Biểu diễn nghệ thuật tại Lễ hội làng Sen. Ảnh: Hạ Tinh
Đỉnh cao của nghệ thuật quần chúng
Cách đây tròn 30 năm, Liên hoan toàn quốc “Tiếng hát Làng Sen” lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 5/1982. Sau đó, Liên hoan được nâng cấp thành Lễ hội làng Sen tổ chức hàng năm theo quy mô cấp tỉnh và 5 năm một lần ở cấp quốc gia.
Trải qua hàng chục lần tổ chức, sức lan tỏa của Lễ hội làng Sen ngày càng mạnh mẽ hơn, trở thành điểm nhấn không thể thiếu trong mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 hàng năm, đóng góp thiết thực vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, đồng thời nhân rộng và phát triển các hạt nhân phong trào nghệ thuật quần chúng cả nước trên bình diện sáng tác, biểu diễn, khai thác và phổ biến nhằm giữ gìn di sản văn hóa - văn nghệ ở từng địa phương, góp phần bổ sung lực lượng nòng cốt cho phong trào văn nghệ quần chúng và cho hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Có thể kể tới những thế hệ ca sỹ trưởng thành từ hoạt động văn nghệ đặc sắc này như nghệ sỹ ưu tú Tiến Dũng, Lệ Thanh, Ngọc Hà, Hồng Lựu, Thu Hiền... và nhiều ca khúc đã đi vào lòng công chúng được sáng tác phục vụ liên hoan như "Người là niềm tin tất thắng" của nhạc sỹ Thuận Yến, "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác" của nhạc sỹ An Thuyên, "Ngày hội bên sông Lam" - "Ru con giữa mùa sen nở" của nhạc sỹ Hồ Hữu Thới, "Ngôi sao tháng năm” của nhạc sỹ Ánh Dương, “Ngày hội Làng Sen” của nhạc sỹ Đặng Nhất Mai, "Người mẹ Làng Sen" của nhạc sỹ Lê Hàm, "Tình quê Nam Đàn" của nhạc sỹ Mai Cường…
Ngoài hạt nhân là Liên hoan Tiếng hát làng Sen, Lễ hội làng Sen còn bao gồm nhiều hoạt động mang tính lễ nghi đặc trưng như lễ rước ảnh Bác Hồ theo hành trình từ quê ngoại về quê nội của Bác, lễ chào cờ, hát lãnh tụ ca, dâng hương, dâng hoa, báo công với Bác của chính nhân dân quê hương Nam Đàn tổ chức, biểu thị lòng ngưỡng vọng của nhân dân Nam Đàn nói riêng và toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung đối với vị lãnh tụ kính yêu.
Trở thành thương hiệu của Du lịch Nghệ An
Nhận thức sâu sắc giá trị của hoạt động này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã đề ra phương hướng phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An, tập trung cho công tác chỉ đạo phát triển lễ hội trong những năm tới đây, để Lễ hội Làng Sen thực sự là Lễ hội văn hóa Hồ Chí Minh mang đậm tính nhân văn và tính quần chúng, đồng thời trở thành thương hiệu của Du lịch Nghệ An. Các cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL như Viện Văn hóa nghệ thuật, Cục Di sản Văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở, Cục nghệ thuật biểu diễn đã phối kết hợp với địa phương xây dựng kịch bản Lễ hội làng Sen và quy chế Liên hoan Tiếng hát làng Sen theo yêu cầu thể hiện rõ được mục đích, yêu cầu, tính chất, quy mô, thời gian, nội dung, hình thức và thể loại của lễ hội, đưa các giá trị của lễ hội thấm sâu vào đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân, góp phần làm cho Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đi vào chiều sâu, chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, tỉnh Nghệ An cũng tập trung các nguồn lực và đẩy mạnh quá trình xã hội hóa xây dựng hệ thống hạ tầng du lịch, dịch vụ, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc về Bác Hồ và quê hương xứ Nghệ.
Năm nay, nhân kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2012), Lễ hội làng Sen được tổ chức trong ba ngày (17, 18, 19/5/2012) và Liên hoan dân ca ví, dặm xứ Nghệ được tổ chức từ ngày 19/4 đến 18/6/2012, qua các bước: liên hoan cấp huyện, thành, thị; cấp cụm và cuối cùng là cấp tỉnh. Đây cũng là lần đầu tiên Nghệ An tổ chức Liên hoan dân ca ví, dặm xứ Nghệ nhằm tôn vinh các giá trị vốn có và giá trị tiêu biểu của thể loại nghệ thuật diễn xướng dân gian này, xây dựng nên sản phẩm du lịch mới và hướng tới việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận dân ca ví, dặm xứ Nghệ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hy vọng với những yếu tố mới, Lễ hội làng Sen tiếp tục được bồi đắp những giá trị mới và ngày càng củng cố vị trí là một sinh hoạt văn hóa độc đáo, có ý nghĩa chính trị sâu sắc trong đời sống tinh thần của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất.
Bảo Linh