Đây là cơ hội để quảng bá di sản văn hóa này với đông đảo du khách địa phương, trong nước và quốc tế; đồng thời, đây cũng là dịp để khán giả hiểu hơn về nguồn gốc, cội nguồn di sản, sự phong phú đa dạng và những nét đẹp tinh hoa trong bộ môn nghệ thuật cộng đồng này.
Phát biểu khai mạc chương trình lễ hội, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ, phối hợp của các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước; sự đồng tâm, đồng thuận, đồng lòng của đội ngũ nghệ nhân và cộng đồng để “Nghệ thuật Xòe Thái” mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa trong dòng chảy văn hóa nhân loại, đáp ứng mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân. Đồng thời khẳng định, Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO hôm nay là dịp để chúng ta tôn vinh di sản với sức sống mãnh liệt; tôn vinh và tri ân những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng và lớp lớp nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản; đồng thời thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại.
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh sâu sắc hơn giá trị to lớn của nghệ thuật Xoè Thái "Nghệ thuật Xòe Thái giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim của mọi người. Đó là những bước nhảy nhẹ nhàng hòa quyện với tiếng đàn, giọng hát, tiếng leng keng của những món trang sức bạc treo trên eo của phụ nữ dân tộc Thái. Nghệ thuật Xòe Thái là một nghệ thuật mang tính xã hội tập trung vào mối quan hệ giữa người và người. Nghệ thuật Xòe Thái nhắc nhở chúng ta về những gì quan trọng trong cuộc sống của mình, đó là những mối quan hệ sâu sắc mà chúng ta thiết lập với gia đình, bạn bè, cộng đồng và hơn thế nữa. Bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào điệu múa này bất kể giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp hoặc địa vị xã hội. Do đó, đây thực sự là một loại hình nghệ thuật mang tính hòa nhập cao".
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Để tiếp tục tạo sức sống mới, lan tỏa mạnh mẽ giá trị của nghệ thuật Xòe Thái, chính quyền, nhân dân và cộng đồng người Thái ở các tỉnh Tây Bắc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp triển khai nghiêm túc, hiệu quả “Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Xòe Thái” theo đúng cam kết với UNESCO, để những lời ca, âm nhạc của các điệu xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe gậy, xòe hoa... tiếp tục được trao truyền qua các thế hệ, được nuôi dưỡng và lan tỏa mạnh mẽ ra cộng đồng; có các chương trình quảng bá, tuyên truyền sâu rộng, tăng cường gắn kết xã hội, khơi dậy ý thức, trách nhiệm của người dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ đối với việc phát triển, thực hành nghệ thuật Xòe Thái trong cộng đồng để ngày càng lan tỏa, mãi trường tồn; để thế giới biết nhiều hơn về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam; góp phần thúc đẩy giao lưu giữa văn hóa truyền thống của dân tộc và văn hóa nhân loại; tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp thiết thực, cụ thể để giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa các dân tộc nói chung và Xòe Thái nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch, góp phần đưa di sản thành tài sản, tiềm lực thành nguồn lực phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật đặc sắc “Xòe Thái - tinh hoa miền di sản” với một sự khác biệt, độc đáo, vừa khai thác được sức quyến rũ của nghệ thuật Xòe Thái, vừa tôn vinh giá trị văn hóa tinh hoa của đồng bào dân tộc Thái ở các vùng Tây Bắc, xứng tầm với sự kiện đón bằng ghi danh của UNESCO. Chương trình cũng là sự kết hợp hài hòa giữa bản đại nhạc vũ kịch dân gian Tây Bắc và bản giao hưởng của đất trời. Chương trình gồm 3 chương, kể về lịch sử, con người, văn hoá, đời sống… của người Thái. Chương 1 là “Thiên di - Dựng bản, lập mường”; chương 2 là “Miền Di sản” và chương 3 “Tinh hoa nghệ thuật Xòe”. Bằng lối kể liên tục, xuyên suốt của âm nhạc các chương như dòng Nậm Thia cuộn chảy không ngừng tái hiện câu chuyện thiên di của 2 anh em Tạo Xuông và Tạo Ngần dựa theo cuốn sử thi “Quan tô mương”, vào khoảng thế kỷ thứ XI về lịch sử hình thành của người Thái ở Tây Bắc, các hoạt cảnh liên tiếp tái hiện những nét văn hoá độc đáo, đặc sắc nhất của người Thái thông qua hình ảnh người con gái Thái, và từ đây tôn vinh điệu xoè, Di sản phi vật thể văn hoá nhân loại với 2.022 người tham gia màn Đại Xoè. Có thể nói, chương trình xứng tầm là một vở đại nhạc vũ kịch, là một thiên sử thi hùng tráng, đặc sắc thể hiện được dấu ấn văn hoá mang tính cốt lõi, đặc trưng nhất, tiêu biểu nhất của người Thái. Chương trình nghệ thuật truyền tải một sự chảy trôi của huyền tích, lịch sử, những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc lớp lớp xuất hiện qua từng đời, từng thế hệ, được giữ gìn tiếp nối và phát triển mãi đến tận hôm nay, góp phần khẳng định Xòe Thái xứng đáng là Di sản phi vật thể của nhân loại.
Trong khuôn khổ lễ hội này, Yên Bái tổ chức đồng thời nhiều hoạt động tại các huyện như Lễ hội bay dù lượn tại đèo Khau Phạ, chương trình bay trên miền danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải bằng trực thăng, giải chạy Ma-ra-tông Mù Cang Chải, Hành trình chinh phục đỉnh Tà Chì Nhu – Tà Xùa... Các sự kiện kéo dài đến hết năm nay.
Hồng Lụa