Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh chia sẻ: Du lịch là một trong những ngành kinh tế năng động nhất và tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới hiện nay. Năm 2023, ngành Du lịch đặt mục tiêu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế, đây là con số khiêm tốn so với mức đã đạt được năm 2019 là 19 triệu lượt khách, nhưng lại là mục tiêu đầy thách thức do thị trường du lịch quốc tế có nhiều biến động sau đại dịch.
Trong điều kiện kinh tế nhiều biến động như hiện nay việc phục hồi khách quốc tế nói riêng và phát triển ngành Du lịch nói chung sẽ mang nhiều ý nghĩa tích cực như tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, hỗ trợ chuyển dịch lao động dôi dư các ngành sản xuất đang gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu thu hẹp. Du lịch còn là ngành xuất khẩu tại chỗ hiệu quả cho các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, sản xuất hàng lưu niệm, thời trang, chế tác vàng bạc đá quý. Đặc biệt, du lịch còn là động lực để phát triển ngành hàng không, các hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch, thúc đẩy đầu tư công và đầu tư tư nhân,…
“Tọa đàm nhằm góp thêm những kế sách để triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đóng góp cho sự phát triển của ngành Du lịch tại Việt Nam. Bên cạnh những kế sách được đề xuất bởi các doanh nghiệp, tổ chức du lịch trong nước, các thông tin trao đổi từ đại diện cơ quan lập pháp và các bộ, ngành, chúng ta cũng sẽ cùng nghe những kinh nghiệm, nghiên cứu của các học giả, chuyên gia quốc tế và đại diện ngành Du lịch của nhiều nước trong khu vực.
Thông qua các phát biểu của các diễn giả, chúng ta sẽ có thêm nhiều thông tin hơn nữa về những cách làm mới trong thu hút du lịch quốc tế, những tiềm năng liên kết tầm cấp khu vực trong lĩnh vực Asean để cộng đồng lợi ích mà ngành Du lịch này đem lại. Thông tin từ Tọa đàm này sẽ gợi mở thêm nhiều ý tưởng, giải pháp quảng bá, xúc tiến, hoàn thiện dịch vụ du lịch, giúp du khách đến Việt Nam thuận lợi hơn, lưu trú dài hơn, chi tiêu nhiều hơn, không chỉ từ các thị trường truyền thống mà còn khai phá thêm những thị trường tiềm năng mới, bằng cả đường không và đường bộ qua các cửa khẩu biên giới”, ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia kinh tế, du lịch và đại diện doanh nghiệp hàng đầu trong ngành Du lịch khách sạn đã thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc và nút thắt cần tháo gỡ, những giải pháp hữu ích có thể triển khai nhanh, cũng như những bài học kinh nghiệm thành công của các nước khác trong khu vực. Đặc biệt, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, trong các yếu tố đang là rào cản thu hút khách quốc tế thì những hạn chế từ chính sách thị thực mà Việt Nam đang áp dụng là một bất lợi.
Theo Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, nhận định triển vọng cho năm 2023 là lạc quan một cách thận trọng. Tiến sĩ Ribeiro chia sẻ: “Tần suất xuất hiện dày đặc trên nhiều kênh truyền thông có tiếng cùng các giải thưởng du lịch quốc tế năm 2022 có thể mang lại sự thay đổi cần thiết. Việc nới lỏng các hạn chế đi lại do COVID-19 cũng đang giúp thúc đẩy sự tăng trưởng này. Năm 2021, Việt Nam đứng thứ 52 trong chỉ số Năng lực phát triển du lịch Việt Nam (TTDI), tăng tám bậc so với năm 2019. Năm ngoái, Việt Nam đứng thứ 23 trong chỉ số Rủi ro lợi nhuận châu Á-Thái Bình Dương theo Fitch Solutions.
Để hút khách quốc tế, theo Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Việt Nam nên cắt giảm, đơn giản hóa thù tục hành chính, mở rộng cấp thị thực điện tử (e-visa); tăng số nước được miễn thị thực; tăng thời hạn lưu trú cho các thị trường trọng điểm; cải thiện cơ sở hạ tầng; thúc đẩy các chương trình văn hóa và giao lưu ngôn ngữ để thu hẹp khoảng cảch giữa du khách và ngưởi dân địa phương; đầu tư mạnh để quảng bá du lịch Việt Nam tại các hội chợ du lịch quốc tế nhằm thu hút các thị trường trọng điểm.
Theo Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) Hoàng Nhân Chính: Theo Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phát hành ngày tháng 5/2022, du lịch Việt Nam xếp hạng thứ 52 trên 117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019. Đây là mức tăng cao thứ 3 thế giới, sau Indonesia (tăng 12 bậc) và Ả rập Xê út (tăng 10 bậc). Tuy nhiên, sự sụt giảm lượng khách inbound khi trở lại đường đua du lịch sau đại dịch lại là một thực tế buồn mà ngành Du lịch đang phải đối mặt. Ngành Du lịch cần chú trọng đặc biệt tới việc tạo điều kiện thuận lợi về thị thực, bao gồm thị thực điện tử và miễn thị thực. Tạo điều kiện thuận lợi để mở thêm các đường bay quốc tế trực tiếp từ các thị trường trọng điểm đến Việt Nam và ngược lại. Đối với các du khách đến từ thị trường Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, là những thị trường du lịch lớn có đường bay thẳng với Việt Nam, ngành Du lịch nên sớm có thỏa thuận chính sách visa dài hạn song phương với thời hạn từ 5 đến 10 năm, tương tự visa dài hạn mà một số quốc gia đã và đang cấp cho công dân Việt Nam.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia và lãnh đạo nhiều doanh nghiệp ngành Du lịch cũng đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy hoạt động truyền thông quốc tế, quảng bá hiệu quả du lịch Việt Nam, các giải pháp thu hút vốn đầu tư tư nhân trong hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch, các giải pháp liên kết tạo sức mạnh cộng hưởng trong đa dạng hóa sản phẩm du lịch, giảm chi phí cho du khách,…
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá cao sự vào cuộc của các bộ, ngành trong việc tháo gỡ rào cản để phát triển du lịch. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, vì thế, khôi phục hoạt động du lịch sẽ tạo động lực thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực cùng phục hồi. Trong thời gian tới, ngành Du lịch sẽ công bố “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” sau khi được Chính phủ phê duyệt; thực hiện Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để thu hút khách du lịch quốc tế, theo ông Hà Văn Siêu, các doanh nghiệp du lịch cần đầu tư cho cơ sở vật chất, kỹ thuật, con người; chuẩn bị phương án kết nối với nhà cung cấp dịch vụ, xây dựng các gói sản phẩm mới để tung ra thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội, ứng dụng công nghệ, tạo ra những xu hướng mới với sức sáng tạo lớn, có khả năng thích ứng tốt để xây dựng những sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách quốc tế.
Lan Phương