Đoàn chuyên gia quốc tế của Tổ chức The Tourism Education Futures Initiative, the Tourism CoLab (Australia) và Đại học Aalborg (Đan Mạch) đã có chuyến nghiên cứu, khảo sát tại một số mô hình du lịch cộng đồng trong hệ thống CBT Travel ở Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa và tổ chức hội thảo tại Hà Nội. Đoàn đi khảo sát tại Homestay Minh Thơ, A Páo Homestay, một số cơ sở ở Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình), A Chu Homestay (Vân Hồ, Sơn La), Pu Luong Retreat và các cơ sở ở bản Đôn (Bá Thước, Thanh Hóa).
Doanh nghiệp xã hội CBT Travel được thành lập năm 2013 sau những thành công bước đầu của ông Dương Minh Bình (người sáng lập, Giám đốc CBT Travel) trong công tác triển khai mô hình du lịch cộng đồng tại Mai Hịch (Mai Châu, Hòa Bình). Sau đó mô hình này tiếp tục được nhân rộng tại 9 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Đồng Tháp, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, với 20 điểm du lịch cộng đồng. Năm 2019, hệ thống đón hơn 500.000 khách lưu trú (hơn 70% là khách nước ngoài).
Theo ông Dương Minh Bình, kể từ năm 2013, tất cả các mô hình du lịch cộng đồng do CBT Travel tư vấn đều thành công và chưa có chủ cơ sở nào bỏ cuộc. CBT Travel làm việc với từng người dân để đặt ra các mức đầu tư, mục tiêu kinh tế, mô hình quản lý kinh doanh, cách làm nhà sàn, cách trang trí, cách làm món ăn… sao cho phù hợp với từng đặc điểm địa lý, phong tục, tính cách của người bản địa. Chìa khóa thành công của CBT Travel dựa trên cơ sở khích lệ người dân địa phương trở thành nhà đầu tư chính trong dự án du lịch cộng đồng, sau đó hỗ trợ thông qua cung cấp thông tin, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật và thiết lập mối quan hệ của cơ sở homestay với các tổ chức, doanh nghiệp khác để thu hút khách. CBT Travel vẫn duy trì giám sát các hoạt động của mỗi cơ sở, trợ giúp việc đảm bảo các quy chuẩn chất lượng và phân phối lợi nhuận du lịch một cách hợp lý giữa các thành viên trong cộng đồng dân cư địa phương, tạo nên những kết quả ấn tượng trong việc phát triển mô hình CBT nhằm xóa đói giảm nghèo.
Nhận xét về các homestay đã đi khảo sát, Bà Dianne Dredge – Giám đốc Tổ chức the Tourism CoLab và Giáo sư về du lịch tại Đại học Lund (Thụy Điển) cho biết, cách làm du lịch cộng đồng với tư vấn của CBT Travel là những mô hình rất tốt, mang giá trị thiết thực cho cộng đồng địa phương và là những điển hình tốt có thể áp dụng tại các quốc gia khác trên thế giới. Tại Việt Nam, các mô hình này cần được nhân rộng vì khi người dân tham gia có lợi ích rõ rệt và thiết thực, họ sẽ gắn bó với công việc cũng như duy trì chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, khi lượng khách tăng nhanh, để phát triển bền vững thì các cơ sở này cần đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm rác thải nhựa, tăng cường sử dụng các nguyên liệu, sản phẩm bản địa và tận dụng nguồn nhân lực tại địa phương.
Đánh giá cao mô hình Homestay Minh Thơ (Hòa Bình), Tiến sĩ Phí Thị Linh Giang (Đại học Aalborg, Đan Mạch) cho biết: Cơ sở homestay này thành công vì đã hoạt động gần 7 năm nhưng vẫn duy trì được các nguyên tắc vận hành, và thực tế là lượng khách tăng rất đông (năm 2018 đón 20.000 khách). Từ thực tiễn của chuyến khảo sát và các kinh nghiệm khác về du lịch cộng đồng tại Việt Nam, các nhà học thuật quốc tế sẽ điều chỉnh lại những lý thuyết về homestay. Mục tiêu của nhóm nghiên cứu lần này là tìm ra một bộ giáo trình hướng dẫn cách làm du lịch cộng đồng sao cho phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Tại mỗi khu vực nhất định sẽ tạo ra một mô hình chuẩn làm mẫu, từ đó nhân rộng ra xung quanh, vừa mang lại lợi ích chung cho cộng đồng, vừa tạo ra sự cạnh tranh khiến cho các cơ sở buộc phải đảm bảo chất lượng.
HN