Thứ nhất, phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, do vậy Luật Du lịch 2017 đã có nhiều điều chỉnh nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch tuân thủ các quy luật của thị trường, hạn chế sự can thiệp mang tính hành chính của nhà nước thông qua việc tôn trọng quyền của các chủ thể trong quan hệ kinh tế (Điều 11, Điều 37, Điều 47, Điều 53…) , thực hiện xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch trên cơ sở đăng ký tự nguyện của tổ chức, cá nhân (Điều 50); phát triển du lịch phải gắn liền với phát triển các dịch vụ khác nhằm bảo đảm tính bền vững chung của nền kinh tế (Điều 55). Bên cạnh đó, luật nghiêm cấm các hành vi làm phương hại đến chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và môi trường kinh doanh du lịch (Điều 9), đồng thời quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường du lịch (Điều 8), giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội (Điều 6, Điều 9, Điều 13, điểm d khoản 2 Điều 25, điểm d khoản 1 Điều 29, điểm b khoản 1 Điều 49…). Việc lập quy hoạch về du lịch phải đảm bảo phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước; chiến lược phát triển ngành Du lịch và các quy hoạch khác đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo từng thời kỳ (khoản 1 Điều 20).
Thứ hai, phát triển du lịch phải bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch
Bên cạnh việc bảo đảm lợi ích của khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp du lịch, luật còn ghi nhận quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch của cộng đồng dân cư; phát triển đa dạng các ngành, nghề và các loại hình dịch vụ, văn hóa, nghệ thuật phục vụ khách du lịch (Điều 6, Điều 55); thu hút tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, phát triển du lịch cộng đồng và chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch với cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương (Điều 19).
Thứ ba, phát triển du lịch không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai
Phương diện này thể hiện ở việc tài nguyên du lịch (gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa) phải được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo, phát huy, khai thác và sử dụng một cách hợp lý. Luật quy định Nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí cho hoạt động điều tra, đánh giá, bảo vệ, tôn tạo, phát triển giá trị tài nguyên du lịch (điểm a khoản 3 Điều 5); xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tôn trọng, bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, môi trường, bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc; bảo vệ, giữ gìn, khai thác hợp lý và phát huy giá trị tài nguyên du lịch (khoản 1 Điều 6; Điều 8; khoản 1 Điều 12; Điều 17); nghiêm cấm các hành vi xâm hại tài nguyên du lịch (khoản 3 Điều 9); tổ chức điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch để làm quản lý, khai thác, phát huy giá trị tài nguyên du lịch (khoản 1 Điều 16); việc lập quy hoạch về du lịch phải đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên du lịch (khoản 2 Điều 20).
Để Luật Du lịch 2017 đi vào thực tiễn cuộc sống một cách nhanh chóng và hiệu quả
Để Luật Du lịch 2017 phát huy hiệu quả, mang lại những tác động tích cực cho du lịch Việt Nam thì cần có sự tham gia chủ động, tích cực của tất cả các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng như của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng liên quan. Cụthể:
Cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về du lịch, khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết được luật giao để sớm đưa Luật Du lịch vào thực tiễn và đề xuất để chỉnh sửa các văn bản pháp luật có liên quan để tạo điều kiện cho du lịch phát triển; phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội du lịch Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về du lịch đến các doanh nghiệp du lịch, người lao động trong lĩnh vực du lịch, khách du lịch và cộng đồng xã hội; thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về du lịch theo quy định của luật.
Sau khi Luật Du lịch 2017 được thông qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bộ Tư pháp để lập danh mục văn bản quy định chi tiết Luật Du lịch. Dự kiến, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ được phân công chủ trì xây dựng các văn bản sau: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Nghị định quy định chi tiết Luật Du lịch về việc lập, quản lý và thực hiện quy hoạch về du lịch; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch. Thời gian hoàn thành trong tháng 10/2017.
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vựcdu lịch cần chủ động tìm hiểu, cập nhật Luật Du lịch và các văn bản quy định chi tiết; tự giác tuân thủ pháp luật nói chung và pháp luật về du lịch nói riêng; đảm bảo đáp ứng, duy trì đầy đủ các điều kiện kinh doanh và thực hiện nghiêm nghĩa vụ theo quy định của luật.
Người lao động trong lĩnh vực du lịch cần chủ động học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ; tuân thủ pháp luật và luôn có ý thức giữ gìn hình ảnh quốc gia phục vụ khách du lịch.
Khách du lịch cần nâng cao ý thức trách nhiệm, văn hóa ứng xử, cũng như hiểu biết về quyền, nghĩa vụ của mình khi đi du lịch.
Nguyễn Thị Thanh Hương
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
(Tạp chí Du lịch)