Đẩy mạnh phát triển thương hiệu điểm đến
Năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Tính đến 9 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,9 triệu lượt; khách du lịch nội địa đạt hơn 93,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 536,5 nghìn tỷ đồng. Đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành Du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo sinh kế người dân, nâng cao dân trí, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Nhờ sự quan tâm của Chính phủ và sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp, hình ảnh Du lịch Việt Nam đang dần trở nên hấp dẫn và thân thiện hơn với khách du lịch. Vị thế du lịch Việt Nam ngày càng in đậm trên bản đồ du lịch thế giới. Ngoài các điểm đến đã khẳng định thương hiệu như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long,... thì các điểm đến mới đang dần khẳng định vị trí và vai trò mạnh mẽ.
TS. Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, nhu cầu của ngành Du lịch tiếp tục phục hồi, tăng tốc phát triển, cần tìm giải pháp đối với vấn đề phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu điểm đến tại các địa phương nói riêng và ngành Du lịch Việt Nam rất cấp thiết.
Quản lý và phát triển điểm đến nhằm tạo môi trường hoạt động du lịch lành mạnh, xây dựng hình ảnh thương hiệu, nâng cao sức hấp dẫn và năng lực cạnh tranh của các bên là những vấn đề được Chính phủ quan tâm trong những năm gần đây. Đặc biệt thu hút sự tham gia của các bên, đẩy mạnh hợp tác công – tư, nâng cao nhận thức, bổ sung thêm nguồn lực cho sự phát triển bền vững của điểm đến du lịch mỗi địa phương cũng như phạm vi quốc gia.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị Traveloka thời gian tới tiếp tục đồng hành, hợp tác với du lịch Việt Nam trong các hoạt động quản lý điểm đến, xúc tiến quảng bá điểm đến, truyền thông thúc đẩy chuyển đổi số,… qua đó, du lịch Việt Nam sẽ từng bước phục hồi và phát triển.
Tăng cường hợp tác công tư trong hoạt động du lịch
Tại Hội thảo “Hợp tác công tư trong quản lý và phát triển điểm đến du lịch”, các đại biểu đã thảo luận về hợp tác công tư trong quản lý và phát triển điểm đến du lịch, kinh nghiệm quản lý và phát triển điểm đến du lịch quốc tế, những vấn đề chú ý trong liên kết, phối hợp quản lý điểm đến du lịch bền vững của từng địa phương, việc áp dụng các nền tảng du lịch thúc đẩy điểm đến tại các nước trong khu vực,… Một số giải pháp gợi ý cho việc quản lý và phát triển điểm đến du lịch bền vững bao gồm: nâng cao nhận thức về du lịch bền vững, bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn hóa, giảm thiểu tác động của tính thời vụ trong hoạt động du lịch, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường từ hoạt động du lịch, nâng cao sự hài lòng của du khách, tăng cường hợp tác công tư trong hoạt động du lịch.
Ông Wong Soon-hwa, thành viên Ban điều hành PATA, Chủ tịch danh dự Viện Quản lý du lịch Singapore chia sẻ về cách quản lý và phát triển điểm đến du lịch, kinh nghiệm của Singapore. Ông Wong Soon-hwa nhấn mạnh, trong bất cứ mối quan hệ nào thì vai trò của Chính phủ vô cùng quan trọng, đặc biệt trong mối quan hệ công - tư này rất cần Chính phủ chủ trì để phê duyệt các chính sách nhanh hơn, cần có kế hoạch mục tiêu rõ ràng, cần có kế hoạch tổng thể, phát triển bền vững, cân đối cả số lượng và chất lượng.
Còn theo bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, để điểm đến du lịch thực sự hấp dẫn thì chính quyền, doanh nghiệp và người dân cần phối hợp chặt chẽ và đồng bộ, nhằm cung cấp cho du khách các dịch vụ và hàng hóa đạt chất lượng, nâng cao hình ảnh của điểm đến. Nhằm thúc đẩy hợp tác công tư trong quản lý và phát triển điểm đến du lịch, chính quyền địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa loại hình, sản phẩm, dịch vụ du lịch và gắn du lịch với các hoạt động, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, làng nghề. Nghiên cứu xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch chất lượng cao; xây dựng môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp và bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động du lịch; thực hiện các đột phá chiến lược về đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng, nội vùng, kết nối các không gian du lịch. Chú trọng hợp tác công tư trong đổi mới công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, điểm đến, các sản phẩm du lịch mới trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế. Ứng dụng khoa học công nghệ trong bối cảnh chuyển đối số để quản lý, phổ biến, giáo dục pháp luật, quy định của Nhà nước cho người dân, doanh nghiệp kinh doanh du lịch để thực hiện...
Đồng quan điểm trên, PGS. TS. Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học KHXH và Nhân văn cho rằng, các điểm đến du lịch phải có khả năng phát triển và sử dụng lợi thế cạnh tranh của mình, đồng thời sẵn sàng đối phó với những thay đổi và mối đe dọa đột ngột, tận dụng các cơ hội về công nghệ và các cơ hội khác đối với lợi thế chiến lược của mình.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đề nghị Traveloka tiếp tục hợp tác với ngành Du lịch Việt Nam thông qua việc hỗ trợ các địa phương trong xây dựng ấn phẩm quảng bá và xúc tiến; quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam trên nền tảng của Traveloka. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quảng bá trên các nền tảng trực tuyến của ngành Du lịch. Phó Cục trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc tổ chức các chương trình tọa đàm, khóa đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số, xúc tiến quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ, quản trị điểm đến…
Lan Phương