Coi nghiện ma túy là một loại bệnh
Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy tại Việt Nam đến năm 2020 được xây dựng trên quan điểm nghiện ma túy là một bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ. Chính vì vậy, điều trị nghiện ma túy (điều trị nghiện) là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép.
Bên cạnh đó, thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện bao gồm điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và điều trị nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động – Xã hội (Trung tâm). Tăng dần điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, giảm dần điều trị nghiện bắt buộc tại các Trung tâm với lộ trình phù hợp.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2015 là nâng tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý từ 35% (tương đương 63.000 người/180.783 người) hiện nay lên 70% vào năm 2015, trong đó giảm tỷ lệ điều trị bắt buộc tại Trung tâm từ 63% xuống còn 20%. Mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ này sẽ xuống còn 6%.
Phát triển các cơ sở điều trị nghiện tự nguyện
Theo nội dung Đề án, các Trung tâm trên cả nước dự kiến sẽ từng bước được chuyển đổi thành các cơ sở điều trị tự nguyện, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác cai nghiện trong giai đoạn mới.
Đối với Trung tâm có quy mô dưới 200 đối tượng, thuộc các tỉnh có nhiều Trung tâm và thường xuyên có số người cai nghiện dưới 50% so với công suất, sẽ được chuyển đổi hoàn toàn sang mô hình Cơ sở điều trị tự nguyện. Đối với những Trung tâm có quy mô đối tượng lớn hơn nếu có điều kiện thuận lợi thì chuyển đổi toàn bộ hoặc một phần sang cơ sở điều trị nghiện tự nguyện.
Đến năm 2015, sẽ có 80 Trung tâm trên cả nước được thí điểm chuyển thành cơ sở điều trị nghiện tự nguyện, trong đó có 40 Trung tâm chuyển đổi hoàn toàn và 40 Trung tâm chuyển một phần. Giai đoạn 2016 - 2020, các Trung tâm thí điểm chuyển đổi được hoàn thiện và đi vào hoạt động với đầy đủ chức năng của cơ sở điều trị nghiện tự nguyện.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mô hình các Trung tâm, các cơ sở điều trị nghiện thay thế, các cơ sở điều trị nghiện tự nguyện, các cơ sở Y tế (Trung tâm y tế huyện, khoa, bệnh viện tâm thần), các cơ sở hỗ trợ xã hội cũng sẽ được tiến hành rà soát để quy hoạch cải tạo, nâng cấp thành cơ sở điều trị nghiện tự nguyện. Dự kiến đến năm 2020, sẽ có 140 cơ sở điều trị thay thế được nâng cấp thành cơ sở điều trị nghiện tự nguyện.
Những cơ sở cai nghiện dân lập cũng sẽ được nâng cấp, phát triển thành cơ sở điều trị nghiện tự nguyện dân lập. Đến năm 2020, sẽ thành lập 30 cơ sở điều trị nghiện dân lập.
Hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng
Với mục tiêu huy động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện nâng cao nhận thức, tuân thủ việc điều trị lâu dài tại cộng đồng, đến năm 2015 sẽ thành lập 500 điểm cấp phát thuốc điều trị thay thế tại các xã, phường, thị trấn trọng điểm về nghiện ma túy, trong đó lựa chọn 200 điểm để thực hiện thí điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị cho người nghiện. Giai đoạn 2016 - 2020 sẽ thành lập 900 điểm như vậy tại các xã phường có trên 100 người nghiện.
Nhiệm vụ của các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng là tư vấn, giúp người nghiện lựa chọn phương pháp điều trị nghiện thích hợp; tư vấn và hỗ trợ giúp người nghiện tuân thủ điều trị.
Ngoài các biện pháp điều trị nghiện, Đề án cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020, 70% người nghiện hòa nhập cộng đồng sẽ có việc làm.
Nhật Thy