Nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Bể Lưu Quốc Trung nhấn mạnh, huyện Ba Bể đã xác định phát triển du lịch là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Huyện Ba Bể đã thông qua Đề án phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu nhằm huy động các nguồn lực đầu tư, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả nội dung của Đề án. Qua đó, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu kinh tếcủa huyện. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng khu du lịch hồ Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia.
Nhấn mạnh về tiềm năng lợi thế của Ba Bể, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể Ma Thị Cử cho biết, Ba Bể là huyện miền núi có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, độc đáo. Đặc biệt, hồ Ba Bể là địa danh nổi tiếng nằm trong Vườn quốc gia Ba Bể. Hồ có diện tích rộng lớn hơn 500ha, thiên nhiên nguyên sơ, ngoài ra còn có những danh lam thắng cảnh đẹp như: động Hua Mạ, động Thẳm Phầy, động Puông, thác Đầu Đẳng, Ao Tiên, các điểm du lịch sinh thái như: Lủng Cháng, Phiêng Phàng; các di tích lịch sử, văn hóa - tâm linh và nguồn văn hóa ẩm thực, sản phẩm nông, lâm sản dồi dào... là tiền đề cho việc phát triển du lịch nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển.
Theo bà Cử, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyên đã góp phần tổng hòa nên một nền văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc vẫn còn được lưu giữ và bảo tồn như các làn điệu dân ca hát then đàn tính, lượn cọi, phong slư, nghề thủ công truyền thống... Hiện trên địa bàn huyện Ba Bể đã có 5 di sản văn hóa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vẫn được duy trì và thực hành trong đời sống của người dân như Lễ hội Lồng Tồng Ba Bể, nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày, Múa khèn của người Mông, Lễ cấp sắc Lẩu Pụt của người Tày, trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao..., đây là nguồn tài nguyên nhân văn rất độc đáo góp phần cho phát triển du lịch trải nghiệm văn hóa, du lịch cộng đồng. Hiện nay, huyện Ba Bể có các sản phẩm du lịch cơ bản như: Du lịch danh thắng hồ Ba Bể, du lịch sinh thái; du lịch lịch sử -văn hóa, lễ hội nổi bật là Lễ hội Lồng tồng Ba Bể, du lịch tâm linh; du lịch cộng đồng. Trải nghiệm ẩm thực, các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn và nhiều sản phẩm ẩm thực, nông sản có giá trị cao.
“Hiện nay sản phẩm du lịch của Ba Bể còn khá đơn điệu, cơ sở lưu trú chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng, nhân lực du lịch chưa chuyên nghiệp, cơ sở hạ tầng còn chưa đáp ứng, do quy hoạch chưa được phê duyệt nên gặp khó khăn trong công tác quản lý, nguy cơ phá vỡ cảnh quan môi trường tự nhiên và không gian văn hóa, kiến trúc truyền thống đang đặt ra vấn đề bức thiết. Đặc biệt, hệ thống giao thông khu vực xung quanh hồ Ba Bể còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ khách như: hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, dịch vụ...”, bà Cử cho biết.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng TCDL Phạm Văn Thủy đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh của du lịch Bắc Kạn về danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử cách mạng, di sản văn hóa, du lịch tâm linh, chữa bệnh, tham quan, thám hiểm. Tuy nhiên du lịch Ba Bể chưa phát triển xứng với tiềm năng. Phó Tổng cục trưởng cho biết, để phát triển du lịch, tạo sự hấp dẫn, thu hút khách cần nghiên cứu nhu cầu của khách du lịch, trong đó có vai trò quản lý, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư. Phó Tổng cục trưởng TCDL cho biết, du lịch Ba Bể cần quan tâm tới các yếu tố khách chơi gì, thăm gì, ăn gì, có những sản phẩm ẩm thực gì?. Khách đến sẽ nghỉ ở đâu?; cần phải quy hoạch cơ sở lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ du lịch cộng đồng, homestay. Theo Phó Tổng cục trưởng, trong định hướng phát triển cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, xây dựng tuyến điểm du lịch, cần tìm hiểu về nhu cầu thị hiếu của khách, cần tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, liên kết để xây dựng sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Cần xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm du lịch như xây dựng sản phẩm nông nghiệp, chú trọng phát triển du lịch xanh, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, du lịch tâm linh, tham quan, thám hiểm, du lịch cộng đồng. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, phối hợp với các địa phương trong phát triển du lịch. Phó Tổng cục trưởng TCDL nhấn mạnh, cần chú trọng chuyển đổi số trong du lịch, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; cần chú trọng yếu tố an toàn cho khách; cần quan tâm phục hồi và phát triển du lịch.
Tại hội thảo các đại biểu tham dự đã phát biểu ý kiến xoay quanh việc nghiên cứu, quy hoạch du lịch Ba Bể, cần phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng. Đề cập đến tour tham quan hồ Ba Bể nên như thế nào phù hợp, làm gì để khách lưu lại lại lâu hơn; định hướng về dịch vụ giao thông trên hồ Ba Bể thế nào?; làm thế nào trong việc phát triển du lịch gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường, xử lý rác thải trên hồ Ba Bể, quan tâm đến vệ sinh môi trường, nhà vệ sinh công cộng tại điểm đón khách đi tham quan trên sông Năng. Ngoài ra, vấn đề liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp du lịch, vấn đề quảng bá thu hút khách trong nước, quốc tế cũng được đề cập.
Qua khảo sát thực tế, Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Ha Su Nguyễn Văn Phong cho rằng, cần tăng cường liên kết giữa các Công ty lữ hành giữa Bắc Kạn với các tỉnh lân cận trong việc xây dựng tour đưa khách đến Ba Bể; xây dựng thêm các tour trải nghiệm, khám phá dành cho các đối tượng khách. Bên cạnh đó, cần có sự kết nối cùng các huyện trong tỉnh Bắc Kạn, để các công ty lữ hành khi đưa khách đến Ba Bể sẽ tiếp tục đưa khách đến các huyện trong tỉnh Bắc Kạn. Ba Bể cũng như nhiều địa phương cần lưu ý vấn đề nhân sự sau đại dịch COVID-19, hiện nay đang thiếu hụt nhân sự lớn của ngành; cần có chính sách đãi ngộ để thu hút, giữ chân nhân lực. Ba Bể cần có hướng dẫn viên, có kiến thức sâu về văn hóa, lịch sử; nên triển khai kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn về du lịch kịp thời.
Theo Giám đốc điều hành khu du lịch sinh thái Hồ Kim Đĩnh, Thái Nguyên Dương Viết Quyến cho rằng, ở góc độ kinh doanh du lịch, tổ chức sự kiện, làm du lịch cần làm bằng cái tâm của mình. Ba Bể cần có những quyết định đột phá trong nghiên cứu, quy hoạch, phát triển du lịch đồng bộ gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường, bảo tồn nét văn hóa.
TS. Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện kinh tế, văn hóa cho rằng, tiềm năng du lịch của Ba Bể là rất lớn, nhưng để khai thác, phát triển du lịch có nhiều vấn đề cần quan tâm. Ba Bể cần phối hợp các cơ quan Trung ương, doanh nghiệp, phải kết nối, cùng nhau gỡ khó khăn; quan tâm đến vấn đề về vệ sinh môi trường, nhà vệ sinh dành cho du khách tại điểm đến. Việc phát triển homestay cần nghiên cứu, phát triển nhưng cần giữ nét bản sắc văn hóa, mang nét riêng vùng miền, nét riêng của đồng bào dân tộc. Ngoài ra, cần nghiên cứu, xây dựng sản phẩm mang nét đặc trưng.
Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng đề nghị, qua ý kiến trao đổi, Sở VHTTDL Bắc Kạn, lãnh đạo huyện Ba Bể cần lắng nghe, khắc phục kịp thời những tồn tại về vệ sinh môi trường, nhà vệ sinh công cộng tại điểm đón chờ của khách. Hiện nay, quy hoạch hồ Ba Bể đang chờ phê duyệt cần quản lý trong xây dựng, tránh cơi nới, cần phủ xanh các mái nhà chờ, không để phá vỡ cảnh quan xung quanh hồ Ba Bể. “Bên cạnh đó, Sở VHTTDL Bắc Kạn hỗ trợ trong nghiên cứu, đào tạo nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển du lịch xanh, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, làm du lịch cộng đồng, phát triển đội văn nghệ các điểm đến, đẩy mạnh truyền thông, đa dạng hóa sản phẩm, chuyên nghiệp hóa, từ số lượng sang chất lượng, xây dựng và tăng cường quảng bá Ba Bể điểm đến an toàn, hấp dẫn”, ông Hưng nhấn mạnh.
Tuấn Hải