Trên cơ sở rà soát đó sẽ sửa đổi bổ sung các quy định của Hiến pháp mà chưa được thể chế để ban hành những văn bản mới đáp ứng được các nhu cầu thực tiễn.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã đưa ra các bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm.
Đề xuất Luật dự phòng và Điều trị nghiện các chất ma túy
Theo ông Lê Đức Hiền - Phó Cục trưởng Cục phòng, chống tệ nạn xã hội - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong vòng 5 năm kể từ sau khi Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy (năm 2008), hệ thống quy định pháp luật về cai nghiện phục hồi đã có sự vận động hết sức tích cực, thúc đẩy việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước ở cả Trung ương và địa phương, trách nhiệm xã hội của rất nhiều chủ thể có liên quan.
Tuy nhiên, qua hơn 5 năm thi hành thì quy định về cai nghiện ma túy đang bộc lộ nhiều hạn chế bất cập. Đó là tình trạng “luật khung” của Luật Phòng chống ma túy và đối với các quy định về cai nghiện phục hồi. Các quy định của Luật không phù hợp với quan điểm, định hướng mới về cai nghiện ma túy đó là coi nghiện ma túy là một bệnh, khuyến khích cai nghiện tự nguyện, tăng cường cai nghiện tại cộng đồng.
Bên cạnh đó còn nhiều bất cập trong các quy định về quản lý sau cai, chính sách đầu tư cho cai nghiện tại Trung tâm và cai nghiện tại cộng đồng; sự không đồng bộ giữa các quy định về cai nghiện ma túy trong Luật Phòng, chống ma túy và Luật xử lý vi phạm hành chính…
Trước tình hình đó, cần thiết phải xây dựng một đạo luật độc lập nhằm điều chỉnh thống nhất, toàn diện các quan hệ pháp luật phát sinh trước, trong và sau quá trình tổ chức điều trị nghiện ma túy. Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đề xuất dự luật mang tên “Luật dự phòng và Điều trị nghiện các chất ma túy” với một số quan điểm như cai nghiện bắt buộc chỉ áp dụng đối với người thành niên, có hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và việc vi phạm pháp luật đó như là môt hậu quả của nghiện ma túy; xem xét quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc thuộc thẩm quyền của toà án…
Về vấn đề ma túy, theo ông Hoàng Anh Tuyên - Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy - Bộ Công An, các vấn đề liên quan đến ma túy không được quy định rõ trong Hiến pháp 2013 như các Hiến pháp trước đây. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các quy định của Luật Phòng, chống ma túy và Luật hình sự hiện hành không trái với Hiến pháp 2013 và phù hợp với thực tiễn của công tác phòng, chống ma túy hiện nay.
Về vấn đề mại dâm, theo đại diện Cục phòng, chống tệ nạn xã hội, các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm còn một số hạn chế bất cập như quy định về môi giới mại dâm, tội mua dâm người chưa thành niên còn hẹp, chưa giải quyết được những phát sinh hiện nay. Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm pháp luật về mại dâm chưa được quy định tại Bộ Luật Hình sự.
Phát biểu kết luận cuộc họp, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề của xã hội của Quốc hội yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại toàn bộ các văn bản luật, văn bản dưới luật. Trong đó chú trọng vào các vấn đề như quan trọng như cai nghiện bắt buộc với trẻ chưa thành niên; quản lý sau cai nghiện tại địa bàn, tại Trung tâm; làm rõ khái niệm về nghiện ma túy, phân hóa chính sách… sao cho đảm bảo thế chế hoá Hiến pháp một cách tốt nhất.
Nhật Thy