Lễ hội Gầu Tào (Lào Cai)
Gầu Tào trong tiếng Mông có nghĩa là “chơi ngoài trời”, tiếng Quan Hoá là “sải sán” - tức “đạp núi”. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm ở Lào Cai, là hình ảnh thu nhỏ đời sống tâm linh, đời sống văn hoá tinh thần - vật chất của đồng bào dân tộc Mông. Lễ hội mở ra nhằm mục đích cầu phúc hoặc cầu mệnh. Một gia chủ nào đó không có con, thưa con hoặc sinh con một bề, sẽ làm lễ nhờ thày cúng bói xin cho mở hội Gầu tào nhằm cầu mong có con - đó là hội cầu phúc. Thời gian mở hội thường trong khoảng từ ngày 1 - 15 tháng giêng.
Ngay từ cuối tháng chạp, khi được thày cúng bói xin mở hội, gia đình mở hội cầu phúc phải cử hai thanh niên khỏe mạnh trong dòng họ chặt cây mai về dựng nêu. Lễ dựng nêu được tổ chức từ ngày 26 đến ngày 29 tết. Địa điểm trồng cây nêu (cũng là địa điểm mở hội) là một quả đồi gần đường đi, tương đối bằng phẳng, đánh bớt gốc cây, dọn sạch các bụi cây lúp xúp. Cây nêu được chôn ngay trên đỉnh đồi. Nếu lễ hội được chia làm ba năm (tổ chức suốt ba năm liền) thì mỗi năm chỉ dựng một cây nêu bằng cây mai. Nhưng nếu lễ hội chỉ tổ chức gộp một lần thì phải chôn dựng ba cây nêu theo hình tam giác cân ở giữa đỉnh đồi. Trên gần ngọn nêu treo 3 miếng vải lanh màu đen, trắng, đỏ khác nhau. Phía dưới sợi vải, treo lủng lẳng bầu rượu ngon và một dây tiền bằng giấy bản. Khi dựng xong cây nêu, gia chủ còn làm lễ cúng ở chân cột nêu, mời tổ tiên các thần phù hộ cho có con, mọi thành viên đều khỏe mạnh. Khi cây nêu được dựng lên, các làng gần, làng xa biết rằng tết năm nay sẽ mở hội Gầu tào. Mọi người nô nức chuẩn bị dự hội.
Sáng sớm ngày khai hội, mọi người tụ tập đến bãi mở hội. Khắp bãi đã dựng thêm nhiều lều lợp lá cây cho người già ăn uống chúc tụng. Bãi bằng nhất được dọn ra cho trẻ em đánh quay. Những dây ống hát được chăng lên khắp triền đồi. Nơi bắn nỏ, bắn cung, sân múa khèn, đường đua ngựa cũng được quy định và bài trí đơn giản. Mỗi sân bãi đều đã cắt cử người quán xử (chủ sự). Gia chủ là người có quyền tối cao thống lĩnh toàn hội.
Phần hội sôi nổi với rất nhiều trò chơi như: thi bắn cung nỏ, đánh quay, đu quay, nhảy ngựa, đánh yến, đánh cầu, múa khèn, hát gầu plềnh, hát tình ca…Đêm đến, khách xa, người cao tuổi được mời về nhà gia chủ. Tại bãi hội, những đống lửa được đốt lên, mọi người tiếp tục cuộc vui. Ngày đầu tiên, sau khi làm lễ khai hội, mọi người kéo vào nhà thày mo làm lễ nhảy (đha thàng). Đám nhảy kéo dài cho đến hết hội.
Hết thời hạn hội, gia chủ làm lễ kết thúc, cây nêu được hạ xuống. Thày mo đốt thẻ giấy, hốt than cho vào gáo nước, vừa đi vừa cầu khấn. Sau mỗi đoạn khấn vái, thày lại hấp một ngụm nước phun ra xung quanh. Gia chủ cầm bầu rượu hạ từ trên cây nêu đi theo sau thày mo, cũng hẩy rượu ra khắp nơi. Mảnh vải đỏ thì mang về treo trong nhà cầu mong hồng phúc đời đời. Trường hợp nếu là hội cầu phúc, ông chủ hội chọn một đôi trai gái, một đôi nam nữ đứng tuổi đông con và họ hàng rước nêu về gia chủ gác ở đằng sau nhà hoặc làm giát giường mong sớm có con. Nếu mở hội cầu mệnh thì rước cây nêu đến gác ở chỗ vách đá khô ráo.
Lễ hội Gầu Tào (Lào Cai)
Lễ hội Hết Chá của người Thái Sơn La
Tháng ba, vào mùa hoa ban rực sáng núi rừng, người dân bản Áng xã Đông Sang (Mộc Châu, Sơn La) lại tưng bừng tổ chức lễ hội Hết Chá.
Đây là dịp để người dân tạ ơn đất trời, tạ ơn đấng sinh thành, giáo dưỡng, cầu chúc cho vạn vật hòa hợp, sinh sôi nảy nở, cuộc sống yên vui, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, mọi người ấm no hành phúc. Lễ hội còn thể hiện ý thức gắn kết cộng đồng dân tộc Thái, cùng nhau bước vào mùa vụ mới. Cũng từ lễ hội Hết Chá, đã có rất nhiều đôi trai gái bén duyên, rồi nên nghĩa vợ chồng
Sau lễ lấy hoa, dâng hoa sẽ diễn ra lễ hội, gồm 2 phần: lễ và hội. Phần lễ là dịp để người con nuôi bày tỏ lòng thành kính với thầy mo đã chữa bệnh cho mình, mang tính nhân văn sâu sắc. Thông qua phần lễ với những tích xưa được kể và dựng lại do chính những người dân biểu diễn, người tham dự lễ hội sẽ được truyền dạy kinh nghiệm sản xuất cũng như nghe những lời răn dạy để mọi người sống với nhau tốt hơn. Điểm nổi bật của những tích trò là tính hài hước, hóm hỉnh theo lối gái giả trai, trai giả gái, làm cho người xem cười thỏa thích.
Phần hội diễn ra những trò diễn dân gian vui nhộn, dạy con cháu khai hoang ruộng, tập cho trâu cày, khơi dậy nền văn minh lúa nước của đồng bào dân tộc. Đan xen một số tiết mục kịch câm dí dỏm, vui nhộn phê phán những thói hư tật xấu, khích lệ những cái hay, cái đẹp trong cuộc sống thường nhật. Bên cạnh đó, là những điệu xòe uyển chuyển, nhịp nhàng, duyên dáng quanh cây nêu hòa cùng tiếng trống, chiêng rộn rã và âm thanh chầm bổng của đội nhạc như đang mời gọi. Điệu xòe trong lễ hội Hết Chá được gọi là “xòe Chá” gồm 6 mục chủ yếu, mỗi mục gắn với một sự việc, được minh họa bằng kịch câm.
Mọi hoạt động trong Lễ hội xung quanh một cây nêu, khơi dậy cuộc sống bình dị với thiên nhiên hoang dã được thể hiện trên cây nêu, với hoa ban, hoa mạ, hình con thú, con chim, ve sầu, ong bướm, chống chiêng… đủ mầu sắc treo trên cây nêu, tượng chưng cho sự sống, mùa xuân. Gốc cây nêu đặt những chum rượu cần để mời khách. Trong phần hội còn diễn ra những hoạt động vui chơi giải trí vui nhộn ở nhiều khu vực, thi: xòe dân tộc Thái, món ăn dân tộc, đi cầu kiều, đi cà kheo…
Lễ hội Nàng Han (Lai Châu)
Lễ hội Nàng Han ở xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu được tổ chức vào 15/2 âm lịch hàng năm, nhằm tôn vinh nữ anh hùng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm của đồng bào Thái trắng, đồng thời mong cầu sự no ấm, cuộc sống an lành, mùa màng tươi tốt cho khắp bản làng.
Tương truyền sau khi đánh tan giặc ngoại xâm, nàng xuống suối tắm rửa sạch sẽ, cùng dân bản vui đón Xuân. Một lần sau khi xuống suối tắm, nàng bay về trời, chỉ để lại trên bờ thanh gươm quí. Ở bản Vàng Pheo, nơi Nàng Han đặt thanh gươm, người dân bản lập miếu thờ và hàng năm tổ chức lễ tế tưởng nhớ công ơn của nàng.
Tiếng reo hò dậy lên ở nhóm thanh niên đang chơi kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tó má lẹ. Khoảng sân rộng trước Nhà văn hóa bản Vàng Pheo biến thành sân khấu, rộn rã tiếng đàn tính và các làn điệu dân ca. Những cô gái Thái uyển chuyển trong các điệu múa.
Khi mặt trời dần khuất sau cánh rừng xa, trên nhà sàn của Nhà văn hóa bản Vàng Pheo đã dọn lên những mâm cơm truyền thống của người Thái. Đây là phần thi ẩm thực - phần hấp dẫn nhất trong lễ hội. Nào là cơm lam, xôi 3 màu, măng rừng, thịt nướng, cá suối vùi tro, cá kho, nộm lá sắn, nộm củ đao... Có bản cầu kỳ hơn vào núi tìm được ve non, ong đất non rang lên. Độc đáo hơn cả là món rêu đá - thứ rêu mọc trên gềnh đá bên suối, được lấy về đập thật kỹ rồi tẩm ướp gia vị, kẹp với củ sả và nướng trên bếp than hoa, tạo thành món ăn có vị đậm và thơm. Những sản vật của núi rừng qua bàn tay khéo léo của người Mường So đã trở thành những món ăn ngon và hấp dẫn đãi khách quý...
Múa dân tộc Thái trong Lễ hội Nàng Han (Lai Châu)
Lễ hội Cầu mưa (Hòa Bình)
Lễ hội Cầu mưa hay lễ hội Xến Xó Phốn là một lẽ hội của người đồng bào dân tộc Thái (Mai Châu, tỉnh Hòa Bình). Đây là lễ hội thể hiện giá trị về phong tục tập quán, tín ngưỡng cho mọi người trong bản.
Thời gian diễn ra lễ hội là từ ngày 01/04 đến 28/04 âm lịch, vào những đêm trăng có quầng đỏ quầng vàng - điềm báo trời đại hạn kéo dài. Trong lễ hội, người ta cúng thần linh cai quản mưa nắng, mang yếu tố tâm linh để dạy bảo con người. Lễ hội đông nhất là nam nữ thanh niên. Còn lớp người trung niên và già cả thì ở nhà để sẵn sàng đón tiếp đoàn hát cầu mưa. Đoàn hát thường đông tới năm sáu chục người. Dẫn đầu đoàn hát có một người lĩnh xướng, người thứ hai cầm một cái sàng gạo. Bà Mè mải cũng thường là người cao tuổi đóng vai trò chính, dẫn đoàn người đi đến các nhà xin lễ vật. Họ chọn nhà nào có bà già cao tuổi nhất bản đến đầu tiên, rồi lần lượt đến các nhà khác trong làng.
Sau khi đi khắp lượt các nhà trong bản, đoàn trở lại nơi xuất phát để châm đuốc. Mỗi người thắp một bó đuốc trên tay, họ diễu hành hàng một vòng quanh bản, sau đó kéo nhau ra suối nước. Tất cả số đuốc được chụm lại hai, ba đống bên bờ suối. Lửa đuốc sáng rực cả một góc trời. Họ chia ra từng tốp nam, nữ đứng mặt đối mặt với nhau, để thi tát nước "vàng" nước "bạc". Khi ai nấy đều ướt sũng, mới chịu tan đêm hội về nhà mình.
Bá Điền