Hội vật làng Sình tại TP. Huế - Sân chơi đầu xuân đầy ý nghĩa
Đây là hoạt động văn hóa truyền thống, giàu tinh thần thượng võ của người dân địa phương; là một sân chơi đầu xuân đầy ý nghĩa, là điểm du lịch lý thú cho du khách mỗi dịp xuân về. Với lịch sử hàng trăm năm và được duy trì cho đến tận ngày nay, người dân làng Sình tổ chức hội vật như là hoạt động văn hóa truyền thống giàu tinh thần thượng võ, khích lệ việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí của lớp trẻ. Bên cạnh đó, đối với người dân địa phương, hội vật còn mang ý nghĩa tâm linh là cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Hội vật làng Sình chỉ diễn ra trong 1 ngày gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức khá tôn nghiêm tại đình làng Lại Ân. Tại đây, các cụ cao niên trong làng sẽ làm nghi lễ vái tạ Thành Hoàng của trưởng tộc ở đình làng. Sau đó phần hội chính thức được bắt đầu.
Hội vật mở đầu bằng màn biểu diễn của hai cặp đô vật chuyên nghiệp với những pha biểu diễn đầy kinh nghiệm. Tiếp đến là phần tranh tài gay cấn, hấp dẫn và đẹp mắt của các đô vật. Hội vật năm nay thu hút rất đông các đô vật nam, nữ là thanh thiếu niên có sức khỏe tốt đến từ các thôn trên địa bàn xã và các vùng lân cận. Các đô vật tranh tài ở nội dung vật truyền thống, với hai giải đấu thanh niên và thiếu niên; có cả nam và nữ.
Hội vật làng Sình về cơ bản áp dụng nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc là phải đánh ngã đối thủ ở tư thế "lấm lưng trắng bụng"; đồng thời, giữ hoặc đè được đối thủ trong vòng 3 giây là thắng.
Nét đặc trưng của Hội vật làng Sình là bất kỳ khán giả nào cũng có thể đăng ký tham gia. Lệ làng quy định các đô vật dự hội không nhất thiết phải là người địa phương mà bất kỳ khán giả nào cũng có thể được lên sới đấu vật. Về phần thưởng, ngoài giải Cạn dành cho chức vô địch, làng còn trao thưởng cho tất cả những đô vật tham gia tranh tài. Bên cạnh đó, vì rất chú trọng tinh thần thượng võ nên tại hội vật, những đòn nguy hiểm như bẻ, vặn khóa trái khớp, tấn công vào yết hầu, mắt… hoàn toàn bị cấm.
Thao Lan