Hội thảo “Du lịch Việt Nam – Cơ hội và thách thức hè 2022” nằm trong chuỗi sự kiện nổi bật của Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh (HCM) năm nay diễn ra chiều 14/5. Hội thảo do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh tổ chức đã thu hút gần 150 khách mời là đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, UBND TP. HCM, Thanh Hóa, Nha Trang, Cần Thơ, Hạ Long, Hội An, Đà Lạt, Vũng Tàu, Hà Giang… tham dự. Tại Hội thảo các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đã đưa ra dự báo về sự bùng nổ đi chơi của du khách trong dịp hè này. Vậy, từ dự báo, các địa phương, doanh nghiệp du lịch đã chuẩn bị gì để đón khách trong mùa hè cao điểm?
Thời điểm vàng cho ngành Du lịch
Mở màn hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, với vai trò là một trong những thị trường điểm du lịch của cả nước, đến thời điểm này thành phố đã nỗ lực chung tay với ngành Du lịch cả nước đẩy nhanh tiến độ phục hồi hoạt động du lịch.
Cụ thể thành phố đã xây dựng kế hoạch hành động về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm và dịch vụ… Tuy nhiên, để du lịch phục hồi và phát triển bền vững, đòi hỏi sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương mới mang đến chuỗi sản phẩm du lịch chất lượng cao. Làm được như vậy mới buộc du khách vui vẻ “móc hầu bao”, tăng chi tiêu…
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Hội thảo là cơ hội để lắng nghe ý kiến về những khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị đề xuất của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, từ đó cơ quan quản lý nhà nước nhận diện những cơ hội và thách thức, đánh giá lại thực trạng của ngành Du lịch sau dịch COVID–19. Đặc biệt, sau mở cửa lại hoạt động du lịch và kiểm nghiệm qua các đợt đón khách du lịch nội địa, quốc tế trong dịp Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5, để từ đó xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động và giải pháp thiết thực, hiệu quả góp phần phục hồi ngành du lịch và quan trọng nhất là xây dựng môi trường du lịch đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách mùa cao điểm.
Đại diện cho Vinpear, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thu Phương cho biết, trong vòng 2 tháng mở cửa hoạt động du lịch hoàn toàn, hệ thống Vinpearl đã xây dựng và làm mới nhiều sản phẩm trong đó vừa ra mắt đội tàu ngầm du lịch trong suốt, có tầm nhìn 360 độ, mang đến trải nghiệm vào không gian sâu thẳm và huyền diệu của đại dương. Bên cạnh còn có nhiều sản phẩm du lịch mới khác: Show diễn “Âm vang đại ngàn”, nhằm tái hiện không gian văn hóa cồng chiêng, những chuyến đi săn dài ngày… sẽ đưa du khách ngược dòng lịch sử tìm về đời sống huyền bí của vùng cao nguyên hùng vĩ…
Trong bối cảnh bình thường mới, nhu cầu du lịch của du khách tăng trở lại mạnh mẽ. Tại các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Lạt, Vũng Tàu, Khánh Hòa… đã đón lượng khách khổng lồ, dẫn đến tình trạng quá tải, cháy phòng, cháy vé. Giám đốc Điều hành Travelner Bùi Đức Tuệ cũng dự đoán, trong dịp hè sắp tới làn sóng du lịch sẽ bùng nổ. Điều nãy đã đặt ra nhiều thách thức cho các đơn vị lữ hành trong bối cảnh sau dịch thiếu hụt nhân sự, lượng khách tăng nhanh, dẫn đến quá tải… Các doanh nghiệp du lịch, quản lý địa phương cần sớm có kế hoạch ứng phó trước tình trạng cháy nhân sự, cháy phòng, cháy vé… Bởi chính sách nhập cảnh giờ đây đã thông thoáng, quy định y tế phù hợp với bối cảnh mới. Ngoài ra, xu hướng chuyển đổi số giúp du khách có thể tiếp cận thông tin dễ dàng, thanh toán nhanh chóng và tiện lợi. Có thể nói thời điểm này hội tụ đầy đủ các điều kiện để du lịch phục hồi và tạo đà phát triển.
Ông Phạm Hùng Việt, Phó Giám đốc Vietjet bày tỏ, những tín hiệu phục hồi và phát triển tích cực trong 2 tháng qua, dự báo mùa hè 2022 sẽ là thời điểm mà nhu cầu đi lại, du lịch của du khách trong và ngoài nước tiếp tục tăng. Bên cạnh việc chuẩn bị kỹ càng các nguồn lực như tăng cường đội tàu bay mới, tiện nghi, Vietjet đã lên kế hoạch tăng thêm các chuyến bay, kết nối các điểm đến du lịch hấp dẫn trong, ngoài nước. Ngay thời điểm này, Vietjet đang triển khai chương trình ưu đãi hàng triệu vé khuyến mãi trong khung giờ vàng từ 12h00 đến 14h00, vé đồng giá, vé trả góp… áp dụng cho tất cả đường bay quốc tế mà hãng đang khai thác.
Đồng tình với đại diện Vietjet, Phó Giám đốc khối du lịch nội địa của Lữ hành Saigontourist Vũ Hải Sâm cũng nhận định, mùa hè năm nay sẽ bùng nổ cả về du lịch nội địa và quốc tế, hứa hẹn một mùa bội thu mới. Trong hai tháng mở cửa cho thấy tại các thành phố lớn nhu cầu đi du lịch của người dân luôn ổn định. Theo đó, trước khi bước vào cuộc Hội thảo này, đơn vị đã tổ chức khảo sát các điểm đến tại các địa phương nhằm xây dựng sản phẩm chất lượng, mang đến sự trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Qua khảo sát Saigontourist Group đề nghị một số địa phương cần đánh giá lại chất lượng dịch vụ hiện có, kiểm soát giá cả, yếu tố đảm bảo an ninh và an toàn vệ sinh thực phẩm cho du khách.
Thông tin tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Lê Trương Hiền Hòa cho hay, hiện thành phố đã liên kết với 49 địa phương trong cả nước. TP.HCM kỳ vọng đón từ 18 - 25 triệu lượt khách trong năm nay, trong đó phấn đấu đón 3 - 5 triệu lượt khách quốc tế. Để đạt được sự kỳ vọng trên, ngành Du lịch thành phố vừa ra mắt 2 sản phẩm du lịch độc đáo: Du thuyền trên sông và Bay cùng trực thăng ngắm thành phố. Trong những ngày tới ngành Du lịch TP. HCM sẽ cùng với ban ngành khác chung tay phục hồi nền kinh tế đêm.
Vẫn còn nhiều thách thức
Chia sẻ về công tác phát triển du lịch tại Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cho biết, trong lĩnh vực du lịch, Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác và phát triển. Ngay sau khi Chính phủ có chủ trương mở cửa lại các hoạt động du lịch, Thanh Hóa đã rất nhanh chóng khởi động và tăng tốc. Có thể khẳng định, tới thời điểm hiện tại du lịch Thanh Hóa đã khởi động thành công và đang trên đà bứt phá. Chỉ tính riêng kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Thanh Hóa đón gần 900.000 lượt khách, cao nhất cả nước; trong đó, khách lưu trú đạt khoảng 577.400 lượt khách, tăng 85,6%; tổng thu du lịch khoảng 1.960 tỷ, tăng 123,2% so với năm 2021.
Còn theo Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt Tôn Thiện San, trong 2 năm qua tỉnh đã đầu tư khoảng 1 ngàn tỷ cho cơ sở hạ tầng, chỉnh trang lại các dịch vụ… nhằm tạo điểm đến an toàn cho du khách khi đến Đà Lạt. Khó khăn hiện nay là có thời điểm lượng khách quá đông, hệ thống chưa thể đáp ứng được.
Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, chính sách mở cửa thông thoáng của Chính phủ đã tạo điều kiện cho ngành Du lịch phục hồi mạnh mẽ, hứa hẹn dịp hè này sẽ thực sự bùng nổ trở lại. Đến thời điểm này có thể nói ngành Du lịch đang dần phục hồi ngoài sức mong đợi của toàn ngành. Chỉ trong 4 ngày nghỉ lễ (từ 30/4/2022 - 03/5/2022) đã có khoảng 5 triệu lượt khách du lịch nội địa, trong đó có 2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 22 nghìn tỷ đồng. Lượng khách du lịch tăng cao trong dịp lễ vừa qua là tín hiệu vui với ngành Du lịch nhưng cũng là áp lực với những địa phương mà nguồn lực còn hạn chế.
Có thể khẳng định, từ sự bội thu trong dịp lễ vừa qua, đem lại cho Ngành hy vọng sẽ có mùa bội thu mới trong dịp hè. Tuy nhiên, bên cạnh thành quả vẫn còn tồn tại nhiều thách thức, đó là chất lượng dịch vụ, là tình trạng “chặt chém” và nhiều điều chưa đẹp. Các địa phương cần phải chấn chỉnh ngay từ hôm nay để chuẩn bị cho mùa du lịch hè không còn những “hạt sạn” gây phiền hà du khách.
Tổng cục trưởng cũng đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo này vì nó có ý nghĩa, và thu hút sự quan tâm của xã hội. Đến nay, Việt Nam đã chính thức mở cửa, du lịch nội địa trong điều kiện bình thường mới đã trở nên sôi động ở hầu hết các địa phương. Hội thảo đã thu nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các các doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không và đặc biệt là cam kết thực hiện tốt các hoạt động đón khách du lịch dịp hè của các lãnh đạo địa phương.
Để chào đón du lịch hè với sự mới lạ và hấp dẫn, trong khuôn khổ hội thảo, Tổng cục trưởng đề nghị các địa phương tập trung làm mới sản phẩm du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái, nông thôn và du lịch đô thị. Trong đó, sản phẩm du lịch biển đảo đã được định hình rõ nét hơn với việc hình thành các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, giải trí chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Một số sản phẩm bổ trợ cũng cần được quan tâm phát triển: du lịch thể thao, du lịch kết hợp chữa bệnh, du lịch mạo hiểm... Bên cạnh đó, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng cần được quan tâm, đầu tư để đáp ứng nhu cầu mới của thị trường.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng đề nghị các địa phương tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên sẵn có để trước mắt phục vụ mùa du lịch nội địa sắp đến.
Cao Phương