Hội thảo là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương, chính quyền các địa phương của hai nước đánh giá tiềm năng, lợi thế, thực trạng hiện nay và đưa ra các định hướng, giải pháp để tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào trong thời gian tới. Đồng thời tăng cường công tác liên kết, xúc tiến, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm, dịch vụ du lịch của các địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Hà Văn Siêu cho biết, hợp tác du lịch Việt Nam - Lào được hình thành từ năm 1991 khi Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định cấp Chính phủ về hợp tác du lịch. Hợp tác đa phương cũng liên tục được đẩy mạnh trong nhiều diễn đàn khu vực như ASEAN, GMS, Mekong-Lan Thương, ACMECS, CLMV, CLV. Những điều kiện thuận lợi và sự quan tâm từ cấp cao là cơ sở vững chắc và tiền đề thuận lợi để Việt Nam và Lào tăng cường hợp tác du lịch nói chung và hợp tác, liên kết phát triển du lịch khu vực biên giới hai nước nói riêng.
Theo Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu, những năm qua, nhiều hoạt động hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm, xúc tiến du lịch trong khuôn khổ song phương và đa phương đã được triển khai và đạt được những kết quả nhất định, thu hút sự tham gia của các địa phương, cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch hai nước. Việt Nam tiếp tục là điểm đến truyền thống với khách du lịch Lào và Lào là một trong những điểm đến du lịch được nhiều người Việt Nam lựa chọn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón gần 46,5 nghìn lượt khách Lào; khách Việt Nam đi du lịch Lào đạt gần 49,2 lượt, chiếm 28% tổng lượng khách quốc tế đến Lào, đứng thứ 2 trong số các thị trường gửi khách đến Lào. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, Hội thảo liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng biên giới Việt Nam – Lào là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào tiếp nhận, chia sẻ thông tin và định hướng liên kết xây dựng, phát triển sản phẩm khu vực biên giới, hợp tác xúc tiến quảng bá thu hút khách đến khu vực biên giới Lào - Việt Nam trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ hơn.
Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu cũng đánh giá cao quyết tâm của tỉnh Điện Biên trong việc đăng cai tổ chức hội thảo liên kết, hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch biên giới hai nước trong khuôn khổ Ngày hội. Đồng thời, mong muốn và đề xuất với phía Lào trong thời gian tới quan tâm hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi đi lại, xuất nhập cảnh cho khách du lịch từ Lào cũng như từ nước thứ ba đến Việt Nam và ngược lại. Việt Nam sẽ đồng hành cùng nước bạn nhằm nỗ lực đảm bảo an toàn cho du khách hai bên. Qua đó, tin tưởng rằng sau sự kiện hôm nay, du lịch các địa phương biên giới và doanh nghiệp du lịch 2 bên sẽ hợp tác ngày càng thường xuyên và mật thiết, trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và Lào được tăng cường thêm.
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng cho biết, phát huy truyền thống đoàn kết đặc biệt giữa 2 quốc gia, trong những năm qua, tỉnh Điện Biên luôn duy trì mối quan hệ đối ngoại thân thiết với các tỉnh Bắc Lào thông qua các cuộc hội đàm cấp cao để trao đổi, thông báo cho nhau tình hình phát triển kinh tế - xã hội, kết quả thực hiện biên bản hợp tác của mỗi bên trong từng giai đoạn để kịp thời bổ sung khi có các vấn đề phát sinh; qua đó tăng cường hợp tác quảng bá thông tin, hình ảnh, tiêu thụ sản phẩm vào thị trường của mỗi bên. Đối với các tỉnh có chung đường biên giới như Phong Sa Ly, Luông Pha Băng tỉnh luôn duy trì mối quan hệ láng giềng gần gũi, cùng nhau xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị và hợp tác.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng, để khai thác những lợi thế về vị trí địa lý và mối quan hệ truyền thống đoàn kết đặc biệt giữa hai quốc gia, trong thời gian tới tỉnh Điện Biên sẽ đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh Phong Sa Ly, Luông Pha Băng tiếp tục có ý kiến với Chính phủ 2 nước sớm đầu tư tuyến đường Luông Pha Băng - Huổi Puốc - Na Son; nghiên cứu, đầu tư xây dựng khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Tây Trang - Pang Hốc; khu kinh tế cửa khẩu Huổi Puốc - Na Son và các cặp chợ biên giới Việt Nam - Lào. Cùng với đó, tỉnh Điện Biên mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ VHTTDL Việt Nam; Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào; các cơ quan báo chí, truyền thông, các doanh nghiệp của hai nước.
Tại hội thảo các ý kiến phát biểu tập trung làm rõ một số nội dung: Đánh giá tiềm năng, cơ hội và định hướng liên kết phát triển du lịch tại khu vực biên giới Việt Nam – Lào; giới thiệu tiềm năng và định hướng hợp tác xúc tiến, quảng bá thu hút khách đến với khu vực biên giới Lào – Việt Nam; kinh nghiệm trong hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Điện Biên và một số tỉnh bắc Lào; vai trò điều phối của các cơ quan du lịch địa phương cho hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp hai bên; liên kết giữa các doanh nghiệp trong xây dựng sản phẩm và xúc tiến quảng bá thu hút khách tới du lịch biên giới; đánh giá sản phẩm du lịch các tỉnh biên giới Việt Nam – Lào dưới góc nhìn doanh nghiệp. Hội thảo cũng ghi nhận nhiều đề xuất, đánh giá, định hướng và giải pháp có tính khoa học và thực tiễn về công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào trong thời gian tới.
Tuấn Sơn