Nhạc sỹ Phó Đức Phương
Thứ hai, 10/07/2006 | 10:03 GMT+7 Đó là tên gọi mà nhiều người muốn dành tặng khi nói về nhạc sỹ Phó Đức Phương, bởi cảm hứng về sông nước đã khơi nguồn cho nhiều sáng tạo của ông.
Tôi là đứa trẻ đang hoàn thiện mình
Nhiều người cho rằng trong các sáng tác của ông thường “vắng bóng” tình yêu nam nữ?
Có tình yêu nam nữ chứ, chỉ có điều là tôi thường đặt nó vào những trạng thái, tình huống điển hình. Là tình ca đấy nhưng là tình ca đầy ẩn ức. Những tiếng ơ hời trong “Huyền thoại hồ núi Cốc” là sự chia sẻ mênh mang với những nỗi đau trong chuyện tình đã hóa sông, hóa núi của chàng Công, nàng Cốc. “Chảy đi sông ơi” là nỗi niềm của kẻ si tình đã trót gieo mình vào dòng sông tình cảm mãnh liệt mà thấy sông cũng như ngưng đọng. Có nỗi đau nào thăm thẳm và trớ trêu hơn khi tình yêu bước tới nơi tinh khiết của cõi thiền, bàng bạc sương khói như “Trên đỉnh phù vân”.
Người nghe có cảm giác như có yếu tố tâm linh, siêu thực bảng lảng trong nhiều bài hát của ông?
Khi viết những ca khúc như “Rừng thiêng muôn thuở”, “Phong Châu mở hội”, “Mái chèo thiên thu”... tôi có cảm giác mình đang giao cảm, tiếp cận một miền tâm thức, một không gian tâm tưởng, ở đó có thể giao hòa với người xưa, có thể ngưỡng vọng những danh nhân, những nhân cách quá lớn mà đôi khi nghĩ về họ ta cảm thấy mình cần phải gột rửa:���Ta lội dòng xưa gột sạch bùn nhơ, khỏa mái chèo thiên thu”... Còn “Trên đỉnh phù vân”, “Một thoáng Tây Hồ” lại là một thứ tâm linh bảng lảng, bàng bạc như sương khói cửa thiền.
Ông nghĩ sao khi nhiều người cho rằng Phó Đức Phương là một nhạc sỹ thuần Việt?
Nhận xét này thực sự đã khiến tôi tâm đắc. “Thuần Việt” là một định ngữ, một tính từ rộng, thể hiện một sự thuần chủng, không pha tạp... nói chung đó là một nhận định sát.
Âm nhạc Phó Đức Phương đã được bàn nhiều, còn đặc trưng lớn nhất trong con người ông là gì vậy?
Tôi là một đứa trẻ đang hoàn thiện mình. Trước đây tôi là một người sống hướng nội, do không quen, không thích nên trở thành vụng về trong giao lưu, gặp gỡ.... Sống rụt rè, e dè, hay băn khoăn, cả nghĩ, cả lo. Thế nhưng đến giờ G (làm quản lý ), công việc mới buộc tôi phải giao du, tiếp cận, phải tranh thủ, phải giải trình, phải va chạm... toàn là những cái ngược với cá tính ngày xưa.
Gác bút đi đòi nợ
Nhiều người hâm mộ thắc mắc tại sao ông lại ngừng sáng tác để chuyển sang “đi đòi nợ” trong một thời điểm có thể nói là đang sung sức?
Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc là một công việc khó khăn vô kể, có nhiều trạng thái. Nó hội tụ nhiều yếu tố của người sáng tác: sự nhạy cảm, sáng tạo, một chút lãng mạn, niềm tin, sự dũng cảm và hy sinh.
Tôi là một trong số những nghệ sỹ lao động phải nói là khổ ải, dành toàn tâm toàn lực cho công việc nên tôi dễ chia sẻ, thấm thía nỗi đau của việc bị vi phạm bản quyền.
Tôi cũng may mắn được Cục Bản quyền - Bộ Văn hóa Thông tin tạo điều kiện tham gia các hội nghị bàn về bản quyền trong nước và quốc tế nên có một sự giác ngộ nhất định vấn đề này.
Tính đến thời điểm này, trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã “đòi” được quyền lợi cho bao nhiêu nhạc sỹ?
Tôi không thống kê, cũng không nhớ con số chính xác. Thế nhưng sau khoảng 4 năm “đi đòi nợ” như báo chí nói, trung tâm đã “đòi” được về cho anh em nhạc sỹ hơn 2 tỉ. Con số này mới chỉ là một 1% trong 99% rơi vãi. Song có được 1% ấy cũng khó khăn lắm vì trước đây tác quyền là một điều còn rất mơ hồ.
Vậy khi nào thì ông quay lại sáng tác?
Có lẽ là chỉ vài năm nữa thôi. Tôi muốn dồn sức vào công việc mới. Tuy nhiên, không hiểu sao thời gian này bận bịu như vậy mà tôi vẫn có thể tranh thủ học piano!?!
NGUYỄN HÙNG