Theo nguồn tư liệu của Hội Hoa Hữu, từ năm 1920 - 1943, hàng năm, đền Nghè (còn gọi là miễu Ngàn) ở Hải Phòng, thờ nữ tướng Lê Chân, đều mở hội thi hoa thủy tiên (chỉ dự thi hoa cánh trắng nhằm tỏ lòng tôn kính) dâng cúng nữ anh hùng. Hội thi kéo dài trong 3 ngày.
Cứ đúng vào ngày mồng 8/2 âm lịch - ngày đản sinh của nữ tướng Lê Chân và cũng là ngày khai hội đền Nghè, những người trong Hội Hoa Hữu (Hội những người bạn của hoa) Hải Phòng lại cùng với nhân dân làng Vẻn khai mạc hội thi hoa thuỷ tiên. Người Hải Phòng đinh ninh rằng nếu hội thi mà tuyển chọn đúng được những bình hoa thuỷ tiên đẹp nhất để làm lễ dâng lên Thánh mẫu Lê Chân thì đời sống của mọi người nằm trong quyền năng, tha lực bảo trợ của Thánh Mẫu sẽ tươi đẹp suốt trong năm.
Nhà nghiên cứu văn hoá Đinh Tiếp, người con của quê hương hát đúm Tổng Phục (Thuỷ Nguyên) mô tả: “Mỗi bình hoa lúc này có một vẻ đẹp riêng, nhưng cũng có những nét chung nổi bật: năm bông hoa trắng muốt mọc thẳng từ năm giò hoa vừa e ấp hé miệng cười, ôm lấy lòng bình hoa như một đĩa xôi đầy, gợi cho người xem về vẻ đẹp trắng trong đầy sức sống của một mùa xuân. Củ hoa thuỷ tiên được đặt trong một bình pha lê trong suốt - một loại bình chỉ sản xuất riêng để chơi hoa thuỷ tiên - bộ rễ tròn trắng muốt, óng ả, mọc thẳng xuống lòng nước trong xanh, qua cột nước lung linh, rễ hoa uyển chuyển, dịu dàng, đẹp như bộ râu trắng bạc của vị tiên trong truyền thuyết”. |
Để chuẩn bị cho ngày hội, cứ vào trung tuần tháng 11 âm lịch, tại cổng đền chính thức yết bảng quy định về thể lệ cuộc thi vào mồng 8/2 năm tới; trong đó nêu rõ tiêu chuẩn của hoa dự thi như: hoa phải đạt tiêu chuẩn 5 giò (tức là củ hoa có năm nhánh đều) tượng trưng cho ngũ hành; các giò hoa phải thật đều và đúng giờ quy định phải cùng hé cười - hé nở). Ai muốn dự hội thi hoa, qua được vòng sơ tuyển “phỏng vấn” nhanh những kiến thức, hiểu biết về hoa thuỷ tiên, về di tích đền Nghè và Thánh Mẫu Lê Chân. Sau khi chính thức có tên trong hội thi, những người này phải đi chọn mua cho được củ thuỷ tiên có đủ 5 giò, rồi bỏ rất nhiều công sức tỉa gọt. Khó nhất vẫn là kỹ thuật ngâm hãm sao cho hoa nở đúng ngày giờ quy định, nhưng để đạt được yêu cầu “cùng hé cười” lại càng khó hơn gấp bội.
Đúng 8 giờ tối ngày 8/2 âm lịch, hội thi hoa thuỷ tiên chính thức khai mạc. Trước đó, từ 4 giờ chiều, người ta đã cho dựng một chiếc rạp to đẹp và chắc chắn ở giữa sân đền Nghè. Xung quanh rạp buộc gióng tre làng ngà nhẵn bóng. Rạp được trang hoàng lộng lẫy, với đủ cờ ngũ sắc, tàn lọng, y môn, đèn lồng. Bộ bát biểu đặt chính giữa rạp, hai bên tả hữu là bộ trinh cồ đăng đối trông rất uy nghi. Nền rạp rải chiếu hoa và đặt 5-6 chiếc bàn làm nơi để những bình hoa dự hội thi. Ban Giám khảo gồm những người sành chơi hoa và có uy tín trong Hội Hoa Hữu Hải Phòng và các vị chức sắc, dòng họ gốc của làng cổ An Biên có am hiểu về hoa thuỷ tiên. Kết thúc chấm chung khảo, Ban giám khảo hội ý chớp nhóng để thống nhất kết quả. Sau đó, ông chánh chủ khảo mới chính thức cầm đèn soi lại cẩn trọng từng giò hoa, rễ hoa… công bố từng loại giải và hỏi ý kiến khán giả xem đã thoả mãn chưa rồi mới quyết định chính thức. Nếu đựơc mọi người tán thành, viên chủ khảo mới trịnh trọng đặt từng bình hoa vào vị trí được giải thưởng của nó. Tất cả những bình hoa trúng giải xếp thành 4 loại và để ở 4 vị trí khác nhau. Hai bình đoạt giải nhất gọi là “ Giải Nguyên” và “Á Nguyên”.
Hội thi hoa thuỷ tiên ở đền Nghè không chỉ quyến rũ người yêu hoa Hải Phòng, mà còn thu hút sự quan tâm của giới sành hoa thuỷ tiên khắp cả nước, từ Hà Nội, Sơn Tây, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình đến Huế, Sài Gòn cũng tìm về dự hội, không chỉ có người Việt, nhiều khi còn có cả người Hoa, người phương Tây cũng háo hức đến xem hội. Trong hội thi hoa thuỷ tiên, lúc chẩm giải là thời khắc đẹp, hân hoan và hồi hộp nhất, là thời điểm xuân nhất của mùa xuân đặc trưng Hải Phòng. Bởi lẽ, tất cả các bình hoa, chậu hoa lúc này đều “cập thời hàm tiếu”, tỏa hương thơm ngây ngất, tinh khiết, thanh tao.
Hội thi hoa thuỷ tiên ở đền Nghè đã từng là hội xuân truyền thống của người Hải Phòng, mặc dù loài hoa này mới được du nhập vào nước ta những năm đầu thế kỷ 20. Tiếc thay, từ sau cuộc thi năm Quý Mùi (1943), hội thi hoa thủy tiên bị đứt đoạn đến tận bây giờ. Nguyên nhân chủ yếu là do lúc bấy giờ, phát xít Nhật tấn công Trung Quốc, đánh phá mạnh xuống vùng Hoa Nam, cắt đứt đường đưa hoa thuỷ tiên từ vùng Hoa Nam (Trung Quốc) sang Hải Phòng. Dấu ấn của hội thi hoa thuỷ tiên ở đền Nghè xưa kia, nay chỉ còn lưu lại qua bức đại tự “Vạn cổ anh phong” và đôi câu đối: “ Thuỷ ánh ngân dài lạc phố từ minh an lĩnh nguyệt - Tiên khai ngọc vũ giao trì hội hiến hán cung vương” (nghĩa là: Ánh nước dài ngân của ngôi đền từ nơi đô hội này như mặt trăng in trên núi An Lĩnh (Yên Tử) - Miếu ngọc do tiên mở hội giao trì thơm đến tận cung Hán (thiên đình)) do Hội chơi hoa Hải Phòng dùng tiền quỹ đặt làm và cúng tiến vào đền.
Trần Phương