Định vị thương hiệu du lịch Bắc Giang
Bắc Giang là tỉnh thuộc vùng Đông Bắc của Việt Nam, có địa hình đa dạng, điều kiện tự nhiên phong phú, có khoảng cách tương đối gần với những trung tâm kinh tế, du lịch lớn của đất nước. Bắc Giang có vị trí nằm trên nhiều tuyến quốc lộ huyết mạch, nhiều dòng sông lớn chảy qua tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch.
Vùng đất này là cái nôi phát triển văn hóa Kinh Bắc, kết tinh của văn hóa Việt Nam với gần 2.300 di tích, trong đó có 593 di tích đã được xếp hạng. Nơi đây lưu giữ nhiều di sản văn hóa truyền thống đặc sắc như dân ca quan họ, ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể; chùa Vĩnh Nghiêm - nơi lưu giữ kho mộc bản với 3.050 bản ván khắc được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, Bắc Giang còn có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan đa dạng tạo cơ sở phát triển nhiều loại hình du lịch phong phú, đáp ứng những nhu cầu khác nhau của du khách.
Khu di tích danh thắng Tây Yên Tử được xem là “cú hích” của du lịch tỉnh Bắc Giang, hứa hẹn là sản phẩm du lịch nổi trội của vùng đất Bắc Giang. Nơi đây có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố văn hóa và tự nhiên chứa đựng trong Khu bảo tồn thiên nhiên độc đáo rộng hơn 13.000 ha đa dạng về hệ thống động thực vật được bảo tồn khá nguyên vẹn và Khu văn hóa tâm linh có giá trị cao về lịch sử văn hóa, phật giáo và kiến trúc nghệ thuật. Những tài nguyên quan trọng này là cơ sở để Tây Yên Tử xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh - sinh thái đặc trưng, mang tính cá biệt của địa phương và mang lại sức hút cho du lịch tỉnh.
Để xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Bắc Giang gắn với thế mạnh của vùng trung du, miền núi có địa hình đa dạng, phong phú, có vùng cây ăn quả rộng lớn và nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, ông Dương Hồng Cơ, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang cho biết: Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu đến năm 2025, hình thành, khai thác 5 không gian du lịch chủ yếu: Hà Nội - thành phố Bắc Giang - Lục Ngạn - Sơn Động - Bãi Cháy và ngược lại; không gian du lịch Tây Yên Tử, gắn với “Con đường hoằng dương phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử” (huyện Sơn Động, Lục Nam, Yên Dũng); không gian du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả và chè bản Ven (huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế); không gian du lịch, vui chơi giải trí, kinh tế ban đêm (thành phố Bắc Giang và huyện Việt Yên); không gian du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí gắn với du lịch golf (huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn) và một số huyện khác. Phấn đấu có 01 khu du lịch được công nhận khu du lịch cấp tỉnh, 20 điểm du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
Nghị quyết cũng xác định tập trung xây dựng 4 sản phẩm du lịch chính của tỉnh: Du lịch văn hóa - tâm linh; Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; Du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf); Du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận.
Một trong những điểm nhấn của định hướng phát triển du lịch Bắc Giang là đến năm 2025 sẽ hoàn thành xây dựng Đề án hình thành “Con đường hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”, dự kiến chiều dài khoảng 100km, trải qua địa bàn các huyện: Yên Dũng, Lục Nam, Sơn Động và phục dựng các điểm di tích theo dấu chân Phật hoàng.
Bên cạnh đó, Bắc Giang tập trung liên kết phát triển du lịch, thu hút khách du lịch; tập trung công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, đầu tư du lịch; các giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, tạo điểm nhấn, nét khác biệt của du lịch Bắc Giang đến với du khách trong và ngoài nước...
Để Du lịch tâm linh Bắc Giang cất cánh
Theo PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Tôn giáo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, để có thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới một cách bền vững, cần nghiên cứu, khai thác, nhận diện, phát hiện các giá trị và nguồn lực nhân văn. Cần chú trọng phát huy những giá trị và nguồn lực này bên cạnh những giá trị và nguồn lực tự nhiên – vốn cũng rất phong phú, đa dạng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Bên cạnh việc phát hiện, nhận diện những giá trị và nguồn lực nhân văn mới, cần chú trọng bảo tồn, giữ gìn các giá trị và nguồn lực nhân văn hiện có. Cần có những kế hoạch, quy hoạch bảo tồn, phát huy các giá trị và nguồn lực nhân văn. Cần phục dựng lại những di tích lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời, xây dựng những công trình mới, phù hợp với cảnh quan, không gian lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Cần xây dựng quy hoạch các sản phẩm du lịch, tạo điểm nhấn đối với mỗi loại hình giá trị và nguồn lực nhân văn như giá trị lịch sử, giá trị văn hoá, nguồn lực con người, nguồn lực xã hội….
Để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch của tỉnh Bắc Giang và để đảm bảo chương trình/sản phẩm du lịch đặc biệt khi vận hành đạt kết quả như mong đợi cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Theo PGS.TS. Bùi Thanh Thuỷ, Trưởng Khoa Du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội: Bắc Giang cần chủ động rà soát thực trạng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh.Trên cơ sở khảo sát nhu cầu, tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp cho từng nhóm đối tượng cụ thể, tổ chức các lớp, mời giảng viên, chuyên gia làm du lịch có uy tín bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nghiệp vụ về du lịch, ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho các đối tượng. Đặc biệt, lựa chọn tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về du lịch tại các nước phát triển, mạnh về du lịch; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng, ngoại ngữ, công tác thống kê du lịch cho cán bộ nhân viên trong ngành Du lịch và cho cộng đồng...
“Đối với nguồn nhân lực phục vụ “Con đường hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử”, ngoài việc đào tạo đội ngũ nhân lực phục vụ tại các cơ sở dịch vụ phải đào tạo một đội ngũ hướng dẫn viên và thuyết minh viên chuyên biệt, chất lượng phục vụ trên toàn tuyến và tại các điểm di tích. Đội ngũ này cần được lựa chọn, đào tạo bài bản và chuyên sâu về kiến thức. Ngoài kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ hướng dẫn, thuyết minh du lịch họ phải đạt được là những chuyên gia, tinh thông kiến thức về các vấn đề liên quan đến Phật giáo, các dòng thiền, Thiền phái Trúc Lâm, các vị sư tổ, kiến trúc truyền thống, lịch sử các triều đại” PGS.TS. Bùi Thanh Thuỷ chia sẻ thêm.
Trong những năm gần đây, các trung tâm và tuyến du lịch tâm linh thờ phật phát triển khá mạnh, tuy nhiên nhiều điểm, tuyến du lịch tâm linh mới đón du khách theo kiểu tự phát. Du lịch tâm linh chưa thực sự thu hút các doanh nghiệp tham gia. TS. Trần Hữu Sơn, Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa và du lịch cho rằng, để đẩy mạnh sản phẩm du lịch tâm linh, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, phối hợp với cộng đồng, ban quản lý di tích, các nhà khoa học xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù cho từng loại hình du lịch tâm linh, cho từng điểm và tuyến du lịch tâm linh. Tính đặc thù của các sản phẩm du lịch được phản ánh từ các lễ vật dâng cúng đến các đồ lưu niệm, dịch vụ hướng dẫn, tìm hiểu di tích. Tổng thể hệ thống các dịch vụ cần nghiên cứu mang sắc thái riêng của từng vùng, từng loại hình.
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp du lịch cũng đã hiến kế các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch Bắc Giang, đặc biệt là các sản phẩm du lịch tâm linh Tây Yên Tử. Các đại biểu cho rằng Bắc Giang nên tập trung phát triển khu danh thắng Tây Yên Tử trở thành trung tâm Phật giáo; ứng dụng công nghệ hiện đại tái hiện không gian Phật giáo thời Trần cũng như cả chiều dài phát triển của Phật giáo Việt Nam; khu giảng đạo pháp; khu tu tập thiền cho du khách…; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực du lịch; hình thành các điểm giới thiệu, bán sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tại khu, điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng… Chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh đặc trưng, tạo sự khác biệt trong quần thể di tích danh thắng Yên Tử. Đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ các nhu cầu khác nhau của khách du lịch; nghiên cứu xây dựng “thực cảnh” trong khuôn viên khu du lịch, tạo điểm nhấn thu hút khách. Chủ động phối hợp, liên kết giữa các điểm du lịch trong tỉnh và khu vực nhằm phát triển sản phẩm, làm mới sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách du lịch theo xu hướng mới. Xây dựng các tuyến du lịch kết nối Tây Yên Tử với các điểm đến du lịch khác trong tỉnh; liên kết với các tỉnh, thành phố trong khu vực; nâng cao đời sống cộng đồng địa phương, bảo vệ môi trường tự nhiên sinh thái và các giá trị văn hóa; khai thác thế mạnh ẩm thực để thu hút du khách.
Bên cạnh đó, Bắc Giang cần phát huy việc kết nối với các đơn vị lữ hành để khai thác các sản phẩm du lịch quy mô nhỏ của từng địa phương trong khu vực để tạo thành những sản phẩm có quy mô lớn, khai thác được những tour dài ngày hơn với nhiều loại hình du lịch đa dạng.
Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 thu hút được 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 6.000 lao động.
Nhâm Hiền