Xây dựng Bộ Tiêu chí môi trường văn hoá tại các điểm du lịch cộng đồng ở Việt Nam
Thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) giao Tổng cục Du lịch thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa gắn với phát triển bền vững tại các điểm du lịch cộng đồng". Đây là một trong 17 đề tài nhánh trong Chương trình “Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2026.
Tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu cho biết, văn hóa và môi trường văn hóa đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch và đang tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Văn hóa vừa tạo ra sản phẩm cho khách du lịch trải nghiệm, vừa tạo ra môi trường cho hoạt động du lịch phát triển một cách bền vững.
Đối với hoạt động du lịch cộng đồng, đây là hoạt động du lịch diễn ra tại cộng đồng, có sự tham gia của cộng đồng và sản phẩm du lịch được tạo ra từ các giá trị của cộng đồng như bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, ẩm thực, lối sống của cộng đồng cũng như các giá trị khác về cảnh quan thiên nhiên, các điều kiện tự nhiên xung quanh khu vực cộng đồng sinh sống. Do đó, việc nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng ở Việt Nam là rất cần thiết.
Trình bày tại hội thảo, chủ nhiệm đề tài TS. Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch chia sẻ, xây dựng môi trường văn hoá tại các điểm du lịch cộng đồng là một trong những nội dung được triển khai đầu tiên trong Chương trình với yêu cầu về sản phẩm là Bộ Tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng (Bộ Tiêu chí). Đây cũng là yêu cầu đặt ra trong bối cảnh các địa phương, các điểm đến du lịch cộng đồng đang phát triển và khai thác các giá trị của văn hóa và môi trường văn hóa tại địa phương theo các mô hình và cách tiếp cận khác nhau.
Bộ Tiêu chí được xây dựng gồm 5 nhóm với 51 tiêu chí gồm: Nhóm tiêu chí về xây dựng các thiết chế, cảnh quan văn hoá (1); Nhóm tiêu chí bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống (2); Nhóm tiêu chí xây dựng các giá trị, chuẩn mực về đạo đức, lối sống (3); Nhóm tiêu chí phát triển sản phẩm và dịch vụ văn hoá (4); Nhóm các tiêu chí đặc thù của du lịch (5).
Để hoàn thiện Bộ Tiêu chí, TS. Nguyễn Văn Lưu, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Du lịch cho rằng, nghiên cứu được thể hiện cô đọng, khái quát được các nội dung cần có đối với việc nghiên cứu Bộ tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng ở Việt Nam. Tuy vậy, để hoàn chỉnh hơn, cần thể hiện Bộ Tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng như định dạng Bộ Tiêu chí theo quy định hiện hành trong một bảng với các nhóm tiêu chí, mỗi nhóm có các tiêu chí cụ thể như đã nêu.
Trong đó nên định rõ tỷ lệ của các nhóm tiêu chí và từng tiêu chí cụ thể theo thang 100 điểm. Trên cơ sở các trọng số trong Bảng Tiêu chí về môi trường văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng ở Việt Nam, nên có hướng dẫn về đánh giá môi trường văn hóa và việc xây dựng môi trường văn hóa du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng ở Việt Nam theo các mức: Rất tốt từ 90 đến 100; Tốt 70 đến 89; Trung bình (Đạt yêu cầu): 50 -69; Kém: 40 đến 49; Rất kém: Dưới 40.
Về thực trạng và kinh nghiệm xây dựng môi trường văn hoá ở một số địa phương, ThS. Lê Thị Tố Quyên, Đại học Cần Thơ chia sẻ, với các giá trị văn hóa của địa phương và bản sắc văn hóa đặc sắc của người Chăm có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và nâng cao vị trí vai trò của phụ nữ trong cộng đồng, giúp cải thiện kinh tế và thu nhập.
Trong đó, ThS. Lê Thị Tố Quyên đã đưa ra một số vấn đề mà chính quyền địa phương cần quan tâm như: bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm; trau dồi và nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là người phụ nữ về những giá trị truyền thống văn hóa; đào tạo nhóm các hướng dẫn viên tại điểm, ưu tiên phụ nữ để người phụ nữ được trực tiếp tham gia du lịch cộng đồng tại địa phương, trực tiếp tiếp xúc trao đổi với khách du lịch, và truyền tải chân thật hơn những giá trị văn hóa tại địa phương đến khách du lịch...
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và các địa phương để xây dựng Bộ Tiêu chí, trong đó tập trung vào hình thức và cấu trúc thể hiện Bộ tiêu chí; các nhóm tiêu chí và các nội dung cụ thể của các tiêu chí trong nhóm; các bài học, kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng môi trường văn hóa tại các điểm đến du lịch cộng đồng đang triển khai để bổ sung, hoàn thiện thêm vào dự thảo Bộ tiêu chí của nhóm nghiên cứu; các giải pháp nhằm triển khai, áp dụng Bộ tiêu chí trong thực tiễn.
Thảo Anh