
Nhằm trao đổi cụ thể hơn về một số nội dung của Luật Du lịch (sửa đổi), ngày 9/6, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức tọa đàm “Luật Du lịch, động lực thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp du lịch, khách sạn, Hiệp hội du lịch các địa phương…
Theo Phó Chủ tịch thường trực VITA Vũ Thế Bình, dự thảo Luật Du lịch sửa đổi (sau đây gọi tắt là dự thảo Luật) trình Quốc hội lần này nội dung ngắn gọn, khả thi (gồm 9 Chương, 82 Điều).
Cụ thể, về chính sách phát triển du lịch, dự thảo Luật đã nêu rõ các lĩnh vực Nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí (cấp ngân sách) và Nhà nước khuyến khích hỗ trợ (Điều 5). Vai trò của Hiệp hội được nâng cao với các trách nhiệm cụ thể (Điều 7). Việc bảo vệ quyền lợi của khách được làm rõ hơn (Điều 10- 14). Dự thảo cũng đã làm rõ vai trò của doanh nghiệp trong việc sáng tạo, phát triển sản phẩm, chú ý đến các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của khách du lịch (du lịch mạo hiểm), phát triển du lịch cộng đồng (Điều 18-19)…
Đánh giá về dự thảo Luật Du lịch, ông Vũ Thế Bình nhận định, dự thảo vẫn giữ được các nội dung cơ bản của Luật Du lịch 2005, đồng thời cập nhật, bổ sung một số nội dung mới, phù hợp với tình hình thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển của du lịch. Nội dung Luật đã tiếp thu được tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 08. Khi triển khai, Luật sẽ góp phần thúc đẩy du lịch phát triển nhanh, thực sự trở trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Tại buổi tọa đàm, nhiều nội dung được tập trung thảo luận, trong đó vấn đề xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch với nhiều ý kiến tham luận của các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú và Hiệp hội du lịch địa phương,về việc doanh nghiệp lưu trú tự nguyện đăng ký xếp hạng hay bắt buộc phải đăng ký xếp hạng sau 6 tháng bắt đầu hoạt động.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế Đinh Mạnh Thắng, dự thảo Luật không nên bắt buộc doanh nghiệp lưu trú đăng ký xếp hạng sao. Bởi lẽ, khách hàng mới chính là người quyết định quyết định khách sạn đó ở hạng sao nào chứ không phải chủ khách sạn hay cơ quan quản lý Nhà nước quyết định.
Ông Đỗ Trọng Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch – Khách sạn Dạ Hương chia sẻ, nếu khách sạn thấp sao nhưng khách đông do dịch vụ tốt thì doanh nghiệp không cần hoặc không muốn nâng hạng sao bởi tâm lý khách hàng e ngại hạng sao cao đồng nghĩa với giá phòng và dịch vụ tăng.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai Hoàng Văn Tuyên lại cho rằng, nên bắt buộc phải đăng ký xếp hạng để bảo vệ quyền lợi của du khách, người tiêu dùng, điều này hoàn toàn phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế hiện nay.
Tổng Giám đốc Công ty Du lịch APT Travel Nguyễn Hồng Đài nêu ý kiến, cần ghi rõ trong Luật khi không đăng ký xếp hạng thì không được tự ý phong sao để tránh việc cơ sở lưu trú lợi dụng để quảng cáo sai sự thật hoặc lừa khách hàng.
Các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến về Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch cần cụ thể hóa ra sao để tránh lặp lại tình trạng trước đây đã được nêu trong Luật nhưng không triển khai được. Về hướng dẫn viên du lịch quốc tế và nội địa, cơ quan, tổ chức nào sẽ quản lý để đảm bảo tính nhất quán, hạn chế những phát sinh tiêu cực trong khi hành nghề…
Kết luận buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch VITA Vũ Thế Bình cho rằng nhiều vấn đề liên ngành chưa được giải quyết triệt để cũng như Nhà nước khó có thể hỗ trợ doanh nghiệp như mong muốn, vì vậy các doanh nghiệp phải chủ động vươn lên, hình thành ngay những tổ chức chuyên ngành, tăng cường bộ máy hoạt động của các Hiệp hội Du lịch địa phương để nắm bắt cơ hội, thúc đẩy du lịch phát triển...
VH