Báo cáo TCDL những nét cơ bản về tình hình phát triển du lịch Điện Biên thời gian qua, những khó khăn, hạn chế, định hướng nhiệm vụ phát triển cũng như một số kiến nghị, đề xuất, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Điện Biên Đoàn Văn Chỉ khái quát, Điện Biên nằm phía Tây Bắc, có đường biên giới chung với Lào và Trung Quốc, với hệ thống cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia, lối mở khá đa dạng. Cảng hàng không Điện Biên hiện đang khai thác đường bay Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh - Điện Biên và đang được triển khai nâng cấp, mở rộng để chuẩn bị cho các đường bay mới từ Điện Biên đi các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam, một số nước trong khu vực và ngược lại. Toàn tỉnh hiện có 29 di tích được xếp hạng, trong đó, nổi bật nhất là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, 14 di tích cấp quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh; 14 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; nghệ thuật xòe Thái và thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái đã được UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là những điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Năm 2022, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch lâu dài và xu hướng du lịch hậu COVID-19, Điện Biên đã khởi công Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng sân bay Điện Biên; đưa bức tranh Panorama “Chiến trường Điện Biên Phủ” vào vận hành, khai thác phục vụ khách du lịch; tổ chức thành công Lễ hội Hoa Ban năm 2022 sau 2 năm tạm dừng do ảnh hưởng dịch COVID-19; khánh thành công trình Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ… Điện Biên cũng sẽ vận động xây dựng đường cao tốc Điện Biên - Sơn La vào năm 2030; mời gọi nhiều tập đoàn kinh tế cam kết đầu tư ở Điện Biên, mở ra nhiều nội dung phát triển du lịch mới. 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch tới tỉnh Điện Biên ước đạt 277.585 lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt 478,7 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Điện Biên vẫn còn nhiều hạn chế, lượng khách đến Điện Biên chưa ổn định, thời gian lưu trú ngắn, chi tiêu thấp. Trong 5 năm qua, không có các khách sạn từ 3 sao trở lên được đầu tư; cơ sở lưu trú, nhà hàng… chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, hoạt động du lịch còn nhỏ lẻ, sự liên kết và tính chuyên nghiệp chưa cao; doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn thiếu và yếu, công tác xã hội hóahoạt động du lịch còn hạn chế, sức cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch chưa cao. Việc xây dựng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển du lịch; xây dựng cơ chế chính sách đột phá thu hút đầu tư chưa có kết quả rõ nét. Hoạt động quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển du lịch còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực yếu, nhất là chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ...
Sở VHTTDL Điện Biên đề nghị TCDL ủng hộ và tham mưu cho Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Điện Biên đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia Điện Biên năm 2024, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; bổ sung huyện Tủa Chùa vào danh mục quy hoạch Khu du lịch quốc gia trong “Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; hỗ trợ Điện Biên chuyển đổi số, xúc tiến, quảng bá du lịch, tổ chức đoàn doanh nghiệp khảo sát Điện Biên. Bên cạnh đó, Sở VHTTDL Điện Biên cũng đề nghị TCDL tăng cường tổ chức các hoạt động, sự kiện, các lớp tập huấn, đào tạo cho các tỉnh, thành phố tại tỉnh Điện Biên; phối hợp, chủ trì tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Điện Biên trong chương trình Tuần Văn hoá - Du lịch Điện Biên tại Hà Nội, Hội thảo liên kết phát triển du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào trong chương trình Ngày hội giao lưu VHTTDL vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III năm 2022; hỗ trợ kỹ thuật, ưu tiên dành nguồn lực, kinh phí hỗ trợ đầu tư tỉnh Điện Biên xây dựng 2-3 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu; góp ý cho Đề án phát triển du lịch Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tại buổi làm việc, đại diện các Vụ, đơn vị chức năng TCDL đánh giá cao việc Điện Biên chủ động xây dựng đề án phát triển du lịch; tuy nhiên, các ý kiến cũng kiến nghị thu gọn hơn đề án để đảm bảo tính khả thi. Các ý kiến bày tỏ ủng hộ đề xuất của Điện Biên về việc đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2024; Điện Biên cần vào cuộc tích cực hơn, thể hiện rõ quyết tâm bằng văn bản đề xuất cụ thể với TCDL, Bộ VHTTDL. Việc thành lập văn phòng đại diện du lịch Điện Biên tại Thái Lan là điểm mang tính tiên phong đột phá, cần có lộ trình cụ thể, đồng bộ. TCDL cũng sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ chuyên môn tổ chức các đoàn khảo sát, các chương trình hội thảo quốc gia, các sản phẩm đặc trưng, hoạt động xúc tiến quảng bá trong trường hợp Điện Biên được đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2024. Phó Tổng cục trưởng TCDL Phạm Văn Thủy đánh giá cao các nhiệm vụ Điện Biên đã triển khai. Đối với chương trình khảo sát xuyên biên giới, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy kiến nghị Điện Biên đề xuất lực lượng Biên phòng cùng tham gia hỗ trợ để tận dụng tối đa nguồn lực; mời các doanh nghiệp, các địa phương lân cận tham gia xúc tiến đầu tư, tận dụng tốt chương trình hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc cũng chia sẻ việc TCDL đang triển khai chương trình số hóa điểm đến tại một số địa phương, đồng thời sẽ nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp với điểm đến Điện Biên.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao sự chủ động của Điện Biên trong thực hiện các hoạt động du lịch, trong công tác tham mưu, đào tạo nhân lực, xúc tiến quảng bá. Tổng cục trưởng nhận định Điện Biên là địa phương biên giới giáp Lào và Trung Quốc, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là điểm đến thương hiệu chiến thắng Điện Biên phủ lừng lẫy địa cầu; tỉnh Điện Biên cũng quan tâm, có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch. Tổng cục trưởng nhấn mạnh: “Điện Biên đã nhìn nhận được hạn chế, chỉ ra điểm nghẽn khiến du lịch phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Tuy nhiên, cần phải tìm ra nguyên nhân để có đề xuất tháo gỡ phù hợp; TCDL luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ, góp ý để du lịch Điện Biên phát triển. TCDL ủng hộ các đề xuất của Điện Biên; hỗ trợ Điện Biên về chuyên môn, con người. Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điên Biên phủ là căn cứ quan trọng để đề xuất tổ chức Năm Du lịch quốc gia, Điện Biên cần có văn bản đề xuất chính thức, thể hiện quyết tâm của địa phương”.
Tổng cục trưởng cũng cho biết sẽ tham mưu, trình lãnh đạo Bộ VHTTDL việc hỗ trợ Điện Biên chuyển đổi số. Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng đề nghị Điện Biên có cơ chế thuận lợi hỗ trợ kết nối thế mạnh với vùng Đông Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, Nam Trung Quốc. Đây là bước đi tốt, là mô hình tiên phong góp phần tháo gỡ điểm nghẽn của du lịch Việt Nam trong việc mở văn phòng đại diện du lịch tại nước ngoài. Tổng cục trưởng đồng thời phân công Vụ Thị trường du lịch phối hợp, hỗ trợ Điện Biên chuẩn bị, xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đề án làm cơ sở đề xuất Bộ VHTTDL. Vụ Kế hoạch tài chính nghiên cứu, đánh giá đề xuất, trả lời Điện Biên về việc bổ sung huyện Tủa Chùa vào danh mục quy hoạch Khu du lịch quốc gia. Vụ Lữ hành nghiên cứu tổ chức các đoàn khảo sát, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là chuẩn bị cho sự kiện Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ.
Tiếp thu ý kiến của TCDL, Giám đốc Sở VHTTDL Điện Biện Nguyễn Minh Phú cho biết sẽ báo cáo UBND tỉnh Điện Biên để có cơ chế phối hợp hiệu quả, thúc đẩy du lịch Điện Biên ngày càng phát triển bền vững.
Gia Khôi