Trên đỉnh Olympia
Cho đến nay, ít ai biết rằng, Olympic mới là sân chơi quốc tế đầu tiên mà TTVN tham dự sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, chứ không phải là sân chơi khu vực hay châu lục. Đó là vào năm 1980, khi Olympic được tổ chức tại Moscow, với sự giúp đỡ của Liên Xô (cũ), 35 tuyển thủ thuộc 4 môn: bơi, vật tự do, điền kinh, bắn súng của Việt Nam đã tham gia tranh tài. Tất nhiên, với trình độ chuyên môn khi ấy, dấu ấn đáng kể nhất tại kỳ thế vận hội đầu tiên tham dự chỉ là một trận thắng của đô vật Phí Hữu Tình, nhưng chính Olympic 1980 đã trở thành bàn đạp để rồi vài năm sau đó, TTVN bắt đầu góp mặt tại ASIAD, SEA Games.
Riêng với đấu trường thế vận hội, cũng phải từ Olympic Seoul 1988 tại Hàn Quốc, sự góp mặt của TTVN mới trở thành thường xuyên hơn và rồi kỳ tích đã đến. Olympic Sydney 2000, Taekwondo lần đầu được đưa vào chương trình thi đấu chính thức và ngay lập tức, đã có hai nữ tuyển thủ Việt Nam giành quyền tham dự. Tuyệt vời hơn, ở hạng 57kg nữ, võ sỹ Trần Hiếu Ngân đã giành được tấm huy chương Bạc (HCB) - tấm huy chương thế vận hội đầu tiên để ghi danh TTVN lên đỉnh Olympia.
Không chỉ chính thức định vị trên bản đồ thể thao thế giới, tấm HCB đầu tiên này còn mở ra một chương mới cho thể thao nước nhà. Bên cạnh mục tiêu cọ xát, học hỏi quen thuộc, còn là cuộc đua giành những suất tham dự chính thức và đặc biệt là phấn đấu có huy chương ở các môn thế mạnh. 8 năm sau, tại Olympic Bắc Kinh 2008, kỳ tích đó thêm lần nữa lặp lại khi lực sỹ cử tạ Hoàng Anh Tuấn giành ngôi Á quân ở hạng 56kg. Chỗ đứng của TTVN trên đỉnh Olympia thêm lần nữa được khẳng định.
Gian nan con đường chinh phục
Những tấm huy chương Olympic luôn là mơ ước lớn nhất với bất kỳ nền thể thao nào mà TTVN chẳng là ngoại lệ. Không chỉ là sự ghi danh vinh dự mà bằng những tấm huy chương ấy, sẽ tạo nên cả động lực lẫn bước đường phát triển tiếp theo. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, với mặt bằng chuyên môn hiện tại, cuộc chinh phục đỉnh Olympia vẫn là thách thức lớn với TTVN.
Olympic London 2012 là minh chứng rõ nhất. Đặt mục tiêu có từ 20 - 30 suất vượt qua các vòng đấu loại để có được tấm vé chính thức tới London vào mùa hè năm sau, nhưng khi mà năm con mèo khép lại, đó vẫn còn là con số lớn. Vào tháng 3, Hoàng Quý Phước đạt chuẩn B Olympic ở cự ly 100m bướm nam tại giải vô địch Đông Nam Á, tuy nhiên, khả năng giành suất mới chỉ là 99% (chỉ chuẩn A mới chắc chắn). Kéo dài đến tháng 10 mới là tấm vé đầu tiên của Phan Thị Hà Thanh khi giành huy chương Đồng nội dung nhảy ngựa nữ ở giải Vô địch thế giới tổ chức ở Tokyo (Nhật Bản). Xen kẽ vào đó là những lần bất thành của Trương Thanh Hằng trên đường chạy 800m nữ ở giải vô địch châu Á và thế giới; Văn Ngọc Tú cũng đang tụt lại ở hạng cân 48kg nữ môn Judo; Thạch Kim Tuấn thi đấu không thành công tại vòng tuyển chọn thế giới môn cử tạ hạng 56kg... Ngay ở một kỳ SEA Games thành công nhất cũng vẫn còn đó nỗi lo... đạt chuẩn, khi nhiều gương mặt được kỳ vọng, dù đã giành ngôi vị cao nhất, tiếc là chỉ số chuyên môn lại chưa chạm. Và chỉ đến vòng tuyển chọn châu Á, cơ hội cuối cùng, Taekwondo mới góp thêm 2 suất từ Lê Huỳnh Châu (hạng 58kg nam) và Chu Hoàng Diệu Linh (hạng 67kg nữ) để tiếp tục kỳ Olympic thứ 4.
Như vậy, tính hết năm 2011, TTVN mới có được 4 vé tới London và theo kế hoạch, từ tháng 5 tới tháng 7 tới, toàn bộ danh sách tham dự Olympic London 2012 sẽ được Ban Tổ chức chính thức gút lại. Chính vì thế, không phải vô lý khi mục tiêu giành từ 20 - 30 suất, nay được chính các nhà quản lý TTVN hạ xuống còn khoảng... một nửa khi quỹ thời gian chẳng còn nhiều.
Cơ hội còn cho ai?
Ngoài 4 suất kể trên, hy vọng tiếp tục được đặt vào Thanh Hằng (800m nữ) với cái khoảng cách chỉ là 1% giây và kể cả Vũ Thị Hương nếu tìm lại phong độ đỉnh cao trên đường chạy tốc độ nữ. Ngôi sao trẻ Dương Việt Anh với tấm HCV nhảy cao nữ SEA Games 26 cùng thành tích 1,90m cũng được kỳ vọng lớn bởi chuẩn B Olympic là 1,92m. Cử tạ sau khi Á quân Olympic Hoàng Anh Tuấn phải chia tay thảm đấu vì '"dính do-ping" nay đã có hai gương mặt trẻ kỳ vọng là Thạch Kim Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn. Ở môn cầu lông, Tiến Minh nếu tiếp tục đứng vững trong tốp 10, suất tham dự là điều chẳng cần bàn cãi, cũng như thế với nữ võ sỹ judo Văn Ngọc Tú, xạ thủ bắn súng Hà Minh Thành; Phạm Phước Hưng (thể dục dụng cụ nam)…
Quỹ thời gian đương nhiên không còn nhiều, nhưng cơ hội vẫn rộng mở cho các tuyển thủ Việt Nam, chỉ kèm theo điều kiện... họ phải vượt lên chính mình. Đơn giản, vì đấu trường Olympic là nơi TTVN đang bắt đầu ấp ủ giấc mơ hóa "rồng".
Hoàng Hà