Lễ hội nông nghiệp - Cơ hội xúc tiến tiêu thụ sản phẩm và phát triển du lịch huyện Tứ Kỳ, Hải Dương
Tại lễ hội, các đại biểu đã tham quan vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chứng kiến ký kết các hợp đồng liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Một số doanh nghiệp đã có cơ hội nghiên cứu, trao đổi, xây dựng, khai thác các sản phẩm du lịch; cắt băng xuất bán chuyến hàng nông nghiệp hữu cơ đầu tiên của xã An Thanh - Tứ Kỳ.
Cũng tại đây, các đại biểu, nhân dân và đông đảo du khách đã được tham dự “Hội thi gặt lúa” tại các thửa ruộng đang sản xuất và bảo tồn, phát triển rươi, cáy. Đặc biệt hơn nữa là mọi người có cơ hội trực tiếp tham gia “Hội Đùa Nơm bắt cá trên sông Sồi”, tái hiện cảnh sinh hoạt, sản xuất trên sông nước của người dân làng quê vùng chiêm trũng Bắc Bộ…
Huyện Tứ Kỳ ở phía Nam của tỉnh Hải Dương, có sông Thái Bình và sông Luộc chảy qua, vì vậy đã tạo nên vùng đất bãi ngoài đê rất màu mỡ. Hơn nữa, huyện có vị trí địa lý rất gần với cửa biển Thái Bình và Văn Úc (Hải Phòng), tạo ra vùng nước lợ trên 257ha thuộc gần 10 xã của huyện, phù hợp với các sinh vật là đặc sản như: rươi, cáy, cà ra phát triển, cho thu hoạch hầu như quanh năm. Tính theo âm lịch, mùa thu hoạch cáy từ tháng 3 đến tháng 9. Cà ra (cua lông) thu tháng 9, 10. Rạm đồng thu tháng 4,5. Hàng chục năm qua, người nông dân nơi đây đã luôn duy trì việc giữ sạch ruộng đồng, bằng cách không dùng thuốc trừ sâu và hóa chất trong sản xuất toàn bộ diện tích vùng đất này, nhằm thu hút các sinh vật trên về sống, phát triển ngày càng nhiều.
Cùng với đó, huyện Tứ Kỳ đã định hướng vừa phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp với du lịch sinh thái trải nghiệm giai đoạn 2021-2025 theo Đề án phát triển du lịch của huyện. Việc khai thác, bảo tồn đặc sản rươi cáy kết hợp với sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, sinh vật thủy sinh phát triển bền vững. Tổng sản lượng nông sản hữu cơ hàng năm đạt khoảng 2.300 tấn/năm. Trong đó, lúa 1.230 tấn, rươi 200 tấn, cáy 90 tấn, chuối 780 tấn, thu nhập hàng năm đạt khoảng 400 - 450 triệu đồng/ha. Từ năm 2019, Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 3 sản phẩm nông nghiệp: gạo bãi rươi, rươi cấp đông, cáy cấp đông. Hội đồng thẩm định tỉnh Hải Dương công nhận đạt sản phẩm OCOP, hạng 4 sao. Năm 2021, có thêm chả rươi và rươi niêu tiếp tục được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Hiện nay, trong vùng khai thác rươi, cáy, có 137ha thuộc xã An Thanh, cùng với các giống lúa truyền thống, người dân đã đưa thêm giống lúa mới như ST25 vào canh tác tại vùng nước lợ này, cho gạo rất thơm, dẻo, ngon, hơn hẳn các giống chất lượng đã gieo cấy từ trước đến nay.
Ngày 13/5 vừa qua, vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác rươi, cáy xã An Thanh đã được công nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (TCVN 110441-2:2017). Đây cũng là vùng sản xuất hữu cơ được công nhận đầu tiên của huyện Tứ Kỳ và của tỉnh Hải Dương. Sản lượng trung bình đạt trên 1.000 tấn: lúa 450 tấn/năm, chuối 500 tấn/năm, mít 100 tấn/năm, rau ăn lá 15 tấn/năm, rau gia vị 10 tấn/năm. Giá trị sản xuất ước đạt 500 - 700 triệu đồng/ha.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao sáng kiến tổ chức Lễ hội vùng lúa rươi hữu cơ của huyện Tứ Kỳ và cho rằng đây thực sự là dịp để các đại biểu, mọi người dân, du khách có dịp trải nghiệm thú vị và rất ý nghĩa tại vùng sinh thái đặc biệt này. Đây cũng là dịp để tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, tôn vinh các đặc sản vùng miền; nơi các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp du lịch gặp nhau, bắt tay nhau cùng hợp tác với tỉnh và huyện để phát triển… Với phương châm “Nông nghiệp Hải Dương vị nhân sinh” cùng cách làm như hiện nay, Bộ Trưởng Lê Minh Hoan tin rằng, các sản phẩm của Tứ Kỳ - Hải Dương sẽ đi xa hơn, đến được với nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước hơn, thông qua các hoạt động du lịch và liên kết 4 nhà ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng khẳng định: Hải Dương định hướng phát triển nền nông nghiệp đa tầng, đa giá trị dựa trên những tiềm năng riêng có, khai thác tối đa những ưu thế do thiên nhiên ban tặng. Việc tổ chức lễ hội là tầng thứ 4, nhằm nâng cao giá trị nông sản, văn hóa, lịch sử. Tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt chú trọng tới giá trị sản phẩm, đất đai có thể còn có chỗ manh mún, nhưng tư duy thì không thể manh mún.
Phạm Chức