>> Góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch 2005 - Chính sách phát triển du lịch
Vấn đề 3. Kinh doanh du lịch
Điều 38 của Luật Du lịch quy định: “Kinh doanh du lịch là kinh doanh dịch vụ, bao gồm các ngành, nghề sau đây:
1. Kinh doanh lữ hành;
2. Kinh doanh lưu trú du lịch;
3. Kinh doanh vận chuyển khách du lịch;
4. Kinh doanh phát triển khu du lịch, điểm du lịch;
5. Kinh doanh dịch vụ du lịch khác”.
Theo sự phân loại dịch vụ du lịch của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), liên quan đến hoạt động du lịch có 70 loại dịch vụ trực tiếp và trên 70 loại dịch vụ gián tiếp. Thực tế hiện nay còn rất nhiều ngành, nghề phục vụ khách du lịch chưa được đề cập như: kinh doanh nhà hàng, kinh doanh đồ uống(bar), hoặc các dịch vụ: lặn biển, đua thuyền, lướt ván, nhảy dù…
Ngay trong những ngành, nghề được quy định trên còn nhiều bất cập, điều này được thể hiện qua các ngành, nghề sau:
Kinh doanh lữ hành
Theo nhiều ý kiến, kinh doanh lữ hành là một nghề và thực chất là hoạt động trung gian, môi giới giữa khách du lịch và các cơ sở cung cấp dịch vụ, hàng hóa cho khách du lịch, vì thế trong điều kiện kinh doanh, người điều hành hoạt động kinh doanh không chỉ có kinh nghiệm mà còn những điều kiện khác, trong đó phải có một chứng chỉ về kinh doanh lĩnh vực này.
Nhiều người cho rằng, việc kinh doanh lữ hành nội địa cần phải có tiền ký quỹ, riêng tiền ký quỹ đối với kinh doanh lữ hành quốc tế cần phải phân định rõ ràng. Đối với những doanh nghiệp lữ hành đón tiếp và phục vụ khách du lịch quốc tế vào Việt Nam không cần phải ký quỹ vì các hãng lữ hành nước ngoài đưa khách đến đã phải ký quỹ ở nước họ đăng ký kinh doanh. Đối với những doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế tổ chức cho công dân Việt Nam đi du lịch nước ngoài bắt buộc phải ký quỹ. Về ký quỹ cần sửa đổi, bổ sung theo nhiều hình thức khác nhau (bảo lãnh của ngân hàng...) và nếu ký quỹ mức hưởng lãi cũng phải khác.
Hướng dẫn viên du lịch
Nhiều ý kiến cho rằng, hướng dẫn viên du lịch là một nghề, khi hành nghề bắt buộc phải có chứng chỉ nghiệp vụ về hướng dẫn du lịch do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp”, nhưng không nên phân biệt hướng dẫn viên quốc tế, hướng dẫn viên nội địa, để từ đó quy định hướng dẫn viên du lịch nội địa và có trình độ trung cấp chuyên nghiệp chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên, còn hướng dẫn viên du lịch quốc tế có trình độ cử nhân chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên. Có nên sửa đổi, bổ sung các quy định này không? và sửa đổi, bổ sung như thế nào?
(Còn nữa)
Minh Thu