Tả Phìn, huyện Sìn Hồ
Tả Phìn là một xã thuộc huyện Sìn Hồ, cách TP. Lai Châu khoảng 65km theo đường tỉnh lộ 129, từ đây có thể đi qua tỉnh Điện Biên hoặc Sơn La. Xã có 2104 người chủ yếu là người Dao áo dài (theo cách gọi của người bản địa là người Dao Khâu). Cùng với sự phát triển của xã hội, những nét đẹp trong sinh hoạt đời thường của cộng đồng người Dao Khâu vẫn được gìn giữ.
Mỗi gia đình người Dao Khâu đều có vài ba bộ trang sức bằng bạc (vòng cổ, vòng tay, vòng tai, hàng cúc bạc, dây xà tích được chạm khắc rồng phượng, chim muông, hoa lá tinh xảo, cầu kỳ). Từ việc cưới xin, cúng lễ, đến ma chay đều có bạc trắng. Bạc trắng trở thành vật gắn kết dòng tộc, xóm giềng.
Có một loại bánh rất đặc trưng không thể thiếu với người Dao Khâu đó là bánh chưng đen. Để làm loại bánh chưng này thì gạo nếp sẽ được nhuộm đen bằng bột của cây Tạ Chiểm già phơi khô đốt thành than, nghiền nhỏ. Khi luộc xong, bánh có màu đen rất đều và đẹp mắt. Bánh chưng đen được mọi người ưa chuộng không chỉ do màu sắc lạ mắt mà còn bởi hương vị thơm ngon của thảo quả.
Nhà ở của người Dao đơn giản nhưng với tổ hợp ba phần toát lên sự kín đáo, tế nhị của người Á Đông. Họ có ba loại nhà: nhà sàn, nhà đất, nhà nửa sàn nửa đất; nhà ở bằng gỗ, tre, nứa rất chắc chắn.
Để khám phá hết nét văn hóa đặc sắc của người dân bản địa không thể bỏ qua dịch vụ tắm thuốc trong thùng gỗ pơ mu chúa đầy nước của hơn 20 vị thuốc nam kiếm từ núi rừng, cho con người cảm giác khoan khoái giãn xương, cốt, mệt mỏi.
Xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu
Bản Hon, huyện Tam Đường
Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) cách thị trấn Tam Đường khoảng 20km, cách TP. Lai Châu khoảng 13km, thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Có khả năng kết nối với các điểm tham quan khác trong khu vực. Bản Hon với 100% đồng bào là người Lự, sống tập trung.
Bản có ưu thế về tài nguyên du lịch nhân văn độc đáo, người dân hiếu khách. Dân bản sống tập trung, cư dân thuần nhất, hầu hết ở nhà sàn truyền thống, mang những nét văn hoá đặc sắc; có nhiều tập quán, còn gìn giữ được (trang phục dân tộc, tập tục sinh hoạt, ẩm thực địa phương, phụ nữ nhuộm răng đen, tự dệt vải may vá, thêu thùa, đan lát..). Cạnh bản có suối Nậm Mu, động Rơi.
Hiện nay, bản đã có các dịch vụ ăn uống, nghỉ trọ, biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian, bán đồ lưu niệm và sản vật địa phương, thuyết minh viên hướng dẫn du khách tham quan bản làng và giới thiệu tập quán sinh hoạt của bà con dân bản...
Bản Hon đã được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là bản du lịch cộng đồng từ năm 2012.
Bản Vàng Pheo, huyện Phong Thổ
Bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ), cách TP. Lai Châu 25km theo quốc lộ 4D thuận lợi cho du khách tham quan, tìm hiểu. Bản Vàng Pheo nằm trên tuyến du lịch Vòng cung Tây Bắc, nằm trên tuyến đường đi Dào San có khu rừng nguyên sinh, suối nước, cầu treo, hang Thẩm Tạo... Bản có gần 100 hộ dân, với hơn 400 nhân khẩu, trong đó 100% là người Thái Trắng, người dân trong bản sống tập trung.
Phần lớn các hộ dân trong bản đều có quan hệ họ hàng với nhau. Tổ chức cộng đồng khá chặt chẽ. Trưởng bản có uy tín với cộng đồng. Cộng đồng thân thiện và có kỹ năng giao tiếp điều này rất thuận lợi cho phát triển du lịch.
Dân bản sinh sống tập trung trên các nhà sàn rộng, có kiến trúc đẹp, mang những nét đặc trưng của người Thái trắng, các hộ gia đình ở đây đã đầu tư xây dựng khu vệ sinh riêng. Bản có nhà văn hóa rộng rãi kiến trúc kiểu nhà sàn truyền thống, sân rộng làm nơi sinh hoạt cộng đồng và làm bãi đỗ xe. An ninh tốt đảm bảo an toàn cho khách tham quan.
Bản Vàng Pheo có các món ăn độc đáo như thịt sấy, cá nướng, lợn cắp nách, rau sắn, rau dớn… Hiện tại, đội ngũ phục vụ ăn uống đã được tập huấn kỹ năng và kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể phục vụ các đoàn khách lớn. Bản Vàng Pheo đã được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là bản du lịch cộng đồng từ năm 2012.
Trong những năm gần đây, xu hướng khách du lịch đến Lai Châu thường lựa chọn loại hình du lịch cộng đồng để khám phá nét văn hóa đặc sắc của người dân bản địa. Nắm bắt thị hiếu này ngành Du lịch Lai Châu đã có những biện pháp khôi phục, bảo tồn các nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Lai Châu để vừa gìn giữ được văn hóa vừa phát huy tốt hơn cho sự nghiệp phát triển du lịch của tỉnh một cách bền vững.
Bài: Lê Quang Minh
Ảnh: Thanh Hiền