![](/FileManager/uploads/images/Nam2012/11-2012/NQToan.jpg) |
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Phước Nguyễn Quang Toản |
* Việc quy hoạch các dự án du lịch Bình Phước hiện nay như thế nào thưa ông?
Tài nguyên du lịch tỉnh Bình Phước tương đối phong phú, đa dạng, có thể kể đến du lịch như hệ sinh thái rừng nguyên sinh, hệ thống thác, hồ nước, các di tích lịch sử - văn hóa, các di tích lịch sử cách mạng, các lễ hội, các không gian văn hóa dân tộc thiểu số… Đặc biệt, Bình Phước có 240km đường biên giới với Campuchia, có ba cửa khẩu lớn của khu vực là của khẩu Hoa Lư, cửa khẩu Tà Vát và cửa khẩu Hoàng Diệu… Tất cả các yếu tố trên là điều kiện thuận lợi để phát triển thành các khu, điểm du lịch thu hút du khách, mang đặc trưng của Bình Phước với hững loại hình du lịch hấp dẫn như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch thương mại cửa khẩu…
Việc quy hoạch phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước đến năm 2020 và định hướng đến 2025 được UBND tỉnh phê duyệt ngày 9/8/2012 có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở cho công tác quản lý Nhà nước về du lịch, lập quy hoạch dự án và kêu gọi đầu tư vào các khu, điểm du lịch trên địa bàn cụ thể cho từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong giai đoạn hội nhập, phát triển.
Tỉnh Bình Phước đang tập trung giới thiệu tiềm năng và kêu gọi thu hút đầu tư vào 6 dự án du lịch trọng điểm: khu vui chơi giải trí tổng hợp hồ Suối Cam, khu du lịch sinh thái Bà Rá – Thác Mơ, khu căn cứ quân uỷ bộ chỉ huy miền (B2) Tà Thiết, khu bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số sóc Bom Bo, khu du lịch sinh thái vườn quốc gia Bù Gia Mập, khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí tại cửa khẩu Hoa Lư.
* Xin ông cho biết địa phương tạo điều kiện như thế nào cho các nhà đầu tư du lịch?
Nhằm đẩy mạnh việc thu hút các nhà đầu tư đến với Bình Phước, trên cơ sở các qui định chung và lợi thế của địa phương, tỉnh đã ban hành những chính sách ưu đãi đầu tư và không ngừng cải cách thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư tại Bình Phước. Theo đó, các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch Bình Phước được nhiều ưu đãi về sử dụng đất, thuế và các đãi ngộ khác. Các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh hầu hết đã được xây dựng quy hoạch chi tiết, xây dựng phương án tổng thể thu hồi đất và sớm giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch mời gọi đầu tư.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả đầu tư, tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án và có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, kịp thời.
* Khi các dự án được đầu tư, bài toán nguồn nhân lực sẽ được giải quyết như thế nào?
Xác định nguồn nhân lực du lịch là một trong những yếu tố trực tiếp quyết định chất lượng dịch vụ du lịch, thời gian qua, gắn với nhu cầu thực tế, ngành đã phối hợp với các trường nghiệp vụ tại TP. Hồ Chí Minh thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trực tiếp nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ nhân lực du lịch.
Thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Đề án thành lập Trường Nghiệp vụ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng lực lượng nhân sự đang làm việc liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh. Đây là việc làm cần thiết, có tính chiến lược phát triển lâu dài của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Phước.
* Ông có thể cho biết thêm về chiến lược dài hạn cho việc phát triển Du lịch Bình Phước?
Về sản phẩm du lịch: tạo được nhiều tour, tuyến du lịch mới, đặc sắc có sự liên vùng, khu vực, bên cạnh đó khôi phục các làng nghề truyền thống. Xây dựng không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sắc, đặc biệt của tỉnh.
Về thị trường: nghiên cứu thị trường du lịch trọng điểm, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch sang thị trường tiềm năng, xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch.
Về đầu tư: thu hút đầu tư trên cơ sở nêu rõ các điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư, phân rõ tính năng, lợi ích của từng loại hình đầu tư và sẽ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan.
Về giữ gìn tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch, môi trường du lịch tự nhiên và nhân văn: phân loại tài nguyên du lịch để có cách hoạch định và thu hút đầu tư, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dự án đầu tư tới các di tích lịch sử, thắng cảnh thiên nhiên, văn hóa. Tập trung, liên kết, phát triển đúng hướng để không đánh mất giá trị đích thực của tài nguyên du lịch.
* Xin cảm ơn ông Nguyễn Quang Toản.
Nguyễn Chương (thực hiện)