Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lê Chi Lan – Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Sài Gòn cho biết, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần XI và Triển khai có hiệu quả Quyết định số 2426/QĐ-UBND và Kế hoạch số 2225/KH-UBND của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh; đánh giá đúng hiện trạng nguồn nhân lực du lịch hiện nay và đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng. PGS.TS Lê Chi Lan nhấn mạnh: “Việc Trường Đại học Sài Gòn tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành du lịch: Hiện trạng và giải pháp với mong muốn thu thập thông tin khoa học và thực tiễn liên quan đến nội dung: Đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch trình độ quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, định hướng hội nhập quốc tế. Tạo diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học trao đổi, chia sẻ về hiện trạng đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế trên thế giới, Việt Nam và tại TP. Hồ Chí Minh thời gian qua. Và góp phần đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng”.
Theo đó, Hội thảo với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các cơ quan nghiên cứu và cơ sở đào tạo, các công ty, doanh nghiệp trong cả nước, đã tập trung làm rõ những thực trạng và tìm kiếm giải pháp cho 3 vấn đề chính gồm: Những nhân tố tác động đến ngành dịch vụ du lịch của TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam; Công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch của TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam hiện nay; Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch của TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam hiện nay.
Đề cập đến giải pháp xây dựng nguồn nhân sự chất lượng cao cho ngành du lịch tại các cơ sở lưu trú thuộc sở hữu nnước. TS. Nguyễn Đường Giang cho rằng, từ kết quả nghiên cứu về nhân sự các các cơ sở lưu trú thuộc sở hữu Nhà nước cho thấy một số tiêu chí về kỹ năng, kiến thức cần được trang bị về kỹ năng quản lý, kiến thức về chính sách và quy định pháp luật. Đồng thời, chương trình đào tạo xây dựng cần phải bao quát hết các tiêu chí trong khung năng lực đánh giá. Theo đó, TS. Nguyễn Đường Giang kiến nghị: “Các cơ sở cần nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực riêng cho cơ sở mình. Đào tạo gắn với các tình huống thực tế song hành với tiêu chuẩn dịch vụ chất lượng. Tổ chức đào tạo và đào tạo lại theo hướng tập trung khuyến khích người lao động chủ động. Cải thiện chế độ đãi ngộ, xây dựng chính sách đào tạo và phát triển nhân lực chất lượng cao”.
Đồng thời, theo PGS.TS Vũ Công Thương thì ngành Du lịch Việt Nam hiện nay có một hạn chế về nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cần được sớm giải quyết đó chính là hành lang pháp lý cho đầu tư, phát triển du lịch chưa đột phá, chiến lược thị trường chưa linh hoạt, sản phẩm du lịch không đa dạng. Các dịch vụ chưa kết nối để tạo thành hệ sinh thái kinh tế du lịch. Hệ thống hạ tầng còn thiếu, không đồng bộ. Chính sách thị thực cũng được đánh giá chưa hợp lý, thời gian lưu trú ngắn… Những hạn chế, yếu kém nói trên do nhiều nguyên nhân, song cơ bản là do thể chế, chính sách về du lịch chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn du lịch. Cùng với đó, là sự phối hợp liên ngành, liên vùng hiệu quả còn thấp; đầu tư còn dàn trải, chưa huy động được nhiều nguồn lực của xã hội cho phát triển du lịch. Sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương và vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương chưa được phát huy đầy đủ. Vấn đề an ninh, an toàn cho khách du lịch vẫn chưa được đảm bảo. Tất cả đều xuất phát từ việc công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chưa được quan tâm đúng mức; vai trò quản lý, năng lực đội ngũ làm du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bên cạnh đó, đề cập đến việc giải quyết thực trạng nguồn nhân lực du lịch TP. Hồ Chí Minh hiện nay những nhà khoa học đến từ Trường Đại học Văn Hiến cho rằng, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh cần tập trung khắc phục những hạn chế hiện hữu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch TP. Hồ Chí Minh theo hướng “chuyên nghiệp hóa” thì cần tập trung giải quyết cụ thể theo từng đơn vị chuyên môn, cụ thể: Đối với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần căn cứ Đề án Chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030 cũng như xu hướng phát triển du lịch trên thế giới, Sở Du lịch xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng năm, từng giai đoạn gắn với những chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực du lịch trong thời gian tới; tăng cường các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch; bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho người kinh doanh thương mại, tiểu thương tại các chợ, cộng đồng dân cư...
Đối với các doanh nghiệp du lịch cần có chính sách hỗ trợ cho các sinh viên và giảng viên trong việc khảo sát và thực tập tại đơn vị; xây dựng chính sách liên kết và hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố, đóng góp xây dựng cải tiến chương trình đào tạo; khuyến khích lao động tại đơn vị tham gia các sự kiện và Hội thi của Ngành, học tập nâng cao trình độ; tham gia công tác giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập tại các cơ sở đào tạo.
Ngoài ra, đối với các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh liên kết và hợp tác trong đào tạo, tích cực liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tạo ra nguồn nhân lực du lịch; Liên kết giữa doanh nghiệp du lịch và cơ sở đào tạo; xây dựng chương trình theo hướng ứng dụng, bồi dưỡng giảng viên, xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu ngành nghề; tiêu chuẩn hoá nhân lực du lịch; áp dụng tiêu chuẩn VTOS trong giảng dạy; áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo nhân lực du lich.
Hội thảo, với 38 tham luận, nhiều nội dung về đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành du lịch đã được phác họa một cách khá toàn vẹn. Các tham luận đã bổ sung thêm những tư liệu mới, góp thêm những ý kiến, nhận xét, đánh giá của những nhà nghiên cứu, góp phần làm rõ hơn những vấn đề về lý luận và thực tiễn về nguồn nhân lực và việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành du lịch của Việt Nam và TP. Hồ Chí Minh hiện nay.
Phước Quang