Các hình thức cai nghiện ma túy đang được áp dụng
Cai nghiện bắt buộc tại cơ sở chữa bệnh
Đây là hình thức cai nghiện được áp dụng với các đối tượng nghiện đã cai tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc đối tượng không có nơi cư trú nhất định. Tùy theo đặc điểm nhân thân, mức độ nghiện và theo qui định của UBND quận, huyện, thành phố trực thuộc Trung ương mà các đối tượng được đưa vào cai nghiện tập trung tại cơ sở chữa bệnh với thời gian từ 1 đến 2 năm theo qui định của Luật Phòng, chống ma túy. Trong thời gian này, đối tượng được điều trị, phục hồi toàn diện các mặt tâm sinh lý kết hợp với giáo dục, tư vấn, dạy nghề, lao động sản xuất.
Cai nghiện tự nguyện tại cơ sở chữa bệnh
Ngoài hình thức cai nghiện bắt buộc, nhiều địa phương đang áp dụng hình thức cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở chữa bệnh, thời gian cai nghiện tự nguyện từ 6 tháng đến một năm. Các đối tượng tự nguyện cũng được áp dụng qui trình chung về điều trị, phục hồi (trừ lao động, sản xuất thì tự giác tham gia).
Cai nghiện tại cộng đồng
Cai nghiện tại cộng đồng được thực hiện đa dạng hóa với các hình thức cai nghiện tại nhà, tại cơ sở của xã, phường, các trung tâm quận, huyện, trung tâm của các tổ chức xã hội và công trường 06 phù hợp với đặc điểm và điều kiện cụ thể của từng địa phương, hoàn cảnh của từng đối tượng.
Mô hình cai cắt cơn giải độc thuần túy: với mô hình này, đối tượng tập trung tại một địa điểm của xã, phường và tiến hành cắt cơn, giải độc 10 đến 15 ngày, kết hợp giáo dục, tuyên truyền rồi các đối tượng trở về gia đình. Do hiệu quả mô hình này rất thấp (hầu hết tái nghiện lại 90-100% sau thời gian ngắn trở về gia đình) nên các địa phương dần dần bỏ cách làm này.
Mô hình cai cắt cơn giải độc gắn với quản lý, giáo dục, hỗ trợ vốn, dạy nghề, tạo việc làm, giám sát lâu dài dựa vào cộng đồng: đây là mô hình được tiến hành dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo, quản lý của chính quyền, sự tham gia của cơ quan chuyên môn và các đoàn thể xã hội.
Thực tế đã chứng minh đây là mô hình phù hợp với nhiều địa phương và đạt kết quả, hiệu quả đáng khích lệ. Một số tỉnh làm tốt như Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hà Tây, Ninh Bình, Nghệ An, Lạng Sơn... và cũng thành công ở một số địa bàn đô thị như Hà Nội, Bà Rịa -Vũng Tàu, Đà Nẵng.
Mô hình cai nghiện tại công trường 06: hình thức này được áp dụng với biện pháp cai nghiện kết hợp trị liệu phục hồi thông qua lao động, sản xuất ở công trường tập trung do các địa phương quản lý. Thời gian lao động từ 6 tháng đến 1 năm (sau khi cắt cơn giải độc, phục hồi sức khoẻ từ 15 đến 30 ngày). Kết thúc thời gian lao động tập trung, người nghiện trở về địa phương dưới sự giám sát, quản lý lâu dài dựa vào cộng đồng. Mô hình này có hiệu quả cao, tỷ lệ tái nghiện sau 2 đến 3 năm khoảng 15 đến 20% (như ở Tuyên Quang). Tuy nhiên, hiện nay mô hình này chưa được áp dụng rộng rãi ở các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố gặp nhiều khó khăn về điều kiện tổ chức công trường lao động.
Quy trình điều trị nghiện ma túy
Dù là hình thức cai nghiện nào cũng đều phải tuân thủ theo quy trình điều trị nghiện ma túy đã được quy định tại Thông tư Liên tịch 31/1999/TTLT/BLĐTBXH-BYT ngày 20/12/1999 của Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế về việc Hướng dẫn quy trình cai nghiện, phục hồi sức khoẻ, nhân cách cho người nghiện ma túy.
Cai nghiện, phục hồi sức khoẻ, nhân cách cho người nghiện ma túy bao gồm những hoạt động: y học, tâm lý, xã hội. Sau khi người nghiện được cai nghiện, phục hồi sức khoẻ, nhân cách thì sẽ không sử dụng lại ma túy và hoà nhập cộng đồng.
Quy trình cai nghiện được chia làm 5 giai đoạn sau:
Tiếp nhận, phân loại.
Điều trị cắt cơn, giải độc.
Giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách.
Lao động trị liệu, chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng, chống tái nghiện.
Quản lý lâu dài dựa vào cộng đồng.
Cai nghiện, phục hồi sức khoẻ, nhân cách NNMT tại cộng đồng:
Cai nghiện phục hồi sức khoẻ, nhân cách người nghiện ma túy tại cộng đồng bao gồm những hoạt động y tế, tâm lý xã hội được tiến hành tại xã phường nơi người nghiện ma túy cư trú.
Cai nghiện phục hồi tại cộng đồng do chính quyền các cấp chịu trách nhiệm. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với trung tâm y tế, công an huyện và các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch cai nghiện, phục hồi sức khoẻ, nhân cách cho người nghiện ma túy tại cộng đồng để trình Chủ tịch UBND quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh phê duyệt. Sau khi kế hoạch được phê duyệt, việc thực hiện cai nghiện, phục hồi nhân cách cho NNMT tại cộng đồng theo đúng qui trình sau:
Phân loại người nghiện ma túy:
Trước khi tổ chức cai nghiện, phục hồi sức khoẻ, nhân cách tại cộng đồng chính quyền xã, phường phải điều tra phân loại người nghiện một cách cụ thể để áp dụng các hình thức cai nghiện cho phù hợp.
Hình thức cai nghiện phục hồi tại cộng đồng chỉ được áp dụng đối với đối tượng mới sử dụng ma túy, mức độ lệ thuộc vào ma túy còn nhẹ, nhân cách, hành vi chưa thay đổi (chưa có hành vi vi phạm pháp luật) bản thân và gia đình phải tự nguyện, đồng thời phải có sự giám sát, chăm sóc của gia đình, sự hỗ trợ của cộng đồng.
Giai đoạn điều trị cắt cơn
Được tổ chức tại địa phương có sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền, cơ quan y tế tham mưu cho chính quyền phối hợp với các ngành: Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội để điều trị cắt cơn, giải độc cho NNMT. Việc điều trị cắt cơn phải bảo đảm các yêu cầu sau:
- Phải có sự theo dõi chỉ định, giúp đỡ của các cơ sở y tế;
- Áp dụng đúng bài thuốc, phác đồ điều trị do Bộ Y tế ban hành;
- Hệ thống sổ sách, thống kê, chế độ báo cáo phải đầy đủ, theo quy trình của Bộ Y tế.
- Liên hệ với bệnh viện gần nhất để hỗ trợ chuyên môn cấp cứu khi cần thiết.
Tư vấn, giáo dục phục hồi nhân cách, lao động trị liệu
- Sau khi tiếp nhận những người nghiện ma tuý đã được điều trị cắt cơn giải độc, chính quyền địa phương lên kế hoạch phân công chỉ đạo các cơ quan nghiệp vụ kết hợp với gia đình, vận động các tổ chức xã hội như: Hội Cựu chiến binh, Đoàn - Thanh niên, Hội Phụ nữ tổ chức giáo dục phục hồi nhân cách hành vi, tạo việc làm theo các hình thức sau:
+ Tổ chức các buổi sinh hoạt cho người nghiện tại tổ dân cư, phường xã giúp họ nâng cao hiểu biết về pháp luật, nếp sống đạo đức ...
+ Thành lập các câu lạc bộ, vận động những người nghiện tham gia sinh hoạt để họ cùng giúp nhau giải quyết tư tưởng, nêu cao ý chí, tháo gỡ những vướng mắc nhằm sớm phục hồi nhân cách hành vi.
+ Tư vấn cho người nghiện, gia đình họ về tâm lý, sức khoẻ, việc làm, pháp luật giúp họ có kiến thức phòng ngừa tái sử dụng lại ma túy.
- Chính quyền kết hợp với gia đình tạo điều kiện cho người nghiện học nghề, vay vốn lãi suất thấp hoặc tạo việc làm giúp người nghiện có cuộc sống ổn định.
- Từng địa phương căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể để tổ chức hình thức lao động cho NNMT sau khi đã được điều trị cắt cơn giải độc để giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, sức khoẻ.
- Thời gian trị liệu phục hồi nhân cách, lao động trị liệu từ 6 đến 12 tháng.
Quản lý lâu dài dựa vào cộng đồng
Nội dung này được thực hiện theo qui định tại điểm 5 mục A chương II của Thông tư này.
Tóm lại, việc điều trị nghiện ma túy cho NNMT là một công việc hết sức khó khăn, vất vả và lâu dài. Đòi hỏi những người làm công tác này phải có kinh nghiệm, có sức khoẻ, đức tính kiên trì, chịu khó, có tình thương và trách nhiệm và phải có kiến thức đầy đủ về cai nghiện ma túy. Đồng thời phải biết phát huy sức mạnh và trí tuệ của cộng đồng mới hy vọng thành công.
Những quy định của pháp luật đới với trách nhiệm của người nghiện, gia đình người nghiện tại cộng đồng nơi người nghiện cư trú
Trách nhiệm của người nghiện
Tại điểm 1- Điều 26- Chương IV- Luật Phòng, chống ma túy qui định:
Người nghiện ma túy có trách nhiệm:
a/. Tự khai báo về tình trạng nghiện ma túy của mình với cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc chính quyền cơ sở nơi cư trú và tự đăng ký hình thức cai nghiện .
b/. Tuân thủ nghiêm ngặt các qui định về cai nghiện ma túy.
Trách nhiệm của gia đình có người nghiện ma túy:
Cũng tại điểm 2- Điều 26- Chương IV- Luật Phòng, chống ma túy qui định gia đình có người nghiện ma túy có trách nhiệm:
a/ Báo cho chính quyền cơ sở về NNMT trong gia đình mình và tình trạng nghiện của người đó .
b/ Giúp NNMT cai nghiện tại gia đình theo sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ Y tế và chính quyền cơ sở ;
c/ Theo dõi, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn NNMT sử dụng trái phép chất ma túy hoặc có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội.
d/ Hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền đưa NNMT vào cơ sở cai nghiện và đóng góp kinh phí cai nghiện theo qui định của pháp luật.
Xuân Mai