Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh đã thay mặt TCDL bày tỏ chia sẻ về với những thiệt hại, tổn thất do bão Noru gây ra cho các địa phương miền Trung và mong muốn các địa phương sớm vượt qua, bắt tay vào công tác phục hồi hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đã khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ của ngành Du lịch Việt Nam kể từ khi Chính phủ cho phép mở cửa lại du lịch toàn diện ngày 15/3. Đạt được kết quả như vậy là nhờ có sự vào cuộc các cơ quan, Bộ, ngành Trung ương; sự vào cuộc của các cơ quan quản lý du lịch địa phương, đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, dù ngành Du lịch đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, nhưng đến thời điểm này khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt kỳ vọng đề ra (mới chỉ đạt 33% so với mục tiêu đề ra ban đầu). Điều này đặt ra nhu cầu cấp bách là phải trao đổi, nắm bắt tình hình, tìm hiểu các khó khăn, điểm nghẽn. Từ đó, TCDL sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), lãnh đạo Chính phủ triển khai những giải pháp; TCDL và các địa phương có những động thái phối hợp cùng nhau, để làm sao trong 3 tháng cuối năm 2022 cố gắng có những hành động thiết thực nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam đạt mục tiêu đề ra. Tổng cục trưởng đồng thời đề nghị các địa phương tập trung trao đổi vào 3 nội dung trọng tâm: chia sẻ thông tin, kế hoạch xúc tiến quảng bá của các địa phương; nêu khó khăn vướng mắc, điểm nghẽn liên quan đến hoạt động xúc tiến quảng bá thu hút khách quốc tế đến các địa phương; đề xuất, kiến nghị giải pháp. Trên cơ sở đó, sẽ thống nhất các giải pháp xúc tiến quảng bá thu hút khách quốc tế đến Việt Nam đạt mục tiêu đề ra.
Tại Hội nghị, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch và các Vụ, đơn vị thuộc TCDL đã chia sẻ thông tin về các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương trong nước và quốc tế; các hội nghị, hoạt động xúc tiến quảng bá; thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ về tổ chức Hội nghị Du lịch toàn quốc... Các ý kiến cũng chia sẻ nguyên nhân khiến hoạt động thu hút khách chưa hiệu quả, là do 70% thị trường nguồn của Việt Nam đến từ các nước Đông Bắc Á mà chính sách mở cửa du lịch của các nước này còn nhiều rào cản; hậu quả dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp chưa kết nối được với hệ thống đối tác, thu nhập du khách giảm; chưa có văn phòng xúc tiến quảng bá tại nước ngoài. Các ý kiến cũng khẳng định không thể bỏ qua thị trường Đông Bắc Á, tuy nhiên cần hướng đến khai thác phân khúc chất lượng; đẩy mạnh khai thác thị trường Ấn Độ, các nước khu vực Trung Đông, các nước ASEAN, châu Âu, Úc, Mỹ; đẩy mạnh phân khúc chất lượng cao, khai thác sản phẩm nghỉ dưỡng dài ngày, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm du lịch golf, du lịch thể thao mạo hiểm. Đẩy mạnh truyền thông giới thiệu điểm đến theo chủ đề “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn ở Việt Nam).
Trao đổi tại hội nghị, các địa phương đã chia sẻ một số nội dung, kế hoạch, hoạt động xúc tiến quảng bá thu hút du khách. Các địa phương đồng thời đề nghị tăng cường gắn kết hơn nữa các địa phương trong việc tham gia các hoạt động xúc tiến quảng bá; cân nhắc thu các loại phí công bằng giữa khách Việt Nam và quốc tế; xây dựng chiến dịch quảng bá trên các kênh truyền thông nổi tiếng, tại các thị trương trọng điểm; đẩy mạnh chuyển đổi số; triển khai các đoàn khảo sát và tham dự các sự kiện quốc tế; tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác các chuyến bay thuê nguyên chuyến... Đại diện Sở VHTTDL Quảng Nam kiến nghị tăng cường xây dựng mạng lưới giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài; đẩy mạnh cập nhật thông tin về các chiến dịch quảng bá số; khai thác các hoạt động hợp tác quốc tế thông qua các sự kiện; có chính sách thị thực phù hợp; tăng cường hướng dẫn xây dựng sản phẩm gắn với du lịch địa phương; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào hạ tầng sinh thái du lịch phục vụ khách nước ngoài. Đại diện Sở VHTTDL Bình Thuận cho rằng cần kéo dài thời gian lưu trú của thị thực; thông báo sớm các kế hoạch, sự kiện xúc tiến quảng bá năm sau vào tháng 10 hàng năm để các địa phương có điều kiện bố trí kinh phí, xây dựng kế hoạch phối hợp; quảng bá sản phẩm tại các sự kiện theo vùng, theo chuyên đề để các địa phương đều có cơ hội được giới thiệu đến khách quốc tế; tăng cường tổ chức các đoàn khảo sát đến địa phương; xây dựng quy chế thống nhất từ Trung ương đến địa phương cho phép trích từ nguồn thu du lịch cho kinh phí xúc tiến quảng bá.
Tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu bày tỏ hoan nghênh các địa phương cùng đồng hành với TCDL và cho rằng đây là thời điểm để các địa phương, doanh nghiệp đồng lòng vào cuộc thu hút khách quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ. Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng các địa phương cần chủ động tham gia cùng TCDL cũng như kết hợp với các địa phương trong vùng khi tham gia các hoạt động xúc tiến quảng bá cả trong và ngoài nước, như vậy sẽ phát huy hiệu quả hiệu ứng quảng bá tốt nhất. “Các địa phương làm theo nhóm, TCDL điều phối; sử dụng logo-slogan cùng hoạt động chuyển đổi số quảng bá; sớm có kế hoạch kết nối hàng không, chủ động các hoạt động, chương trình, chiến dịch xúc tiến quảng bá để đạt được kỳ vọng về kết quả” - Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu chia sẻ.
Kết luận Hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao việc các địa phương chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá thu hút khách quốc tế đến Việt Nam cũng như sáng kiến, kinh nghiệm xúc tiến qu��ng bá của các địa phương giúp Du lịch Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn để phục hồi, bước vào giai đoạn mới tăng trưởng mạnh mẽ, đưa Du lịch Việt Nam về đúng quỹ đạo, nhanh chóng thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh: “Với sự tham gia của các địa phương cùng định hướng của TCDL và các hoạt động hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều hoạt động đa dạng, phong phú liên quan đến công tác xúc tiến quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hiệu quả”.
Bá Phúc