Đoàn công tác của Thủ tướng còn có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam và Chủ nhiệm HĐQT Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam.
Tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đã có báo cáo kết quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng khoảng 9,14% (năm 2021 là 8,4%); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 52,1 nghìn tỷ đồng (tăng 5,7%). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 20.098 tỷ đồng, tăng 36% so với dự toán giao. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương 16.486 tỷ đồng, đạt 106% dự toán. Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn tiếp tục trong vị trí tốp đầu cả nước; học sinh giỏi quốc gia có tiến bộ vượt bậc, đứng thứ 3 toàn quốc.
Cũng trong năm qua, tỉnh đã tổ chức thành công các ngày Lễ lớn, sự kiện trọng đại, bảo đảm tiết kiệm, an toàn. Tại SEA Games 31, thành tích của Hải Dương đứng thứ 5 toàn quốc.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cũng đã đề xuất kiến nghị đến Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ một số nội dung liên quan đến đầu tư các Dự án về giao thông, xây dựng kết cầu hạ tầng khu công nghiệp, xin phép triển khai đầu tư xây dựng Khu hành chính tập trung của tỉnh…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ ngành trung ương đã đưa ra các ý kiến nhằm bổ sung, gợi mở định hướng phát triển; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tỉnh.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ, ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hải Dương đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng cũng đã phân tích, làm rõ thêm về tiềm năng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh và những tồn tại tỉnh cần quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh cùng sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả trong mọi hoạt động. Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu dứt điểm đến đó, việc nào xong việc đó; phải phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đi lên bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, không ỷ lại, né tránh; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực của từng cấp. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời; có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ; đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Hải Dương cần thực hiện hiệu quả Chiến lược “Bốn trụ cột - Ba nền tảng - Một trung tâm, ba đô thị động lực - Ba trục phát triển" với trọng tâm là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương dựa trên các trụ cột như công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao và hữu cơ; tận dụng sự lan tỏa của các trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh; phát huy tiềm năng về con người, truyền thống v��n hóa lịch sử; quan tâm phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Về nhiệm vụ, giải pháp cụ th��, Thủ tướng yêu cầu tập trung đầu tư cho công tác quy hoạch để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư, tạo cả lực đẩy và lực kéo cho phát triển. Coi quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hóa các nguồn lực, tăng cường hợp tác công - tư, lấy nguồn lực Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, kích hoạt các nguồn vốn xã hội; bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, lịch sử, giá trị truyền thống; thực hiện tốt chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo; chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, các công trình phúc lợi, thiết chế văn hóa khu công nghiệp; coi trọng đầu tư đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội…
Về các kiến nghị của tỉnh Hải Dương, đồng thời trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, Thủ tướng cơ bản nhất trí với việc giải quyết các kiến nghị của tỉnh, trên nguyên tắc đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; tạo cơ chế khơi thông, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phối hợp, giải quyết theo thẩm quyền các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.
Cũng trong dịp về công tác tại Hải Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Hải Dương đã tới thăm, dâng hương các bậc tiên hiền đang thờ trong khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc và đền thờ thầy giáo Chu Văn An (TP. Chí Linh).
Xem xét về những giá trị đặc biệt của các di tích gắn với thân thế sự nghiệp các danh nhân cùng tổng thể quy hoạch khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Hải Dương tích cực phối hợp với các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và các bộ, ngành trung ương, các cơ quan liên quan triển khai việc hoàn thiện hồ sơ trong quý II/2023, đề cử UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng "Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc" là Di sản thế giới. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương và các địa phương mời gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch trong khu vực, kết nối Côn Sơn - Kiếp Bạc với các di tích khác trong và ngoài tỉnh, hình thành chuỗi di sản, thu hút nhiều hơn du khách trong nước và quốc tế về tham quan, chiêm bái.
Phạm Chức