Huế - Cái nôi văn hóa ẩm thực
Đời sống ẩm thực là một bộ phận cấu thành văn hóa Huế, thể hiện cốt cách, ứng xử và nghệ thuật sống của người dân cố đô. Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch thì các món ăn xuất phát từ Huế chiếm khoảng 60% trong tổng số hơn 3000 món ăn của Việt Nam với hai dòng ẩm thực chủ đạo là ẩm thực cung đình và ẩm thực dân gian Huế.
Bà Hoàng Thị Như Huy - nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực cho rằng: "Món ăn Huế đòi hỏi các thực phẩm phải đảm bảo tiêu chuẩn tươi, sự chế biến cầu kỳ, công kỹ và yếu tố thời gian". Người dân cố đô không chỉ “ăn” để sống, mà còn hàm chứa một ý nghĩa sâu xa hơn, đó là “ăn” để thưởng thức, để hưởng thụ tinh hoa những sản địa của miền sông Hương núi Ngự.
Hiện tại, Huế đặc biệt còn lưu giữ trên 1000 món ăn nấu theo lối Huế, có cả những món ăn ngự thiện của các vua triều Nguyễn. Hệ thống các món ăn chay Huế cũng rất đa dạng và nổi tiếng. Nếu ai đã từng thưởng thức một bữa cơm chay Huế, chắc chắn sẽ không bao giờ quên được hương vị tinh khiết tuyệt vời của những món ăn này. Đặc biệt, trong đời sống ẩm thực cố đô, món tráng miệng cũng rất được lưu tâm và quan trọng không kém những món ăn chính. Món “cuối cùng” này có thể chỉ là một đĩa trái cây, nhưng cũng có thể là hàng chục món chè, bánh các loại rất thu hút du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Huế.
Để Huế trở thành “Kinh đô ẩm thực Việt”
Với thế mạnh là thành phố âm nhạc và lễ hội, kết hợp với hệ thống ẩm thực độc đáo, Huế hoàn toàn có thể trở thành thành phố kinh đô ẩm thực Việt Nam. Đây là một thế mạnh to lớn để trở thành một trung tâm du lịch ẩm thực của cả nước
Tuy nhiên, trong một thời gian dài qua, Du lịch Thừa Thiên - Huế chưa quan tâm đúng mức đến việc khai thác mạnh yếu tố tiềm năng này. Ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết: Về quảng bá truyền thông, lâu nay Huế chưa hình thành được thông điệp sử dụng cho việc quảng bá ra ẩm thực thế giới. Về nội lực thì các dịch vụ ẩm thực Huế chưa được đầu tư đảm bảo tính chân xác tinh hoa của các món ăn lịch sử như các món ăn cung đình Huế, các món ăn đặc sản Huế. Các món ăn dân dã mang đậm phong vị địa phương chưa được quy hoạch một vị trí, du khách rất khó để có thể thưởng thức tất cả các món ăn trong một thời gian ngắn mà thường phải di chuyển rất xa, đi từ con phố này qua các con phố khác. Bàn về vấn đề này, một đại diện của Công ty Vietrantour đã từng cho rằng,“Huế nên sớm hình thành một khu phố ẩm thực mà trong đó có đầy đủ các món ăn Huế và cũng có thể hình thành tại khu ẩm thực những lớp dạy nấu ăn nhỏ mà ở đó các nghệ nhân có thể dạy du khách nấu một số món ăn đơn giản…” , đó chính là một trong những yếu tố có thể níu giữ chân du khách ở lâu hơn trong chương trình tour đến Huế.
Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng hành đầu của tỉnh Thừa Thiên - Huế, vào tháng 5/2018, trong chương trình phát triển du lịch Thừa Thiên - Huế đến năm 2030 và triển khai Chương trình trọng điểm về phát triển du lịch - dịch vụ trên địa bàn tỉnh của tỉnh, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Kế hoạch truyền thông “Huế - Kinh đô ẩm thực Việt - Sự tận hưởng kỳ thú, giai đoạn 2018 - 2020” có tổng kinh phí thực hiện trong 3 năm (2018 - 2020) khoảng 12,4 tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách hơn 3,7 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa hơn 8,7 tỷ đồng. Mục tiêu của kế hoạch nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy tinh hoa ẩm thực Huế, xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô ẩm thực Việt” và nâng cao hình ảnh của ẩm thực Huế trong khu vực và trên thế giới, góp phần tích cực phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, một loạt giải pháp truyền thông sẽ được thực hiện như xây dựng và quản lý thương hiệu các loại hình ẩm thực đặc trưng Huế; xây dựng bộ nhận diện ẩm thực Huế phù hợp với các hình thức quảng cáo khác nhau; hình thành bộ nhận diện các nhà hàng, quán ăn đạt chuẩn phục vụ khách du lịch ở Huế; quy tụ được những người có tâm, có tầm, có nghề, có kiến thức, có sự hỗ trợ bằng chính sách phục hồi đúng chất lượng những món ăn vốn được xem là di sản về văn hóa ẩm thực Huế; tổ chức những lễ hội, hội thảo, tọa đàm về ẩm thực Huế và các chương trình đào tạo, các cuộc thi đầu bếp giỏi, thi chế biến món ăn ngon của Huế.
Bên cạnh các chiến dịch truyền thông, thì ngành Du lịch Huế sẽ hình thành các tour thưởng thức món ăn Huế: ẩm thực về đêm, ẩm thực đường phố, ẩm thực đầm phá, thưởng thức các loại bánh Huế, chè Huế, cơm Huế dân gian và cung đình, ẩm thực chay, khám phá ẩm thực Huế: vùng nguyên liệu sạch, nghệ thuật nấu ăn của người Huế, trải nghiệm đi chợ và nấu ăn kiểu Huế, món Huế…. Ngành Du lịch Huế cũng sẽ hợp tác với các doanh nghiệp, hiệp hội, đơn vị trong việc hình thành bảo tàng hoặc trung tâm diễn giải thông tin về ẩm thực Huế kết hợp với trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực Huế…
Ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, để xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô ẩm thực Việt”, tỉnh sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông cho Du lịch Huế thông qua các hoạt động của ẩm thực Huế với các giá trị khác biệt, độc đáo, có chất lượng, có sức cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế
Với chiến dịch xây dựng thương hiệu ẩm thực để trở thành một thủ phủ, kinh đô ẩm thực, nâng cao hình ảnh của ẩm thực Huế trong khu vực và trên thế giới, Du lịch Thừa Thiên - Huế đang kỳ vọng sẽ trở thành một điểm đến có lực hút mạnh từ các yếu tố văn hóa cốt lõi, khẳng định là một điểm đến du lịch không thể thiếu của du khách khi đến Việt Nam.
Minh Hạnh
Tạp chí Du lịch 6/2018