Sức hấp dẫn của biển Cà Mau
Cà Mau có các cụm hòn và đảo ven biển có giá trị phục vụ hoạt động du lịch như cụm hòn Đá Bạc, hòn Chuối và cụm đảo hòn Khoai.
Hòn Đá Bạc là một hòn đảo gần bờ được khai thác và phục vụ cho mục đích du lịch thường xuyên. Hệ thống giao thông đường bộ đến Hòn Đá Bạc tương đối thuận lợi, từ TP. Cà Mau đến đó khoảng 40km. Và để thuận tiện hơn cho việc lưu thông ra đến tận nơi, các nhà đầu tư đã xây thêm nhịp cầu nối đất liền với điểm du lịch. Tài nguyên du lịch ở đây đang được khai thác song song với việc bảo vệ môi trường. Tại bãi bắt hàu, hòn Ông Ngộ, hòn Đá Lẻ,…các doanh nghiệp đã xây dựng những con đường, bậc thang để khách du lịch dễ dàng đi lại. Cùng với đó, nhiều hoạt động giải trí như câu cá, bắt hàu, bắt cua, leo núi,… và hàng loạt công trình nhân văn được xây dựng và đưa vào phục vụ khách như nhà tưởng niệm Bác Hồ, bảo tàng chuyên án CM12, lăng Ông Nam Hải, tượng Phật trên vách núi, tượng rồng khổng lồ uốn lượn trên hòn, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Đảo Hòn Chuối và cụm đảo hòn Khoai cũng là một điểm du lịch lý tưởng. Hòn Khoai có những bãi biển thơ mộng; những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn với hơn 1000 loài động vật và thực vật quý hiếm cư ngụ; có ngọn hải đăng quanh năm thắp sáng biển cao 15,7m, từ đây có thể phóng tầm mắt về mũi đất Cà Mau đang dần dần lấn biển... Khách du lịch đến với các đảo này sẽ được ở và ăn tại nhà dân, mua hải sản tươi sống về làm quà. UBND tỉnh Cà Mau đã quy hoạch phát triển cụm đảo hòn Khoai thành một trong những khu, điểm du lịch nổi bật của tỉnh Cà Mau.
Bãi biển Khai Long cách khu du lịch vườn quốc gia Đất Mũi khoảng 18km, có vẻ đẹp hoang sơ, khắp bốn bề được bao bọc bởi hệ sinh thái rừng ngập mặn, được khai thác để đưa vào phục vụ cho hoạt động du lịch như tắm biển, ngắm mặt trời trên biển, các trò chơi trên biển. Với mong muốn sản phẩm du lịch không bị đơn điệu, người dân tận dụng lợi thế là vùng đất màu mỡ, quanh năm phù sa bồi tụ để phát triển các vườn cây ăn trái tuy không thật sự xum xuê nhưng cũng đáp ứng được nhu cầu tham quan kết hợp và phục vụ tại chỗ cho khách du lịch.
Bên cạnh đó, một số bãi tắm đẹp trên đảo hòn Khoai, hòn Chuối cũng là một tiềm năng lớn để khai thác cho hoạt động tắm biển. Các bãi tắm này đang nằm trong dự án quy hoạch phát triển cụm đảo Hòn Khoai của UBND tỉnh Cà Mau.
Rừng ngập mặn cũng là một trong những lợi thế để Cà Mau phát triển du lịch biển và là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, đặc biệt là những hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển như rừng quốc gia Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển) và lâm ngư trường 184 (huyện Năm Căn). Hai khu rừng ngập mặn ven biển là hai trong số 9 khu rừng ở Việt Nam được đề xuất ưu tiên đề xuất và quản lý bảo vệ trong tương lai.
Hiện tại, hai khu rừng này được khai thác, đầu tư và phát triển mạnh mẽ về du lịch. Hàng năm có hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan, thám hiểm, nghỉ dưỡng, khám phá và trải nghiệm cảm giác hòa mình vào thiên nhiên hoang dã của rừng đước Cà Mau. Theo đánh giá của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cả hai khu rừng này có giá trị rất lớn trong việc duy trì và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, đang và sẽ được khai thác để đưa vào trong hoạt động du lịch. Năm 2013, vườn quốc gia Mũi Cà Mau được công nhận là khu Ramsar thứ 2088 của thế giới và thứ 5 của Việt Nam.
Khai thác, đầu tư đúng hướng
Trong quá trình phát triển, Du lịch Cà Mau nhận được sự ủng hộ và quan tâm của nhân dân và chính quyền địa phương. Nhân dân Cà Mau cùng chung tay phát triển du lịch tạo điều kiện cho du lịch biển ở đây ngày càng khởi sắc. Đó là lý do vì sao khi tác giả bài viết này thực hiện cuộc khảo sát trên 200 khách du lịch đến Cà Mau với câu hỏi "Cà Mau có điều kiện để phát triển du lịch biển” thì nhận được kết quả: 107 người đồng ý, 51 người hoàn toàn đồng ý, chỉ có 42 người phân vân.
Tuy nhiên, để Du lịch Cà Mau thực sự phát triển, cần nhìn rõ những hạn chế, vướng mắc để từ đó đưa ra được những giải pháp hợp lý và kịp thời. Có thể kể ra một số hạn chế sau:
Thiếu lao động chuyên môn
Ngay tại các điểm du lịch trọng điểm như mũi Cà Mau và điểm du lịch hòn Đá Bạc, muốn tìm được những lao động chuyên môn cũng không phải dễ. Khi hỏi một số nhà hàng, khách sạn tại các điểm du lịch trên họ điều nói rằng: đa phần họ là những lao động thời vụ không qua đào tạo. Số lượng lao động chuyên môn chỉ tập trung vào những nhà hàng, khách sạn hạng sang tại trung tâm TP. Cà Mau. Cho nên có thể nói việc tìm kiếm lao động có tay nghề đang là một trong những vấn đề trăn trở của du lịch biển Cà Mau.
Thiếu đầu tư đồng bộ
Việc đầu tư tạo ra sản phẩm du lịch mới gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn thu hút đầu tư vào du lịch còn nhiều hạn chế. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch triển khai thực hiện chậm so với tiến độ yêu cầu; hoặc đầu tư xây dựng sau một thời gian xuống cấp thì bỏ dở, không sửa chữa. Nhiều nhà hàng, khách sạn trên mũi Cà Mau bị bỏ trống do không đáp ứng được yêu cầu của khách dần dà bị bỏ quên.
Hệ thống giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng yếu kém
Theo điều tra, khảo sát ý kiến trên 200 khách du lịch đến du lịch tại các điểm du lịch ở Cà Mau với câu hỏi “Nếu được đề xuất ý kiến, bạn sẽ đề xuất điều gì để đóng góp cho sự phát triển của loại hình du lịch biển ở Cà Mau?”, có 45 người đề xuất, trong đó hết 24 người đề xuất với nội dung là cần đầu tư và xây dựng hệ thống giao thông đường bộ đến tận các điểm du lịch. Bởi vì thực trạng cho thấy, khách du lịch muốn đến Mũi Cà Mau phải qua nhiều tuyến đường sông, lại chưa kể đến những ngày cao điểm phải chịu cảnh nhồi nhét trên ca nô.
Kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế, việc nối tour, tuyến từ các điểm tham quan chưa thực hiện tốt, do vậy tác động rất lớn đối với hoạt động du lịch nói chung và xây dựng sản phẩm du lịch mới nói riêng.
Các cơ sở lưu trú tại các điểm du lịch còn quá ít, số phòng không đủ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch hạn chế quá trình lưu lại và tiêu tiền cho hoạt động du lịch.
Các sản phẩm về du lịch biển chưa đa dạng, chưa thật sự phong phú, sức cạnh tranh thấp. Các sản phẩm về hàng hóa dịch vụ tại các điểm du lịch biển còn nghèo nàn, chất lượng chưa thật sự cao, chỉ tạo ra hứng thú nhất thời cho khách du lịch. Hiện tại chỉ đa phần tổ chức những tour ngắn ngày, không có sự kết hợp giữa các điểm du lịch với nhau, tài nguyên du lịch thì đa dạng nhưng chưa được tận dụng đến mức tối đa…
Du lịch biển Cà Mau sẽ không ngừng chuyển biến tích cực nếu ngành Du lịch tỉnh chú trọng khai thác và đầu tư phát triển du lịch đi đôi với phát triển bền vững.
Dương Kim Chuyển
(Tạp chí Du lịch)