Tham dự Lễ khai mạc có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh Ủy tỉnh Bình Thuận… cùng các đại biểu ban, ngành địa phương, Trung ương. Đại biểu đại diện các cơ quan quốc tế tại Việt Nam, các doanh nghiệp và hàng nghìn người dân và du khách đã tham dự chương trình.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng nhấn mạnh, chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” thể hiện tinh thần quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch xanh và bền vững của ngành du lịch Việt Nam. Đồng thời còn hội tụ nhiều nền văn hóa đặc trưng, sự hội tụ của đất trời và lòng người trên vùng đất Bình Thuận làm say lòng du khách. Các hoạt động trong năm du lịch quốc gia nhằm hướng tới sản phẩm xanh, năng lượng sạch, tạo ra môi trường thân thiện và an toàn đến sức khỏe, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hướng đến một nền tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Với lợi thế đường bờ biển dài 192 km, có đảo Phú Quý, khu du lịch quốc gia Mũi Né, nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đa dạng, môi trường tự nhiên thuận lợi, Bình Thuận hội tụ đủ yếu tố để phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, tham quan dã ngoại, du lịch thể thao giải trí trên biển, trên đồi cát, du lịch mạo hiểm, thám hiểm thực vật dưới biển, du lịch văn hóa, lễ hội truyền thống đặc sắc. Bình Thuận còn rất “giàu có” tài nguyên du lịch nhân văn với nhiều di tích lịch sử - văn hóa và lễ hội truyền thống cấp quốc gia và cấp tỉnh, tạo thuận lợi cho ngành du lịch tổ chức các hoạt động đa dạng, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Bình Thuận cũng đã và đang hoàn thiện hệ thống giao thông đối ngoại, giao thông kết nối các trọng điểm du lịch của tỉnh.
Chủ tịch tỉnh Bình Thuận còn cho biết, trong quá trình phát triển du lịch, Bình Thuận đã biến những đặc trưng khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương thành lợi thế phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nghỉ dưỡng, du lịch golf… Đưa Phan Thiết trở thành điểm đến du lịch MICE hàng đầu thế giới. Việc Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2023 với hơn 200 sự kiện diễn ra sôi động, xuyên suốt, mở ra cơ hội để địa phương quảng bá và giới thiệu hình ảnh, con người, xã hội, văn hoá và thiên nhiên độc đáo, đa màu sắc; thông qua đó chứng minh tiềm năng trở thành địa phương trọng tâm phát triển kinh tế toàn quốc với ngành du lịch đang chuyển mình mạnh mẽ. Góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước nói chung, tỉnh Bình Thuận nói riêng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, trong những năm qua cùng với sự tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, Du lịch Việt Nam đã từng bước có sự phát triển vượt bậc và trở thành ngành kinh tế quan trọng của nền kinh tế nước nhà; đồng thời du lịch Việt Nam đã thực sự trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới, được cộng đồng quốc tế công nhận với nhiều giải thưởng du lịch hàng đầu thế giới. Năm Du lịch Quốc gia lmột chuỗi sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội và du lịch tiêu biểu quy mô quốc gia và tầm quốc tế, được luân phiên tổ chức từ năm 2003 đến nay. Đây là dịp quan trọng để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hoá độc đáo, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của đất nước, nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam; tăng cường liên kết vùng, tạo sự phát triển đột phá, thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch, phát triển hạ tầng kỹ thuật du lịch, tạo sự ổn định về mặt an sinh xã hội.
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, với chủ đề hết sức ý nghĩa “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, khẳng định không chỉ phát triển du lịch đơn thuần, mà xa hơn là phát triển du lịch “xanh”, du lịch bền vững. Qua đó, khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng là phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Tận dụng “nội lực” này, Bình Thuận sẽ biến bất lợi về thời tiết thiên nhiên khô khan - nắng gió thành thương hiệu của riêng mình “biển xanh - cát trắng - nắng vàng” trong suốt chiều dài phát triển. Và, chúng ta cũng sẽ tiếp tục kiên định với những giá trị bền vững mà nhiều năm qua đất nước Việt Nam, Du lịch Việt Nam đã tạo dựng và xác lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế. Đó là thông điệp“Việt Nam - đất nước an toàn” và hình ảnh "Việt Nam - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn", “Một Việt Nam thân thiện, hòa bình, hợp tác và hiếu khách”. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị ngành du lịch cần chú trọng làm tốt, làm hay hơn nữa công tác thông tin, truyền thông - quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới bằng nhiều hình thức khác nhau; thực hiện hiệu quả phương châm “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”. Tập trung giới thiệu những địa danh nổi tiếng, những nét đặc trưng riêng có của thiên nhiên, văn hóa, con người Việt Nam, tạo nên sức hấp dẫn, độc đáo nhằm nâng cao tính cạnh tranh.
Thay mặt Ban chỉ đạo Năm Du lịch quốc gia 2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang. Ông Hùng khẳng định sẽ cụ thể hóa vào các chiến lược, kế hoạch hành động của ngành, bám sát phương châm “doanh nghiệp và người dân là chủ thể, khách du lịch là trung tâm, sản phẩm và hạ tầng là nền tảng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực”.
“Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ý thức sâu sắc và đầy đủ rằng, để hiện thực hoá các quan điểm, mục tiêu Nghị quyết 08-NQ/TW, trên cơ sở bám sát chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và những giải pháp nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch đã thực hiện vừa qua, trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2023, Ngành Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương nêu cao tinh thần “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” để chung tay xây dựng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, trong đó tập trung cơ cấu lại thị trường du lịch; chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam gắn với “phát triển xanh, bền vững và lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”; huy động tối đa nguồn lực xã hội, sự chuyên nghiệp của các tập đoàn lớn về du lịch để cùng nhau giới thiệu, quảng bá hình ảnh về một “Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hoà, mến khách, hội nhập và phát triển” đến với nhiều du khách tại các thị trường trọng điểm trên thế giới”, ông Hùng phát biểu.
Tại lễ khai mạc diễn ra chương trình nghệ thuật với chủ đề “ Bình Thuận - Hội tụ xanh”, thể hiện sự quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch xanh và bền vững của ngành du lịch Việt Nam. Công chúng được chứng kiến chương trình nghệ thuật với sự tham gia của gần 600 diễn viên. Những tiết mục múa đại cảnh và múa đương đại mở màn lần lượt tái hiện bề dày lịch sử hơn 300 năm, hình thành nên những nét văn hóa lâu đời của Bình Thuận. Đồng thời thông qua các thủ pháp sân khấu, chương trình đưa người xem đến với cuộc sống cư dân làng chài cùng sự kỳ vỹ của biển cả, kết nối từ huyền thoại tới hiện thực. Bên cạnh đó còn có nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc như: Trình diễn ánh sáng bằng thiết bị bay rone light, bay treo khinh khí cầu…
Hiện nay, Bình Thuận có gần 900 cơ sở lưu trú với trên 17.000 phòng, trong đó có 45 khách sạn, resort từ 3 đến 5 sao với gần 5.000 phòng; 13 đơn vị lữ hành, trong đó có 8 lữ hành quốc tế. Năm 2022, Bình Thuận đã đón trên 5,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 75,5 ngàn lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch 13.680 tỷ đồng. Riêng 2 tháng đầu năm 2023, đón gần 1,38 triệu khách nội địa, trên 40 ngàn quốc tế, doanh thu ước đạt trên 3.563 tỷ đồng, phấn đấu thực hiện mục tiêu thu hút được hơn 6,7 triệu du khách trong năm 2023 và kỳ vọng đưa du lịch trở thành một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. |
Bài; ảnh: Quốc Bảo – Cao Phương