Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (được Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XII thông qua) có thể coi người nghiện ma túy là người bệnh, đồng thời cũng là người có hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, trước hết cần động viên, khuyến khích người nghiện tự nguyện đi cai với các hình thức cai tự nguyện khác nhau. Khi họ đi cai tự nguyện, luật pháp không coi họ là đối tượng bị xử lý hành chính. Nếu họ không tự nguyện, cần áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính cai nghiện bắt buộc tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội.
Nghiện ma túy là một loại “bệnh” đặc biệt bởi vì người nghiện bị lệ thuộc cả về sinh lý, tâm lý và cơ thể vào ma túy. Đồng thời, người nghiện có những sai lệch về nhận thức, hành vi và nhân cách.
Công tác cai nghiện và phục hồi là đồng thời chữa trị cả 2 loại bệnh: xử lý sự ngộ độc mãn tính bằng các biện pháp y tế; giải quyết những vấn đề về tâm lý, nhận thức, hành vi, nhân cách bằng các biện pháp giáo dục, tư vấn, tâm lý trị liệu và rèn luyện phục hồi sức khoẻ, năng lực lao động, sửa đổi hành vi và nhân cách. Vì thế, cai nghiện ma túy phải là một quy trình áp dụng tổng hợp các phương pháp, biện pháp đảm bảo xử lý đồng bộ cả về y tế, pháp luật và xã hội nhằm phục hồi và trợ giúp cho người nghiện từ bỏ được ma túy, rời bỏ con đường lầm lỗi trở lại thành người bình thường.
Cai nghiện và phục hồi là một quy trình đồng bộ, chặt chẽ và liên tục với các hoạt động đa dạng, tổng hợp được tiến hành tại trung tâm như: cắt cơn giải độc, phục hồi sức khoẻ; giáo dục, phục hồi hành vi nhân cách; tư vấn, tâm lý trị liệu; dạy nghề hướng nghiệp; tổ chức lao động sản xuất; sinh hoạt văn hóa, thể thao... Trong đó, giữ vai trò ý nghĩa quyết định kết quả công tác cai nghiện là khâu quản lý, giám sát, giúp đỡ người nghiện sau cai lâu dài tại cộng đồng.
Công tác cai nghiện và phục hồi chỉ mang lại hiệu quả cao khi áp dụng đầy đủ, nghiêm ngặt qui trình cai nghiện, phục hồi đi đôi với lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, địa bàn và đất nước. Đồng thời, tăng cường và mở rộng công tác xã hội hóa và đa dạng hóa lĩnh vực công tác cai nghiện và phục hồi, huy động cao độ nguồn lực từ xã hội nói chung, mỗi gia đình nói riêng và rộng hơn là sức mạnh tổng hợp từ hệ thống chính trị - xã hội của đất nước.
A.T