Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đã giới thiệu tổng quát tài nguyên du lịch Ninh Thuận. Là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác du lịch Đà Lạt - Nha Trang - Phan Rang, với khí hậu đặc thù ít mưa, nhiều nắng, hầu như quanh năm mà các nhà địa lý học ví như “vùng sa thảo độc nhất Đông Nam Á”. Ninh Thuận có bờ biển dài hơn 105 km, có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên, Hang Rái. Vườn Quốc gia Núi Chúa và Vườn Quốc gia Phước Bình còn mang đậm nét rừng nguyên sinh, trong đó Vườn Quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới; có vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam. Nghệ thuật văn hóa Chăm Ninh Thuận, những phong tục tập quán, các nghi lễ tín ngưỡng của người Chăm, các nghề truyền thống, các tháp Chăm cổ kính hầu như còn nguyên vẹn.
Bên cạnh đó, với đặc thù khí hậu nắng ấm quanh năm cũng là một lợi thế tự nhiên giúp Ninh Thuận phát triển những loại cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và trở thành đặc sản của địa phương như măng tây xanh, táo, tỏi, dê, cừu. Đặc biệt cây nho và ngành chế biến vang nho, các sản phẩm từ nho phát triển đã đưa Ninh Thuận trở thành “thủ phủ” của cây nho cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, để phục hồi và phát triển du lịch Ninh Thuận tương xứng với tiềm năng, lợi thế, Ninh Thuận đang tập trung ưu tiên phát triển 3 nhóm sản phẩm chính: sản phẩm đặc thù (du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; du lịch văn hóa di sản Chăm; du lịch nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với Vườn Quốc gia Núi Chúa); sản phẩm mới lạ (du lịch khám phá và vui chơi giải trí Cát - Muối; du lịch săn bắn bán hoang dã; du lịch trải nghiệm đường sắt; du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe); sản phẩm bổ (du lịch cộng đồng; du lịch vui chơi giải trí và ẩm thực; du lịch tham quan sản xuất năng lượng tái tạo; thương mại du lịch). Ninh Thuận ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư ở vùng trọng điểm phát triển du lịch phía Bắc, phía Nam và trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm để hình thành hệ thống khách sạn tại khu vực bãi biển Bình Sơn, trung tâm thương mại, các khu giải trí phức hợp kết hợp nghỉ dưỡng, lưu trú; các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven biển; các dịch vụ du lịch chuyên đề như du lịch kết hợp đua mô tô địa hình trên cát, các môn thể thao biển như dù lượn, lướt ván diều,trải nghiệm hoạt động nông nghiệp để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt có tính cạnh tranh cao thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam nhấn mạnh: “Để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, trong thời gian đến tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, dành các ưu đãi cao nhất cho nhà đầu tư trong khung quy định của Chính phủ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp đồng hành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động kinh doanh du lịch và bất động sản du lịch phát triển nhằm khai thác tốt nhất nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển, xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, khác biệt với nhiều trải nghiệm thú vị, phấn đấu trở thành một điểm đến du lịch đẳng cấp cao”.
Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề xuất 2 địa phương Ninh Thuận và Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, bảo đảm duy trì môi trường du lịch lành mạnh, các sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn; tăng cường hợp tác tuyên truyền, đặc biệt là thông qua việc tham gia các hoạt động xúc tiến quảng bá do 2 địa phương tổ chức nhằm tạo sự liên kết, hợp tác hiệu quả hơn, đóng góp tích cực vào sự phát triển du lịch chung 2 địa phương. “TP. Hà Nội đề nghị các hiệp hội, các câu lạc bộ du lịch, cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội tiếp tục đồng hành, hưởng ứng tích cực các hoạt động phát triển du lịch 2 địa phương triển khai. Hai địa phương phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi, thu hút đầu tư; phối hợp tổ chức khảo sát kết nối tuyến Hà Nội – Ninh Thuận cùng các địa phương lân cận và ngược lại” - Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị.
Chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh: “Dựa trên thế mạnh du lịch địa phương, Ninh Thuận nên ưu tiên xây dựng, phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội, độc đáo, có lợi thế cạnh tranh để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách sau thời gian dài bị tác động bởi dịch bệnh như: Du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với các khu resort cao cấp, sang trọng, mang tính cá nhân hóa cao; Du lịch văn hóa gắn với di sản Chăm; Du lịch nông nghiệp công nghệ cao; Du lịch sinh thái gắn với Vườn quốc gia Núi Chúa; Du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe…; xem xét, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá sản phẩm, chương trình du lịch độc đáo, hấp dẫn thu hút du khách du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số nhằm hỗ trợ hiệu quả phục hồi du lịch; coi xúc tiến du lịch là một trong những kênh đầu tư quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch địa phương”.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đồng thời đề nghị Ninh Thuận xây dựng và triển khai chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động; thực hiện đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng nghề du lịch; chú trọng đào tạo nhân lực quản lý cấp cao và lao động có tay nghề. Mặt khác, đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong khu vực và với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các trung tâm du lịch lớn theo cơ chế linh hoạt, thực chất, hiệu quả, có sự tham gia của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà đầu tư để phát triển sản phẩm kết nối, bổ trợ lẫn nhau, hình thành các tour, tuyến hấp dẫn phục vụ khách du lịch; sự tham gia của đơn vị truyền thông để hợp tác giới thiệu quảng bá du lịch, tiếp cận thị trường quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch. Cùng với đó là tăng cường quản lý điểm đến, giữ vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn và nâng cao sức cạnh tranh.
Tổng cục trưởng khẳng định: “Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội hôm nay là cơ hội tốt để giới thiệu thế mạnh du lịch của tỉnh và cùng bàn các giải pháp xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm, định vị thương hiệu du lịch Ninh Thuận nói riêng và tạo kết nối du lịch liên vùng, giữa Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bình Thuận và Khánh Hòa với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các vùng trọng điểm du lịch khác trên cả nước”.
Trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp Ninh Thuận đã chia sẻ thông tin về thế mạnh và sản phẩm với mong muốn kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp Hà Nội và khu vực phía Bắc. Hội nghị cũng đã chứng kiến các doanh nghiệp, các hiệp hội du lịch ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư.
Bá Phúc