Liễu Châu thuộc khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) là thành phố du lịch nổi tiếng. Phong cảnh non xanh nước biếc, Liễu Châu còn nổi tiếng với huyền thoại về ca tiên của dân tộc Choang - chị Lưu Tam từng hát sơn ca rất hay ở đây và cuối cùng cưỡi cá lên trời thành tiên. Văn hóa dân tộc Liễu Châu có nét đặc trưng riêng với tứ tuyệt là bài ca của dân tộc Choang, điệu múa của dân tộc Dao, ngày tết của dân tộc Mèo và ngôi nhà của dân tộc Động. Ngoài ra, những kiến trúc dân tộc như cầu Phong Ngũ Trình Dương (cầu có mái để chắn gió che mưa cho người đi qua cầu) và Nhà Trống Tam Giang đã lừng danh bốn phương.
Cầu Phong Ngũ Trình Dương còn có tên gọi là cầu Vĩnh Tế Trình Dương là một trong bốn cây cầu nổi tiếng trên thế giới, nằm ở xã Lâm Khê, cách thị trấn Cổ Nghi huyện Tam Giang 20km về phía Bắc, là di tích lịch sử trọng điểm của Nhà nước. Cầu được xây dựng năm 1916, là tác phẩm tiêu biểu cho cầu Phong Ngũ của dân tộc Động. Ngoài ra, Liễu Châu còn lầu Trống Tam Giang ở quảng trường Tam Giang, một lầu Trống có kết cấu gỗ to nhất thế giới hiện nay.
Ai đã đọc tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ, hẳn không quên được bài thơ ở cuối tập thơ: “Tân xuất ngục học đăng sơn” (Mới ra tù tập leo núi).
Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
Lòng sông gương sáng, bụi không mờ
Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh
Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa.
Năm 1943, khi Bác Hồ được ra tù ở TP. Liễu Châu, Bác đã tập leo núi ở núi ngọn Tây Phong Lĩnh, vậy ngọn Tây Phong Lĩnh ấy nay ở đâu? Chỉ khi đến thăm nhà lưu niệm Bác Hồ tại Liễu Châu, đem chuyện hỏi ông Ôn Kỳ Châu, Giám đốc khu lưu niệm, chúng tôi mới rõ ngọn núi Ngư Phong cũng chính là núi Tây Phong Lĩnh nổi tiếng được nhắc đến trong bài thơ.
Tây Phong Lĩnh là ngọn núi không cao nhưng rất hữu tình. Người dân sống lâu ở đây nói với chúng tôi: Ngư Phong không cao, nhưng trên đỉnh núi có Tiên, có Rồng. Dưới chân núi có hồ nước. Đó là hồ Tiểu Long Đàm. Xa xa là núi Mã Yên, như chiếc yên ngựa khổng lồ. Hồ nhỏ Tiểu long đàm dưới chân Tây Phong Lĩnh thông ra hồ lớn Đại Long đàm, Đại Long Đàm lại thông ra sông Liễu Giang. Sông Liễu Giang xuất phát từ dãy núi Việt Thành Lãnh cũng thuộc Liễu Châu, rồi chạy vòng quanh ôm trọn TP. Liễu Châu trước khi đi tiếp. Có một huyết mạch lưu thông phong thủy đất này.
Giờ đây, Tây Phong Lĩnh đã trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn đồng thời là nơi nghỉ ngơi, luyện tập thân thể hoàn toàn miễn phí cho người dân TP. Liễu Châu và rất đông khách du lịch từ những miền xa tới. Vắt qua hồ Tiểu Long Đàm là cáp treo cho du khách lên đỉnh núi. Nhưng chúng tôi chọn lối đi bộ. Một con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn lên đỉnh núi uốn lượn, lát bằng những phiến đá chắc nịch và lâu đời. Cứ khoảng 50m lại có một chòi nghỉ thoáng đãng, sạch sẽ và một mặt bằng để mọi người có đủ không gian luyện tập thể dục, đi thái cực quyền...
Ở Liễu Châu có rất nhiều đá kỳ lạ được sưu tầm và trưng bày trong Bảo tàng Đá Liễu Châu (Liễu Châu kỳ thạch quán). Cả đoàn đã rất hào hứng khi biết trong Bảo tàng có trưng bày một bức chân dung Bác Hồ trên đá. Điều kỳ diệu là bức chân dung đó không do người tạo nên mà do thiên nhiên tạo tác, được phát hiện hết sức tình cờ bởi một người chơi đá của Liễu Châu. Mọi người trong đoàn đều muốn đến chiêm ngưỡng và chụp hình lưu niệm bên bức hình Bác, mà nhà trưng bày đã trân trọng đặt trong một lá cờ và đặt tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, ý muốn tôn vinh chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Có lẽ, Thanh Vân là phố ẩm thực nổi tiếng nhất của Liễu Châu, nơi đó đã hội tụ các loại thức ăn tuyệt vời các món ăn hội đủ hương vị chua, cay tươi ngon. Quả thật, như người Trung Quốc thường nói, Liễu Châu là một thành phố “sản xuất” món ăn ngon.
Liễu Châu được gọi là Long Thành, Hồ Thành, và là thành phố du lịch nổi tiếng về văn hóa lịch sử của Trung Quốc; đồng thời, là trung tâm kinh tế quan trọng của Đại Tây Nam. Liễu Châu có tài nguyên du lịch dồi dào và phong cảnh lịch sử nhân văn lâu đời, giáp với Quế Lâm và con đường cao tốc từ Liễu Châu đến Quế Lâm chỉ khoảng 150km. Liễu Châu nằm trong cùng tuyến du lịch với Quế Lâm và cùng được mệnh danh là thành phố đẹp như “sơn thủy Quế Lâm, văn hóa Liễu Châu”. Mùa hè không quá nóng, mùa đông không rét đậm, rất thích hợp cho du lịch. Liễu Châu có tuyến tàu hỏa quốc tế sang Việt Nam, tuyến máy bay đến những đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến, Hải Khẩu... Đường thủy có thể đi đến Quảng Châu, Hồng Kông, Ma Cao.
|
Nguyễn Đỗ
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 3/2013)