Thành nhà Hồ - Di sản văn hóa độc đáo
Thành nhà Hồ được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397 sau khi ông di chuyển kinh đô từ kinh thành Thăng Long vào Thanh Hóa. Tòa thành được đánh giá là một trong những công trình phòng thủ bậc nhất ở Đông Nam Á. Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 2011 do đáp ứng được tiêu chí số (ii) và số (iv):
Tiêu chí (ii): Thành Nhà Hồ biểu hiện sự giao lưu quan trọng các giá trị ảnh hưởng Nho giáo Trung Hoa đối với một biểu tượng vương quyền tập trung ở thời kỳ cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Thành thể hiện những bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc trên phương diện kỹ thuật và quy hoạch đô thị trong môi trường Đông Á và Đông Nam Á, tận dụng triệt để điều kiện thiên nhiên và kết hợp những yếu tố riêng biệt của Việt Nam và Đông Nam Á.
Tiêu chí (iv): Đây là một ví dụ nổi bật về một quần thể kiến trúc giữa một cảnh quan thiên nhiên, minh chứng cho sự phát triển nở rộ của Tân Nho giáo thực hành cuối thế kỷ 14 của Việt Nam. Việc sử dụng những khối đá lớn chứng tỏ sức mạnh tổ chức của một nhà nước Tân Nho giáo, cho thấy sự giao lưu về kỹ thuật xây dựng trong khu vực Đông Nam Á, và sự thay đổi hướng trục chính làm nên điểm khác biệt về thiết kế của Thành nhà Hồ so với các chuẩn mực Trung Hoa.
Theo Garrod và Fyall (2001), khách du lịch di sản là tất cả những người đi tham quan di sản. Altunel và Erkut (2015) nhìn nhận khách di sản là những người sử dụng những di sản phẩm văn hóa/di sản. Stylianou-Lambert (2011) cho rằng, khách du lịch di sản là những người đi tham quan bảo tàng, di tích khảo cổ và công trình kiến trúc. Việc phân loại khách di sản đóng một vai trò quan trọng trong công tác quản lý di sản/ văn hóa. Qua đó, các nhà quản lý đưa ra những sản phẩm du lịch mới đáp ứng nhu cầu của khách, mang đến những lợi thế cạnh tranh (Chandler & Costello, 2002)... |
Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp điều tra bảng hỏi được lựa chọn nhằm thu thập ý kiến của du khách tại di sản Thành nhà Hồ. Bảng hỏi được thiết kế bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật Bản, gồm 19 câu hỏi đóng và câu hỏi mở. Trong đó, ba câu hỏi sử dụng thang đo Likert, nhằm xác định vai trò của yếu tố văn hóa trong tham quan di sản (1), nguyện vọng và mức độ hài lòng của du khách, (2) mức độ hài lòng chung của du khách.
Trước khi tiến hành khảo sát, nhà nghiên cứu đã tiếp cận và giới thiệu cho du khách thông tin về mục đích nghiên cứu và mời họ tham gia khảo sát. Nếu đồng ý, du khách được phát bảng hỏi để điền ý kiến cá nhân. Đối tượng cho nghiên cứu này là khách tham quan di sản có độ tuổi từ 16 trở lên, không phân biệt giới tính, quốc tịch và đặc điểm tộc người. Sau 6 tuần thực hiện (từ tháng 9 - 10/2017), 230 bảng hỏi được thu thập, trong đó có 195 bảng hỏi hợp lệ (tỷ lệ bảng hợp lệ đạt 84,7%).
Nghiên cứu này đã sử dụng một số tài liệu khác như: sách, tạp chí nghiên cứu, tài liệu website và các báo cáo để xây dựng khung lý thuyết nghiên cứu. Ngoài ra, kế hoạch quản lý khu di sản, số liệu thống kê du khách và báo cáo thường niên do Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cung cấp được tận dụng để xây dựng một bức tranh tổng thể cho nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu
Đặc tính nhân khẩu học
Nghiên cứu này trước hết cung cấp một số thông tin nhân khẩu học của du khách như: giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp và nguồn gốc.
Giới tính
Số lượng du khách tham quan là nữ giới nhiều hơn 4,8% du khách nam giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt lớn về giới tính của du khách. Đồng thời, kết quả này trùng hợp với một số nghiên cứu do King và Prideaux (2010); Ramires, Brandão và Sousa (2018) thực hiện.
Độ tuổi
Nhóm du khách trong độ tuổi từ 19 - 49 chiếm 76,1%. Kết quả này hoàn toàn trùng khớp với một nghiên cứu gần đây về du khách tại một di sản thế giới ở Bồ Đào Nhà do Ramires, Brandão and Sousa (2017) thực hiện. Đi sâu hơn về tỷ lệ các nhóm, nhóm du khách trong độ tuổi từ 30 - 39 là phổ biến nhất (34,8%) tại thành nhà Hồ. Số liệu cho nhóm du khách từ 50 - 59 tuổi chiếm 4,9%. Số liệu thống kê về khách có độ tuổi từ 60 trở lên chiếm một tỷ lệ khiêm tốn.
Trình độ học vấn
Những nghiên cứu trước đây (Remoaldo et al., 2014) cho thấy khách du lịch di sản thường có trình độ học vấn cao khi so sánh với những loại hình du khách khác. Luận điểm này đúng với trường hợp di sản Thành nhà Hồ với phần lớn du khách tham quan có bằng đại học hoặc cao đẳng (chiếm 66,7%). Tỷ lệ du khách hoàn thành cao học chỉ 8,3%. 10,7% số lượng khách tham quan đã hoàn thành các khóa học nghề. Còn lại là số lượng du khách có bằng cấp hai hoặc cấp ba.
Nghề nghiệp
Số lượng du khách tham quan tại Thành nhà Hồ là người làm công ăn lương hoặc tự kinh doanh chiếm một tỷ lệ lớn (49%). Kết quả này tương đồng với một nghiên cứu do Adie và Hall thực hiện (2017), các tác giả cho rằng khách du lịch di sản đều cần có công việc và khoản thu nhập nhất định trang trải chi phí du lịch như chi phí đi lại, ăn ở, đồ dùng thiết yếu và tiêu dùng cá nhân. Mặt khác, khoảng 10% khách du lịch làm công việc nội trợ tại nhà; 25% du khách có công việc tại cơ sở hành chính địa phương. Số liệu minh chứng một tỷ lệ lớn du khách làm việc cho cơ quan công quyền ở Việt Nam. Sau cùng, số lượng người nghỉ hưu, thất nghiệp hay sinh viên chiếm tỷ lệ khoảng 15%.
Nguồn gốc du khách
Lượng du khách nội địa tại Thành nhà Hồ chiếm tỷ lệ cao nhất với 92,4% vì thời gian tháng 9 - tháng 10 là mùa thấp điểm của khách du lịch quốc tế tại đây. Đồng thời, Thành nhà Hồ tọa lạc tại một vị trí xa thủ đô Hà Nội và các tuyến giao thông chính nên khách nước ngoài khó tiếp cận. Khách quốc tế tham quan di sản Thành nhà Hồ chiếm tỷ lệ nhỏ với khoảng 8% tổng số du khách chủ yếu đến từ một số quốc gia như Nhật Bản, Pháp, Australia, Mỹ, Đức và Philippines.
Đặc tính hành vi của du khách tham quan
Một số đặc tính hành vi của khách du lịch di sản như tần suất, tổ chức, người đồng hành, thời gian và nguồn thông tin được phân tích dưới đây nhằm cung cấp một cái nhìn toàn diện hơn về khách tham quan.
Tần suất
78,3% du khách đến tham quan Thành nhà Hồ lần đầu tiên. Số lượng du khách tham quan di sản lần thứ hai là 15,2%), lần thứ ba chiếm 4,3% và khoảng 2% tham quan lần thứ 4 và 5.
Tổ chức
56,6% du khách tự tổ chức tour tham quan di sản Thành nhà Hồ, 17,4% du khách tham quan cùng với bạn bè hoặc đặt tour cá nhân. Chỉ 4,3% du khách đi theo tour trọn gói, số còn lại đi theo những hình thức khác.
Người đồng hành
Nghiên cứu về du khách tham quan do Adie và Hall thực hiện (2017) chỉ ra phần lớn du khách di sản thường đi theo những nhóm từ 2 - 5 thành viên. Điều này trùng hợp với nghiên cứu tại Thành nhà Hồ. Theo đó, khách tại di sản Thành nhà Hồ tham quan với bạn bè là đông nhất (chiếm 27,2%), theo sau là đi cùng với gia đình (26,1%); có 22,8% tổng số du khách đi cùng họ hàng; 10,9% du khách đi tham quan cùng với đồng nghiệp hay họ hàng.
Thời gian
Phần lớn du khách (77,2%) dành từ 1 - 2 giờ tham quan di sản. Dựa trên quan sát cá nhân, những địa điểm tham quan chính tại Thành nhà Hồ là bốn cổng chính (cổng Bắc, Nam, Đông, Tây), đàn tế Nam Giao và hệ thống đền thờ gắn kết chặt chẽ với nhau. Nhiều du khách đến thăm di sản Thành nhà Hồ chỉ dành thời gian thăm cổng Nam và phòng trưng bày sau kết thúc hành trình. Số lượng du khách dành từ 3 - 5 tiếng cho tham quan Thành nhà Hồ chiếm 19,6%. Du khách dành 1/2 hoặc 1 ngày tại di sản chiếm một tỷ lệ rất thấp. Kết quả nghiên cứu này khớp với nghiên cứu do Kempiak thực hiện năm 2017: hơn 90% du khách tham quan dành khoảng 1 giờ tại khu di sản.
Nguồn thông tin
Trước khi tham quan Thành nhà Hồ, khách du lịch thường tham khảo một số nguồn thông tin chủ yếu qua mạng internet, bạn bè và gia đình/người thân. Những nguồn thông tin từ báo/tạp chí, sách du lịch, công ty du lịch, phim ảnh chiếm một tỷ lệ khiêm tốn.
Phân loại khách du lịch di sản
Nghiên cứu này áp dụng mô hình của McKercher (2002) để phân loại khách du lịch di sản. Theo đó, hai câu hỏi chính được sử dụng để thu thập thông tin du khách. Câu hỏi thứ nhất tập trung vào mức độ trải nghiệm của du khách, xác định bằng một câu hỏi với 4 thang đo: tham quan để ngắm cảnh, chụp ảnh và tham quan một số di tích; cơ hội để tìm hiểu một chút ít về di sản; cơ hội để tìm hiểu nhiều về di sản; và cơ hội để phát triển những hiểu biết chuyên sâu về di sản thế giới. Số liệu phân tích từ du khách tại Thành nhà Hồ cho thấy: tham quan để ngắm cảnh, chụp ảnh và tham quan một số di tích (21,7%); cơ hội để tìm hiểu một chút ít về di sản (15,2%); cơ hội để tìm hiểu nhiều về di sản (28,3%); cơ hội để phát triển những hiểu biết chuyên sâu về di sản thế giới (34,8%).
Bên cạnh đó, McKercher (2002) chú ý đến những động lực về văn hóa liên quan đến quyết định tham quan di sản Thành nhà Hồ. Nghiên cứu này sử dụng thang đo Likert 5 điểm để đánh giá du khách từ “Không quan trọng” (1) đến “Rất quan trọng” (5) đối với tầm quan trọng của giá trị văn hóa đối với việc tham quan của họ. Theo đó, du khách tại Thành nhà Hồ đã lựa chọn: tham quan chủ yếu vì yếu tố văn hóa/di sản (61,4%); tham quan chủ yếu vì yếu tố cảnh quan tự nhiên (64,3%); tham quan di sản chỉ là một phần của tour trọn gón (30,3%)...
Kết hợp số liệu từ hai câu hỏi khảo sát, McKercher đã xác định năm loại hình khách du lịch di sản:
Du khách có mục đích: là những người có mục đích tham quan di sản để học hỏi kiến thức mới và trải nghiệm những giá trị văn hóa; và kết thúc hành trình họ có trải nghiệm sâu sắc về những khu di sản.
Du khách ngắm cảnh: là những người có mục đích tham quan di sản để học hỏi kiến thức mới và trải nghiệm những giá trị văn hóa; tuy nhiên sau đó họ chỉ có những trải nghiệm mang tính chất giải trí.
Du khách không thường xuyên: nhu cầu tham quan di sản chiếm một vai trò hạn chế; kết thúc chuyến tham quan họ chỉ có những trải nghiệm thoáng qua tại di sản.
Du khách vãng lai: là những người màkiến thức về di sản văn hóa chiếm một tỷ lệ nhỏ hoặc không có đối với quyết định tham quan, do đó những người này chỉ có những trải nghiệm thoáng qua di sản.
Du khách đam mê khám phá: là những người mà kiến thức về di sản văn hóa chiếm một tỷ lệ nhỏ hoặc không có đối với quyết định tham quan; tuy nhiên những người này tham gia sâu vào những hoạt động du lịch di sản tại điểm tham quan.
Sử dụng mô hình của McKercher (2002) vào nghiên cứu này, có thể thấy có năm loại hình khách du di sản tại Thành nhà Hồ: du khách tham quan để ngắm cảnh và khách tham quan có mục đích (chiếm tỷ lệ cao nhất với 69,5%); số liệu du khách không thường xuyên, du khách vãng lai và du khách đam mê khám phá chiếm tỷ lệ nhỏ hơn (lần lượt là 12%, 6,5% và 12%) tại Thành nhà Hồ.
Mức độ hài lòng, ý định trở lại tham quan và khuyến nghị
Mức độ hài lòng chung của du khách
Một phần nội dung bảng hỏi nhằm khảo sát mức độ hài lòng chung của du khách tại di sản Thành nhà Hồ. Kết quả phân tích chỉ ra 78,2% du khách cảm thấy hài lòng; 17,4% có quan điểm trung lập và 4,4% du khách cảm thấy không hài lòng.
Ý định quay trở lại tham quan
Khoảng 80% du khách cho rằng họ có kế hoạch quay lại tham quan di sản Thành nhà Hồ trong tương lai, số lượng du khách không có kế hoạch hoặc không muốn tham quan trở lại chiếm khoảng 1/5 du khách. Điều này khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa cộng đồng cư dân và di sản Thành nhà Hồ, nhiều người coi di sản là một phần quan trọng trong cuộc sống thường nhật.
Khuyến nghị của du khách
16,3% tổng số du khách không hài lòng với chuyến tham quan của họ tại Thành nhà Hồ. Du khách mong sẽ có một tour tham quan với nhiều điểm di tích trong phạm vi khu di sản. 14,1% du khách trông đợi hệ thống dịch vụ sẽ tốt hơn (nhà hàng, khách sạn) và tính đa dạng trong các sản phẩm lưu niệm. Khoảng 10% tổng số khách tham quan muốn trải nghiệm với các hoạt động trưng bày mới và các chương trình kết nối cộng đồng cư dân; khoảng 9% khách muốn giảm chi phí vé tham quan.
Kết luận
Việc nghiên cứu đặc điểm nhân khẩu học và hành vi du khách sẽ hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước, Ban quản lý khu di sản Thành nhà Hồ có chiến lược đối với công tác quảng bá và thu hút du khách đến tham quan nhiều hơn. Trong bốn loại hình khách du lịch di sản, du khách có mục đích và du khách ngắm cảnh là phổ biến nhất trong mối tương quan với những nhóm du khách khác. Nhân tố văn hóa đóng vai trò quan trọng đối với quyết định tham quan của du khách. Phần lớn du khách mong muốn phát triển kiến thức chuyên sâu về di sản thông qua các hoạt động trưng bày, sản phẩm văn hóa và hệ thống thông tin kiện toàn. Những khuyến nghị của du khách cần được tận dụng và lồng ghép vào kế hoạch quản lý dài hạn tại Khu di sản Thành nhà Hồ, qua đó sẽ mang đến những tác động tích cực đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
ThS. Nguyễn Kỳ Nam