ngành chức năng của tỉnh Bắc Giang tìm lời giải.
|
PV